Để Có Vụ Nuôi Tôm Thắng Lợi
Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.
Tuy nhiên đây chỉ giải pháp trước mắt, không mang tính bền vững, muốn có nhưng vụ nuôi thắng lợi và từng bước hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, Sóc Trăng cần thực hiện những giải pháp căn cơ đồng bộ, bắt đầu từ việc cải tạo lại môi trường vùng nuôi, trong đó công tác quan trắc môi trường thường xuyên và chặt chẽ là việc đang được các cấp ngành chức năng và người nuôi tôm đặc biệt quan tâm.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS), Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục nuôi trồng thủy sản, Chi Cục thú y, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó bắt đầu năm 2015, các đơn vị liên quan sẽ định kỳ thu mẫu phân tích chất lượng nước, kịp thời cảnh báo người nuôi thủy sản áp dụng các biện pháp phòng tránh khi chất lượng môi trường nước thay đổi, đồng thời có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp, tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người nuôi về bảo vệ môi trường. Bà Phan Bạch Vân – Trưởng phòng NTTS – Chi cục NTTS tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với chi cục đã thực hiện quan trắc tại 28 điểm trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung các yếu tố đơn lẻ rất thích hợp để phát triển nuôi tôm, tuy nhiên xét về môi tương quan giữa các yếu tố pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ dẫn điện và sự xuất hiện của vi khuẩn Vibriô cho thấy một số môi trường vùng nuôi có dấu hiệu bị ô nhiễm hữu cơ cục bộ, vấn đề này, đơn vị đã có khuyến cao hạn chế lấy nước ao nuôi, hoặc có lấy nước thì phải đưa vào hệ thống ao lắng, xử lý nước, hoặc cấy vi sinh, trong ao lắng có thể nuôi ghép cá rô phi, cá trê… để giúp cải thiện môi trường ao nuôi”.
Trong năm 2014, Sóc Trăng đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi, góp phần quan trọng vào sự thành công của vụ nuôi; Tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp, đầu năm nắng nóng, giữa năm mưa nhiều nên dịch bệnh trên tôm vẫn xảy ra thường xuyên, bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy là các bệnh phổ biến chưa được kiểm soát tốt.
Công tác phòng trị bệnh gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn thả nuôi tôm mật độ cao, không tuân thủ lịch thời vụ, khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh lại không thông báo cho cơ quan quản lý mà hộ nuôi tự xả nước ra môi trường, khiến bệnh bùng phát nhanh và lây lan trên diện rộng. Chính vì thế, một trong những thách thức lớn đối với vụ nuôi tôm năm 2015 là vấn đề môi trường ô nhiễm và dịch bệnh diễn biễn phức tạp.
Hiện tại phần lớn các diện tích ao nuôi tôm trong tỉnh đang ở giai đoạn cải tạo và xử lý nước, nên thời điểm này, thông tin về các chỉ tiêu môi trường vùng nuôi được bà con đặc biệt quan tâm đây là một khâu kỹ thuật không thể thiếu, giúp bà con chủ động nắm bắt hiện trạng ao nuôi, tạo môi trường tốt nhất trước khi thả giống cũng như trong suốt quá trình tôm sinh trưởng.
Ông Nguyễn Văn Đến, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu cho biết cho biết: “Hiện nay bà con vùng nuôi tôm rất quan tâm đến lịch thời vụ, kết quả quan trắc môi trường như dộ pH, độ kiềm…cũng như dự báo thời tiết, và chất lượng con giống. Đặc biệt tôi thấy việc kiểm tra thường xuyên môi trường ao nuôi thật sự rất cần thiết đối với chúng tôi”.
Theo đánh giá của ngành chức năng, không riêng tỉnh Sóc Trăng, mà hầu hết các cơ sở trại giống tôm ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long quy mô còn khá nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, nên chất lượng con giống chưa đảm bảo, ảnh hưởng rất nhiều đến sức sống và sự sinh trưởng của tôm.
Ngoài ra đa số các hộ nuôi tôm theo phương thức nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát các yếu tố đầu vào, việc áp dụng khoa học công nghệ, xử lý nguồn nước thải, khống chế dịch bệnh còn gặp khó khăn.
Trong vụ nuôi năm 2015, bên cạnh theo dõi chặt chẽ và cảnh báo đến người nuôi tôm về tình hình môi trường ao nuôi và những giải pháp ứng phó cụ thể, tỉnh chủ chương quản lý chặt chất lượng con giống, đặc biệt đánh giá tác động của việc di nhập và nuôi tôm chân trắng đến môi trường, kiểm soát thời vụ thả giống tại các địa phương, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa những tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Với những giải pháp cụ thể và đồng bộ, Sóc Trăng đang nỗ lực tạo tiền đề tốt cho vụ nuôi tôm trong năm 2015 đạt thắng lợi.
Có thể bạn quan tâm
Đây là một hệ thống sử dụng thiết bị lọc sinh học và vi khuẩn đặc biệt để xử lý nước thải sản sinh trong quá trình nuôi cá, vì thế không ảnh hưởng đến môi trường. Theo các nhà khoa học, công nghệ mới có thể giúp cá sinh trưởng trong môi trường nhiệt độ lý tưởng và ổn định
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết nhiều nông dân nuôi tôm càng xanh ở các huyện Tam Nông, Lấp Vò… thắng lớn. Với gần 1.500ha tôm càng xanh được thả nuôi trên ruộng lúa, năng suất đạt từ 1,2 - 1,5 tấn/ha, những nơi trúng đạt 1,8 tấn/ha. Giá tôm loại 1 được thương lái mua 270.000 đồng/kg; loại 2 từ 240.000 - 245.000 đồng/kg… bình quân người nuôi lời từ 60 - 100 triệu đồng/ha, cao nhất trong nhiều năm qua.
Ngư dân tỉnh Cà Mau đã "trúng đậm" vụ khai thác thủy sản trên biển ngay trong cơn biển động do cơn bão số 3. Sản phẩm đánh bắt được bao gồm tôm, nhiều nhất là cá khoai, mực… đã làm cho nhiều hộ ngư dân có thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí
Tiếng sóng vỗ ầm ầm, tiếng còi của hàng chục xe đông lạnh chạy vun vút, xen cùng tiếng nói cười nhộn nhịp của chị em phụ nữ tại bến tàu cá, báo hiệu một mùa bội thu trong đánh bắt hải sản.
Dự án nuôi kỳ đà thương phẩm quy mô nông hộ đã được Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ triển khai tại thị trấn Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào tháng 6/2010.