Doanh nghiệp cam kết giá vải thiều tối thiểu 10.000 đồng một kg

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều vừa được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức sáng 11/5 tại vùng vải Lục Ngạn. Tuy hầu hết 20 doanh nghiệp xuất khẩu và phân phối tham dự vẫn trong giai đoạn thăm dò, song theo lãnh đạo địa phương, đã có đơn vị cam kết thu mua 10 ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP.
Về giá bán, ông Đặng Văn Thắng, Trưởng nhóm số 6 (mã vùng được doanh nghiệp lựa chọn) cho biết, thực tế, giá vải phụ thuộc từng ngày thu hoạch. "Có ngày buổi sáng giá lên, chiều lại giảm, không cố định. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đảm bảo với bà con nông dân sẽ mua với giá thị trường của vụ thu hoạch", ông nói.
Trong trường hợp giá bị rớt xuống còn vài nghìn đồng, theo vị này, doanh nghiệp vẫn cam kết thu mua với mức cao hơn giá thị trường, tối thiểu là 10.000 đồng mỗi kg. "Vải trồng tiêu chuẩn đi xuất khẩu đã rất vất vả, chi phí cao hơn mà bán với giá chỉ 10.000 đồng một kg thì hoàn toàn không có. Như vụ năm ngoái, giá đã dao động 12.000-25.000 đồng một kg rồi", ông Thắng cho hay.
Lãnh đạo địa phương cho biết do chưa vào vụ thu hoạch nên khó dự báo chính xác giá vải. Song, với cam kết giá thu mua của một doanh nghiệp, các đơn vị phân phối khác cũng quan tâm nhiều hơn đến quả vải Bắc Giang. Theo vị này, địa phương sẽ tạo điều kiện hết mức để các doanh nghiệp thu mua suôn sẻ.
Trước đó, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết vụ thu hoạch vải sẽ bắt đầu từ 15/5 đến nửa đầu tháng 7. Tổng sản lượng dự kiến của 2 tỉnh là Bắc Giang và Hải Dương đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, số còn lại sẽ xuất khẩu. Mức giá được cơ quan quản lý dự báo sẽ tương đương với năm trước.
Một số địa phương tiêu thụ số lượng lớn vải thiều gồm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM… Thị trường phía Nam vẫn là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải bán trong nước.
Trong khi đó, hướng xuất khẩu theo Bộ Công Thương, lượng lớn vải thiều sẽ được xuất sang Trung quốc- thị trường truyền thống. Các nước ASEAN như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có nhu cầu khá lớn về mặt hàng này.
Hiện, để chuẩn bị cho việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi, ngoài kết nối cung - cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối nội địa, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… để các mặt hàng nông sản trong đó có vải thiều được hưởng mức thuế suất 0% khi thâm nhập thị trường mới.
Mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó, cung cấp thị trường phía Nam 60.000 tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, giá bình quân vải thiều đạt 12.400 đồng mỗi kg, vải sấy 50.000 - 60.000 đồng mỗi kg, tổng giá trị từ vải thiều năm 2014 đạt trên 2.300 tỷ đồng. Dù đã xuất khẩu sang nhiều thị trường, song tiêu thụ vải vẫn bấp bênh do phần lớn sản lượng đều xuất vào Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm 2012, đề tài khoa học “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên chủ trì được áp dụng vào thực tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ nuôi tôm.

Rau mầm là loại thức ăn được người tiêu dùng biết đến những năm gần đây. Loại rau này dễ trồng, chỉ cần 5 - 7 ngày là thu hoạch. Từ 30 - 40g hạt giống có thể thu 500g rau mầm, giá bán tùy loại, khoảng 40.000 đồng/kg - 60.000 đồng/kg.

Năm 2013, Trạm Khuyến nông thành phố Vinh (Nghệ An) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi lai xa dòng Israel.

Đầu năm 2014 đến nay, Điện lực Đầm Dơi đã tiếp nhận hồ sơ áp giá điện cho trên 200 hộ dân và gắn trên 100 điện kế 3 pha cho người dân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm này, giá cà phê nhân xô được thu mua ở mức trên 35.000 đồng/kg, tính gộp từ sau Tết đến nay đã cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Tuy phấn khởi trước sự thay đổi tích cực của thị trường, song nông dân Tây Nguyên vẫn rất thận trọng chưa bán ra.