Dịch bệnh cây trồng, nguy cơ từ suy thoái đất
Suy thoái chất lượng đất nông nghiệp đã và đang là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh “nan y” trên cây trồng, nhất là cây ăn quả.
Một vườn cam ở Nghệ An, trồng mới ra quả đã nhiễm bệnh quả rụng đầy gốc. Ảnh: TL.
Báo Nông nghiệp Việt Nam mở chuyên đề: “Sức khỏe đất, thực tiễn và hành động”, bảo vệ đất đai, cây trồng và trên hết là chính sức khỏe con người, môi trường.
Trao đổi với NNVN, TS Bùi Huy Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN-PTNT), Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam đánh giá: Chất lượng đất nông nghiệp hiện nay, về tổng thể đã bị suy giảm chất lượng rất mạnh.
Bởi sau một giai đoạn dài nước ta phải chạy theo mục tiêu thâm canh, tăng năng suất, bằng việc sử dụng những giống mới có năng suất cao, bắt buộc chúng ta phải tăng cường sử dụng nhiều phân bón hơn. Thêm vào đó, cơ cấu sử dụng phân bón cũng ngày càng tăng mạnh về phân vô cơ, giảm về phân hữu cơ.
Việc cơ cấu sử dụng phân hữu cơ giảm cũng một phần do cơ cấu ngành chăn nuôi ngày càng chuyển sang trang trại quy mô lớn, trong khi lại thiếu các giải pháp, chính sách đồng bộ để sản xuất, đưa vào sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hoặc các phụ phẩm của ngành trồng trọt.
Bên cạnh đó, chất thải công nghiệp, các ngành nghề sản xuất phát triển, sức ép về chất thải sinh hoạt, lạm dụng thuốc BVTV... cũng đang tác động rất lớn tới chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực nông nghiệp ven các đô thị lớn. Việc chúng ta phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, sẽ đương nhiên tác động tới chất lượng đất, cũng như có nguy cơ tồn dư các kim loại nặng, vi sinh vật có hại trên sản phẩm nông sản...
Thời gian qua, nhiều loại bệnh hại, trong đó bệnh vàng lá, thối rễ đã bùng phát, có nguy cơ tàn phá nhiều vùng cây ăn quả, nhất là cây có múi, chuối... Các dịch bệnh này liệu có nguyên nhân liên quan thế nào tới việc suy thoái đất hay không, thưa ông?
Hiện nay, tôi cùng hội đồng tư vấn của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa triển khai xây dựng đề tài trọng điểm của Bộ NN-PTNT về việc nghiên cứu, chẩn đoán lá cho 3 đối tượng cây ăn quả chính là cây cam, xoài và chuối trên phạm vi cả nước, giai đoạn 2021-2023.
Cây ăn quả, nhất là cây có múi, chuối đã bị nhiễm bệnh, nhiều nhất là bệnh vàng lá, thối rễ. Bệnh vàng lá có nhiều nguyên nhân như bị nhiễm các loại vi khuẩn, nấm bệnh. Nhưng cũng có những bệnh vàng lá do thiếu dinh dưỡng, hoặc mất cân đối dinh dưỡng giữa đa lượng NPK, trung lượng canxi, mage, lưu huỳnh, silic và các nguyên tố vi lượng khác, cũng có thể do đất bị suy thoái...
Việc suy thoái đất, mất cân đối về dinh dưỡng, thiếu một số nguyên tố vi lượng cũng có thể khiến các ion đối kháng nhau, khiến bộ rễ của cây không hút được dinh dưỡng, gây ra tình trạng vàng lá.
Vì vậy, việc nghiên cứu về bệnh vàng lá, trước hết cần phải xác định nguyên nhân do đâu, do nấm bệnh, vi khuẩn, hay do các yếu tố về dinh dưỡng, do độ phì nhiêu của đất bị suy thoái.
Đây cũng là mục tiêu chính mà đề tài nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đề tài này cũng sẽ có sự phối hợp với các viện nghiên cứu khác như Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Bảo vệ Thực vật và các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để nghiên cứu tổng thể về nguyên nhân của bệnh, cũng như đề ra các giải pháp khắc phục.
Vậy giữa bệnh do các tác nhân là vi sinh vật gây hại, với bệnh do suy thoái đất và các yếu tố về dinh dưỡng có sự liên quan nào không?
Các hệ vi sinh vật, cả vi sinh vật có lợi cho cây trồng lẫn vi sinh vật gây hại đều nằm cùng tồn tại trong đất. Ví dụ đối với cây ăn quả, nhiều nơi nông dân có thói quen trồng bằng cách đào hố sâu, nén đất quá chặt, thêm vào đó lại thiếu hàm lượng dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là thiếu phân hữu cơ (hoặc có phân hữu cơ nhưng lại chưa được ủ hoai mục) thì đây là môi trường rất thuận lợi để kích thích, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chủng vi sinh vật có hại phát triển, ức chế các vi sinh vật có lợi.
Các chuyên gia khoa học điều tra về mẫu đất tại vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh vàng lá trên cam.
Vì vậy trong việc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân để có phương án xử lí bệnh, cần phải có cách tiếp cận theo hướng cả về yếu tố dinh dưỡng, phương pháp canh tác, lẫn các yếu tố về vi sinh vật.
Nhìn chung ở các vùng trồng cây ăn quả hiện nay, trong đó có các loại cây có múi, nông dân cũng đã tuân thủ việc trồng theo quy trình nhất định. Quy trình đó có thể là quy trình của địa phương phổ biến, hoặc quy trình do Bộ NN-PTNT ban hành.
Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng từng biện pháp kỹ thuật lại chưa đồng bộ. Ví dụ tất cả quy trình trồng, xử lí đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... nhà vườn đã làm chặt chẽ theo hướng dẫn, nhưng chỉ cần từ khâu giống không được kiểm soát ngay từ đầu, đưa nguồn giống bị nhiễm bệnh vào sản xuất, thì dù có thực hiện đúng quy trình canh tác, chăm sóc thế nào, vườn cây đương nhiên cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
Hoặc ngược lại, dù giống đã đảm bảo từ vườn ươm ra đưa về trồng đã sạch bệnh rồi, nhưng đất trồng cây lại bị nhiễm bệnh, không được xử lí triệt để các chủng vi sinh vật gây hại, lại kết hợp trồng đào hố sâu, sử dụng các loại phân bón không cân đối, không đảm bảo các điều kiện về nước tưới... thì lại càng làm cho các chủng vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh nặng thêm.
Vì vậy, cách tiếp cận để xử lí đối với bệnh cây ăn quả, cần phải tiếp cận một cách khép kín, hoàn chỉnh theo chuỗi, suốt từ khâu giống, đến quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh..., bất kỳ một khâu nào không đảm bảo đều có thể khiến nguy cơ bệnh phát sinh.
Các dịch bệnh trên cây ăn quả, nhất là trên cây có múi thời gian qua lây lan rất nhanh. Ông có khuyến cáo nào để xử lí, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng?
Như đã nói, hệ vi sinh vật có hại gây bệnh cho cây trồng luôn tiềm ẩn trong đất, có khả năng lây lan rất nhanh và dễ dàng qua đất, theo nguồn nước, theo các mẫu vật từ các cây trồng đã bị nhiễm bệnh sang... vườn chưa bị bệnh, từ vùng này sang vùng khác.
Vì thế để ngăn chặn bệnh lây lan, nhất là các bệnh về virus, vi khuẩn, thì bên cạnh các giải pháp như phải khoanh vùng, bắt buộc tiêu hủy triệt để cây bị bệnh, còn phải tiến hành tổng thể nhiều giải pháp để cắt đứt nguồn bệnh như xử lí đất; quản lí tổng thể về nguồn nước, hệ thống tưới tiêu; ngăn chặn các nguy cơ làm lây lan bệnh như người, gia súc phát tán đất, mẫu vật cây bị bệnh (lá, thân, rễ, quả...) từ vườn bị bệnh đi nơi khác, không lưu hành, buôn bán sử dụng các sản phẩm từ các vườn cây đã bị bệnh...
Việc khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn các nguy cơ làm phát tán, lây lan dịch bệnh là trách nhiệm của cả cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ thực vật cũng như các chủ vườn mà theo quy định mà pháp luật hiện nay chúng ta cũng đã có, tuy nhiên vấn đề là chúng ta có triển khai thực hiện nghiêm hay không.
Xin cảm ơn ông!
Lạm dụng, sử dụng không đúng cách phân vô cơ
Suy thoái đất có thể là suy thoái về chất liệu đất. Ví dụ đất phù sa vùng ĐB sông Hồng vốn có hàm lượng hữu cơ cao, tuy nhiên có thể do trong một thời gian dài, chúng ta không sử dụng phân hữu cơ, thì hàm lượng hữu cơ trong đất sẽ ngày càng giảm dần.
Hàm lượng hữu cơ trong đất phù sa mà giảm, thì sẽ dẫn tới sự thay đổi của tính chất vật lý của đất, ví dụ thành phần cơ giới, cấu trúc hạt đất, gắn với sự thay đổi về khả năng huy động các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng từ phân vô cơ không còn hoàn chỉnh...
Một vườn cam bị bệnh chảy gôm nặng tại Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: Lê Tấn
Hoặc đối với đất chua, nếu không sử dụng vôi để khử chua thì độ chua sẽ ngày càng tăng lên, thậm chí độ chua hơn cả đất phèn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hấp thụ dinh dưỡng chung của cây trồng trong đất hoặc từ phân bón vô cơ bón vào. Như vậy, sự suy thoái đất (xét về suy thoái độ phì nhiêu) là do rất nhiều yếu tố, từ yếu tố vật lý, hóa học, sinh học...
Tất cả các quy trình sử dụng phân bón cho cây trồng, hiện nay đều đã có rất đầy đủ về kết quả nghiên cứu, không chỉ cho phạm vi chung của cả nước mà đã có riêng cho từng đối tượng cây trồng, cho từng vùng, từng địa phương, gắn với từng đặc điểm của đất...
Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta quản lý thế nào về chất lượng phân bón, hàm lượng các nguyên tố trong phân bón đã được các doanh nghiệp sản xuất cân đối thực sự cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng hay chưa?
Ví dụ có những loại phân bón mà doanh nghiệp cứ khuyến cáo dùng được tất tần tật cho bón lót cũng được, dùng cho bón thúc cũng được, khiến nông dân không sử dụng đúng phân bón có hàm lượng dinh dưỡng đa lượng, trung lượng phù hợp cho từng giai đoạn của cây trồng, dẫn tới rối loạn về dinh dưỡng... Đó là chưa nói tới vấn đề sản xuất phân bón giả mà báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi con có giá 10 triệu đồng, sau trừ vốn mua con giống và thức ăn chăn nuôi, còn được lãi gần 3 triệu đồng/con.
Đợt mưa lũ lớn vừa qua tại Quảng Trị gây ngập lụt sâu trên diện rộng ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng lớn đến tài sản, tính mạng và sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn phát triển mạnh theo quy mô nông hộ do không cần diện tích lớn, có thể tận dụng chuồng trại cũ để nuôi, nhẹ công chăm sóc