Điểm sáng sản xuất rau VietGAP
Trước đây người dân phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chỉ SX nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay địa phương đã xây dựng được vùng chuyên canh rau an toàn quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các sản phẩm rau màu của HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Thắng được người tiêu dùng đánh giá cao (Ảnh: Việt Khánh)
HTX Nông nghiệp Quảng Thắng được thành lập cách đây hơn 40 năm. Thực hiện theo Luật HTX năm 2012, tháng 6/2016 HTX tiến hành chuyển đổi thành HTX Dịch vụ Nông nghiệp phường Quảng Thắng, bao gồm 68 thành viên là những hộ có truyền thống SX rau trên địa bàn.
Năm 2010, HTX Quảng Thắng vinh dự là 1 trong 2 đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn tham gia dự án mô hình thí điểm SX rau an toàn (RAT) với sự tài trợ của Chính phủ Canada. Từ thành công bước đầu, năm 2013 HTX mạnh dạn đầu tư thêm 4 tỷ đồng tiếp tục mở rộng quy mô SX lên 5ha, trong đó 2,5ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Châu, thời gian đầu triển khai HTX gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng nhờ có định hướng bài bản, trên hết là sự nỗ lực không ngừng của tất cả xã viên, mọi nút thắt dần được tháo gỡ, đến nay tình hình cơ bản đã đi vào ổn định.
“Chúng tôi xác định phát triển thương hiệu RAT theo hướng bền vững, do đó phải tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình SX theo quy định, từ khâu làm đất, tưới nước, bón phân, bảo quản… đều có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật. Hiện tại các sản phẩm của HTX được đóng logo, tem, nhãn, bao bì rõ ràng để phân biệt với các sản phẩm thông thường”, ông Châu chia sẻ.
Để mô hình phát triển theo chiều sâu, Ban lãnh đạo HTX chủ động tổ chức cho cán bộ, xã viên đi tham quan, học hỏi cách làm hay ở nhiều địa phương. Từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn, cơ cấu các loại rau màu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và từng khung thời vụ nhằm nâng cao giá trị SX trên cùng đơn vị diện tích.
Riêng mô hình 2,5ha rau tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã xây dựng hệ thống nhà lưới, khu sơ chế, đầu tư công nghệ tưới tự động, nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ SX. Thực hiện theo đúng quy trình nên sản phẩm làm ra đảm bảo các yếu tố về an toàn thực phẩm, quá trình kiểm tra, đánh giá có 12 mặt hàng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bao gồm cải canh, cải ngọt, cải ngồng, cải chíp, cải cúc, mồng tơi, rau diếp, xà lách…
Trên diện tích này mỗi năm HTX thu về khoảng 150 tấn hàng, với giá bình quân 7.000 đ/kg, tổng doanh thu ước tính trên 1 tỷ đồng. 3ha còn lại trong quy hoạch triển khai quy trình RAT cũng cho kết quả gần tương đương, chưa kể HTX cũng đang áp dụng hình thức luân canh thông thường trên diện tích 10ha sẵn có. Với nguồn thu như trên, đời sống của bà con xã viên được đảm bảo.
Vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn kéo dài và gây nên tình trạng ngập úng cục bộ. Riêng HTX Quảng Thắng bị thiệt hại khá nặng nề khi phần lớn diện tích gieo trồng đều chìm sâu trong nước. Thất vọng là điều khó tránh khỏi nhưng tâm lý đó không tồn tại lâu.
Giám đốc Nguyễn Xuân Châu xác định, muốn phát triển bền vững HTX phải hướng đến lợi ích của người tiêu dùng (ảnh: Việt Khánh)
“Xác định thiên tai là bất khả kháng nên tất cả cán bộ, xã viên sớm ổn định tư tưởng, nhanh chóng xắn tay triển khai phương án khắc phục. Hoạt động theo cơ chế mới, hiệu quả kinh tế dựa trên chính sản phẩm của mình làm ra nên mỗi thành viên tự khắc nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đây thực sự là tín hiệu rất đáng mừng”, ông Châu khẳng định.
Đang là thời điểm giao mùa, nền nhiệt giảm mạnh khiến tiết trời trở lạnh như cắt, thế nhưng tiến độ SX nơi đây vẫn khẩn trương, gấp gáp. Miệng nói tay làm không ngớt, khi được hỏi, bà Lê Thị Liên, trú tại khu phố 2, phường Quảng Thắng, một thành viên của HTX hồ hởi cho biết: “SX rau VietGAP đòi hỏi phải tuân thủ theo trình tự các bước, dù chi phí triển khai khá tốn kém nhưng khi có được niềm tin của người tiêu dùng, hiệu quả kinh tế là điều không phải bàn cãi”.
Lựa chọn hướng đi phù hợp, đến nay thương hiệu rau sạch Quảng Thắng ngày một vang xa, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần 18 - Bệnh hại cà chua và các cây thuộc họ cà (ớt, khoai tây, cà pháo, cà tím...) gồm: Nhóm bệnh do nấm gây hại như: đóm lá, đóm vòng, đóm xám đen, đóm nâu.
Phần 19 - Bệnh hại các loại cây họ cải - Nhóm bệnh do nấm - Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên
Phần 20 - Bệnh hại các loại cây họ cải (tiếp theo) gồm: Nhóm bệnh do vi khuẩn gây hại, Nhóm bệnh do vi rút gây hại, Bệnh sinh lý.