Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Đem lộc biển Hoàng Sa về bờ

Đem lộc biển Hoàng Sa về bờ
Tác giả: Trương Hồng - Minh An
Ngày đăng: 06/02/2017

“Trở về đất liền rồi bà con ơi, bán cá xong là mình đón tết muộn với gia đình, bạn bè, người thân thôi. Mồng 7 chưa phải là hết tết…”. Những tiếng hò reo của ngư dân sau chuyến biển ở Hoàng Sa trở về đất liền với đầy ắp cá làm rộn ràng khu cảng ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Trong ảnh: Tàu cá QNa-91945 cập bờ sau hành trình 17 ngày bám biển Hoàng Sa.  Ảnh: T.H 

Đầu năm Hoàng Sa ban lộc…

Đúng vào chính Ngọ ngày mùng 7 tết (ngày 3.2), tàu cá QNa-91945 của đồng chủ tàu Nguyễn Thanh Vương và Đỗ Thanh Cảnh (cùng trú thôn Linh Sâm Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) - con tàu duy nhất của ngư dân Quảng Nam hoạt động ở Hoàng Sa trong dịp tết vừa rồi, trở về lại đất liền chở theo 10 tấn cá các loại.

Có tất thảy là 10 tấn cá nục, cá ngừ được các ngư dân trên tàu cá QNa-91945 bán ra. Tổng thu là 500 triệu đồng, trừ các chi phí dầu, lương thực, thực phẩm, đá cây chẵn 100 triệu đồng, còn lại 400 triệu chia đôi cho chủ tàu 1/2 và các bạn biển 1/2. 

Tàu được đưa về neo đậu tại cầu cảng tư nhân của bà Trần Thị Đông (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) cũng là chủ nậu thu mua cá. Lúc này, trên bờ 2 xe đông lạnh trực sẵn và hơn 20 lao động nữ chuẩn bị xuống phân loại cá. Sau khi kiểm tra các hầm cá dưới tàu, lật từng con cá nục, cá ngừ, bà Đông ra giá ngay: “Tính chung, bán gộp tất thảy thì giá 50 (1kg cá giá 50.000 đồng- PV). Còn nếu phân loại thì loại 1 có giá 60 nhưng loại 2, loại 3 giảm dần chỉ còn 40 và 30. Chủ tàu quyết định đi để chúng tôi thu dọn cá”.

Sau khi bàn bạc với các bạn đi tàu, hai chủ tàu Vương và Cảnh đưa ra quyết định. “Nếu phân loại thì loại 1 bán giá 60 cũng rẻ. Mà như vậy thì họ sẽ ép ghê gớm cá các loại 2, loại 3. Thôi thì đằng nào họ cũng cầm đằng chuôi. Mình chịu thiệt vậy, chọn thiệt ít đỡ hơn là thiệt nhiều. Bán gộp cùng giá 50 nhỉ” - chủ tàu Cảnh trao đổi. Các bạn biển nhanh chóng tán đồng bởi họ không có sự lựa chọn nào khả thi hơn.

Rất nhanh chóng, 13 lao động đi “bạn” xộc hết đá cây đông lạnh dưới  8 hầm bảo quản hải sản. Những con cá nục, cá ngừ tươi xanh lấp loáng nằm gọn trên sàn tàu. Có tất thảy là 10 tấn cá nục, cá ngừ được các ngư dân trên tàu cá QNa-91945 bán ra. Tổng thu là 500 triệu đồng, trừ các chi phí dầu, lương thực, thực phẩm, đá cây chẵn 100 triệu đồng, còn lại 400 triệu chia đôi cho chủ tàu 1/2 và các bạn biển 1/2. Cầm trên tay hơn 15 triệu đồng được chia từ tiền đi bạn, thuyền viên Trần Quốc (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) chia sẻ: “Tàu chúng tôi khởi hành từ ngày 20 tháng Chạp, chuyến biển này kéo dài 17 ngày. Vậy nhưng, chỉ sản xuất có 2 ngày mồng 1 và mồng 2 tết. Vì những ngày còn lại, biển động dữ dội quá, tàu chồm theo sóng cấp 7, cấp 8. Chỉ 2 mẻ lưới đạt 10 tấn cá cũng là lộc biển ban tặng đó mà, đây là chuyến biển đầu năm như vậy gọi là trúng mánh quá rồi…”.

Chỉ muốn ăn tết trên biển

Thuyền trưởng Nguyễn Thành Vương cho biết: Trong không khí rộn ràng, nhà nhà ai ai cũng chuẩn bị đón tết vui vẻ còn mình lại vươn khơi bám biển, biết là buồn nhưng bù lại là đón được lộc đầu năm. Sau khi tìm được những người đi bạn xong, chúng tôi nhanh chóng lấy 100 cây đá, 7 tấn dầu diesel, gạo, mắm, muối, rau, hành, thịt, mứt, bánh tét đưa lên tàu QNa-91945 để ra khơi theo nghề lưới vây ánh sáng.

