Để bưởi da xanh rộng đường xuất khẩu
Bưởi da xanh là một trong 5 loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Bến Tre và được xác định là cây trồng chủ lực có lợi thế trong phát triển kinh tế vườn của tỉnh Bến tre trong thời gian sắp tới.
Thu hoạch bưởi da xanh ở Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN
Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng cây ăn trái 27.500 ha với nhiều chủng loại cây ăn trái nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó bưởi da xanh được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế thị trường trong và ngoài nước.
Phát huy lợi thế cây trồng chủ lực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh là 7.200 ha chiếm 20% diện tích cây ăn trái, trong đó diện tích đã và đang cho trái 4.800 ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 57.000 tấn/năm. Vùng trồng tập trung ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách và thành phố Bến Tre...
Theo thống kê, hàng năm diện tích bưởi da xanh tăng dần từ 4.400ha (năm 2010) đến nay diện tích tăng hơn 60% và đây được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất cao, giá cao, ổn định. Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, người nông dân chủ động, nắm vững áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Anh Vương Thành Công, xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, khi vườn dừa gia đình bị lão hóa, năng suất giảm nên anh mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha trồng dừa sang trồng bưởi da xanh theo hình thức chuyển đổi dần. Lúc đầu, anh Công trồng trên 2.000 m2, sau 3 năm cây phát triển tốt cho trái ngon. Sau đó, anh Công đã chuyển hết diện tích trồng dừa còn lại sang trồng chuyên canh bưởi da xanh. Hiện tại, mỗi năm anh Công thu hoạch hơn 20 tấn bưởi, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Theo ông Công, cây bưởi phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên cho chất lượng trái ngon. Để phát triển cây bưởi da xanh tại địa phương ông Công cùng các hộ nông dân trồng bưởi da xanh ở địa phương thành lập tổ hợp tác bưởi da xanh tại xã An Hiệp.
Thông qua tổ hợp tác nhà vườn được ký kết trực tiếp với công ty thu mua bao tiêu sản phẩm bưởi da xanh và ký kết công ty cung cấp vật tư, phân bón đầu vào. Qua đó, giúp người trồng bưởi an tâm hơn, vì không còn thấy cảnh bị thương lái ép giá như trước đây.
Anh Công chia sẻ, trong năm 2018 này tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh xã An Hiệp sẽ đạt được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần đưa sản phẩm bưởi da xanh đi xa hơn đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Tại Bến Tre, hiện nay việc triển khai thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với bưởi da xanh bước đầu đã có nhiều kết quả tích cực. Các doanh nghiệp đã cùng với người nông dân tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre cho hay, hiện nay cơ sở đã liên kết tiêu thụ với 27 tổ hợp tác, hợp tác xã trồng bưởi da xanh với hơn 1.000 ha. Trong thời gian tới, cở sở tiếp tục mở rộng diện tích liên kết với các hộ nông dân. Bên cạnh đó, cơ sở sẽ đưa đội ngũ kỹ thuật đến trực tiếp nhà vườn hỗ trợ người nông dân kỹ thuật sản xuất cho ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Từ đó, nâng cao giá trị cây bưởi da xanh mang lại cho người nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre,bưởi da xanh là cây trồng có nhiều ưu thế để phát triển tại Bến Tre, do nơi dây có nhiều cửa sông cuối nguồn bồi đắp phù sa cho ba dãy cù lao bên cạnh khí hậu nhiệt đới ven biển giúp cây bưởi phát triển xanh tốt quanh năm.
Bên cạnh đó, trình độ canh tác của nông dân ngày càng tiến bộ góp phần nâng cao vị thế cây bưởi da xanh so với nhiều cây trồng khác.
Ngoài ra, Bến Tre có nhiều cơ sở cung cấp giống bưởi da xanh chất lượng cao và nông dân có thể điều chỉnh cho cây ra hoa và cho trái rải vụ quanh năm phục vụ cho thị trường tiêu dùng. Đây là lợi thế vượt trội mà không phải địa phương nào cũng có được.
Rộng đường xuất khẩu
Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre.
Chăm sóc bưởi da xanh của gia đình. Ảnh: Công Trí-TTXVN
Theo đó, khu đất thịt pha sét trên cù lao tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và thành phố Bến Tre là vùng trồng của chỉ dẫn địa lý này. Việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý mở ra cơ hội lớn cho bưởi da xanh Bến Tre mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nâng thu nhập người dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh.
Theo các doanh nghiệp tiêu thụ bưởi da xanh, bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre có chất lượng vượt trội hơn các giống bưởi khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng bưởi, cây bưởi da xanh đang có tiềm năng phát triển ở Bến Tre. Ngoài ra, nhu cầu thị trường về bưởi tươi tăng cao trong những năm gần đây cả trong và ngòai nước do những đặc tính và công dụng tốt của trái bưởi lên sức khỏe con người.
Đáng chú ý, thị trường thành thị và nông thôn trong nước đều có nhu cầu cao đối với bưởi da xanh, đặc biệt là các vùng thành thị như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội... Hiện bưởi da xanh không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được các doanh nghiệp xuất khẩu qua một số nước như Hà Lan, Đức,… Đồng thời, nhiều thị trường tiềm năng có thể xuất khẩu như: Singapore, Nhật Bản , Nga, ...
Tuy nhiên, do diện tích nhỏ lẻ, manh mún, vấn đề giống và quy trình chăm sóc không đồng nhất đang là mối lo ngại cho các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Vì không có vùng nguyên liệu tập trung nên bưởi có chất lượng tốt thường không nhiều, khó thu mua với số lượng lớn.
Sản lượng bưởi đạt chuẩn chất lượng VietGAP và GlobalGAP chưa nhiều, diện tích nhỏ nên chưa ổn định được nguồn sản phẩm và sự đồng đều về chất lượng khi khách hàng yêu cầu.
Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Phan Thị Thu Sương chia sẻ, cây bưởi da xanh có giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và thị trường tiêu thụ rộng mở là cơ hội chúng ta khai thác được cơ hội sẵn có nhưng với điều kiện là người sản xuất và các tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã và nhà doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau giúp cho chuỗi giá trị phát triển bền vững, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chung tay bảo vệ thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre trên các thị trường. Như vậy mới mang lại kết quả tốt nhất cho người dân trồng bưởi và cả doanh nghiệp.
Theo bà Sương, trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đạt chất lượng trái cao, đồng đều theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước.
Mặt khác, khuyến cáo người dân tham gia tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nhằm khắc phục qui mô nhỏ lẻ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đưa thương hiệu da xanh Bến Tre ngày càng vươn xa
Có thể bạn quan tâm
Các vùng bãi bồi ven sông Vu Gia ở Đại Nghĩa, Đại Minh, Đại Phong… của huyện Đại Lộc, thời điểm này, nông dân bắt đầu thu hoạch rộ lứa ớt vụ đông xuân.
Dù giá cây giống hồng xiêm ruột đỏ tăng gấp 3 lần, nhiều cơ sở cho biết không còn hàng để bán.
Tính đến đầu năm 2018 xã có 3.096 hộ dân, trong đó 1.051 hộ người Khmer, đa số đều phát triển kinh tế bằng nghề vườn, ruộng, rẫy và chăn nuôi bò.