Trang chủ / Hải sản / Tôm hùm

Điều trị một số bệnh trên tôm hùm nuôi

Điều trị một số bệnh trên tôm hùm nuôi
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 29/10/2020

Hỏi: Biện pháp điều trị bệnh sữa trên tôm hùm? (Nguyễn Hồng Hạnh, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Khi phát hiện tôm hùm bị bệnh sữa, cần tách và tiêu hủy các cá thể bị bệnh nặng, chỉ giữ lại những cá thể còn ăn được thức ăn để tiến hành điều trị. Cho tôm ăn thức ăn trộn với kháng sinh Tetracyclin có bổ sung hoạt chất sinh học và chất kết dính. Cách làm như sau: Chọn thức ăn tươi sống (cá liệt, cá sơn, cá mối…) và cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ phù hợp cỡ miệng tôm theo từng giai đoạn nuôi (Lưu ý: rửa thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 2 – 3 ppm và để ráo thức ăn trong 10 phút trước khi cắt thành miếng nhỏ); Trộn thức ăn với thuốc kháng sinh Tetracyclin, hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ 5,0 g kháng sinh + 5 g hoạt chất sinh học + 5 g chất kết dính/1 kg thức ăn. Cho tôm ăn thức ăn đã trộn thuốc liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần vào 17 – 18 giờ. Sau 7 ngày dùng thuốc, nếu thấy tôm vẫn còn bệnh thì tiếp tục cho tôm ăn thức ăn có trộn thuốc trong vòng 3 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17 – 18 giờ (trộn thức ăn như hướng dẫn ở trên nhưng giảm một nửa lượng kháng sinh Tetracyclin: tỷ lệ 2,5 g/1 kg thức ăn).

Hỏi: Tôm hùm hoạt động kém, chậm lớn, mổ khám tôm chết thấy có mang có hiện tượng bị đen. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Trần Văn Nam, xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)

Trả lời:

Theo mô tả, tôm hùm có thể bị bệnh đen mang. Nấm Fusarium sp. là một trong những tác nhân gây nên dấu hiệu đen mang ở tôm hùm nuôi lồng. Đây là nấm dạng sợi phân nhánh, bào tử không màu sắc (gọi là bào tử đính) gồm bào tử đính nhỏ và bào tử đính lớn. Cuống bào tử thường kết cụm và sản sinh bào tử. Sử dụng Formaline 100 – 200 ppm tắm cho tôm trong thời gian 10 – 15 phút mỗi ngày (dùng trong 2 – 4 ngày) để điều trị bệnh. Tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị) nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh. Thao tác bắt tôm lên điều trị phải nhẹ nhàng, tránh xây xát tôm; trước khi tắm tôm phải chuẩn bị tất cả các dụng cụ cần thiết, tránh trường hợp đưa tôm lên khỏi lồng mà chưa tiến hành điều trị ngay. Để phòng bệnh, cần vệ sinh lồng nuôi thường xuyên nhằm tăng lưu lượng dòng chảy qua lồng nuôi. Chuyển lồng nuôi đến địa điểm mới để tránh sự ô nhiễm cục bộ. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa nguồn nước thải sinh hoạt hay nước thải công nghiệp/nông nghiệp, nền đáy không bị ô nhiễm; không đặt lồng sát đáy; vớt thức ăn dư thừa; sát trùng thức ăn (bằng thuốc tím…).


Có thể bạn quan tâm

Những điều thú vị về tôm hùm bạn nên biết Những điều thú vị về tôm hùm bạn nên biết

Tôm hùm là một loài thủy sản thuộc nhóm động vật chân khớp thường được chế biến để luộc hoặc hấp.

23/04/2020
Lưu ý nuôi tôm hùm khi thời tiết bất lợi Lưu ý nuôi tôm hùm khi thời tiết bất lợi

Thời tiết ngày nắng nóng, oi bức, thỉnh thoảng chiều tối và đêm có mưa dông rất bất lợi trong việc nuôi tôm hùm...

02/06/2020
Dùng bơm nhiệt để sưởi ấm bể nuôi tôm hùm trên cạn Dùng bơm nhiệt để sưởi ấm bể nuôi tôm hùm trên cạn

Ứng dụng bơm nhiệt để sưởi ấm cho bể nuôi giúp tiết kiệm chi phí và nhanh thu hồi vốn hơn dùng điện trở.

07/07/2020