“Đầu năm đón lộc từ biển Hoàng Sa còn chi vui hơn. Những chuyến biển thời điểm này rất đạt vì gió giật nên cá hay nổi lên tầng mặt hoạt động. Mình chưa trang bị được máy dò ngang có giá hàng tỷ đồng, chỉ sắm sửa được máy dò đứng, soi thẳng xuống đáy nên dò rõ được đàn cá khi nó trồi lên. Vươn khơi rồi lại trở về đón tết thôi mà…” - anh Vương chia sẻ.

Chị Lý Thị Phương Linh (vợ thuyền trưởng Vương) cho biết: “Khi tàu nhổ neo vươn khơi, buồn ơi là buồn. Có ai lại mong muốn chồng mình, con mình đi biển vào thời khắc này chứ. Năm hết, tết đến, mọi gia đình sum vầy, đoàn viên còn mình thì lẻ loi quá. Nhưng nghiệp đi biển nó thế nên đành chấp nhận, bây giờ tàu về an toàn còn chở theo đầy ắp cá còn gì vui bằng...”.

Theo ngư dân Đỗ Thanh Cảnh, thường thì hành trình đến Hoàng Sa tốn 2 ngày 2 đêm, nhưng thời điểm tàu vươn khơi do sóng giật nên phải đến gần 3 ngày, tàu cá QNa-91945 mới đến được ngư trường. “Đến Hoàng Sa rồi, đỡ nhớ biển nhưng nhớ nhà quá, nhớ vợ con, nhớ tết đất liền. Chúng tôi liên tục gọi về đất liền cho vợ con bằng máy Icom để hỏi thăm tình hình, cũng báo cho mọi người yên tâm hơn” - ngư dân Cảnh nói.

Ngư dân Cảnh cho hay, ngay sau khi đón giao thừa, chúc tết xong, ngày mồng 1 tết, biển trời yên ả hơn, 15 thành viên trên tàu  đánh mẻ lưới đầu tiên thu 5 tấn cá ngừ, cá nục. Đêm hôm sau nữa, mồng 2 tết, mẻ lưới thứ 2 của tàu cũng thu được 5 tấn cá. Qua sáng mồng 3 tết thì anh em nghe đài báo sẽ có đợt không khí lạnh tràn về, trên biển có gió giật mạnh. “Sau khi nhận tin, chúng tôi hội ý nhanh rồi quyết định đưa tàu về đất liền với hai mẻ cá 10 tấn của biển Hoàng Sa ban lộc. Sau khi bán hết cá, anh em ngư dân cùng gia đình ăn tết muộn rồi đến ngày 16 âm lịch tới nếu trời yên, biển lặng, chúng tôi tiếp tục vươn khơi bám biển” - ngư dân Cảnh chia sẻ. 

Ngư dân Lý Sơn ra quân đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng ngày 4. 2 (mồng 8 âm lịch Tết Đinh Dậu), tại Lăng Đông Hải, thôn Đông xã An Hải (Lý Sơn,  Quảng Ngãi), Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải tổ chức lễ ra quân đánh bắt đầu năm tại ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa. Ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải cho biết: “ Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống tâm linh của người dân đảo Lý Sơn trong những ngày đầu xuân mới, với mong muốn cầu mong cho mùa biển mới làm ăn phát đạt, mưa thuận, gió hòa, sản lượng khai thác cao”.

Sau các nghi thức cúng tế, hồi trống lệnh vang lên trong tiếng hò reo của hàng trăm ngư dân, những con tàu đánh bắt xa bờ với đầy đủ ngư cụ, nhiên liệu giương cao cờ đỏ cùng băng rôn khẩu hiệu nối đuôi nhau tiến ra ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa.

Hiện, Lý Sơn có 417  tàu cá, trong đó có trên 1/2 số phương tiện có công suất lớn từ 90CV trở lên đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa. Mùa biển năm 2016 vừa qua, ngư dân Lý Sơn khai thác được trên 38.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 450 tỷ đồng, thu nhập của lao động nghề biển đạt 100 -120 triệu đồng/người. Mùa biển năm 2017, ngư dân Lý Sơn quyết tâm khai thác được gần 40.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 500 tỷ đồng.

An Vĩnh


Có thể bạn quan tâm

Thắng lớn nhờ nuôi tôm công nghệ cao Thắng lớn nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm hai giai đoạn, VietGAP… là những mô hình đang được nhiều người dân trên cả nước áp dụng, bước đầu cho hiệu quả khả quan.

23/01/2017
Công nghệ cao - Giải bài toán biến đổi khí hậu Công nghệ cao - Giải bài toán biến đổi khí hậu

Với việc áp dụng công nghệ cao, Israel đã tạo nên kỳ tích cho ngành thủy sản của nước họ. Liệu ngành thủy sản Việt Nam học được gì để chuyển mình?

23/01/2017
Công nghệ sản xuất Nitơ và Oxy Công nghệ sản xuất Nitơ và Oxy

Oxy làm tác nhân oxi hóa, nhiên liệu, chuyển hóa các Hydro Cacbon dùng trong y tế và các ngành kinh tế khác

05/02/2017