Đẩy Mạnh Cơ Giới Hóa Đồng Ruộng
Nhờ thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng một cách hiệu quả, những năm gần đây, năng suất và sản lượng tại nhiều cánh đồng Đại Lộc không ngừng tăng lên.
Đại Lộc thuộc một trong số địa phương mạnh về cơ giới hóa trên đồng ruộng. Theo ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, để phục vụ sản xuất trên những cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất lúa giống, lượng máy gặt đập liên hợp tại địa phương đã tăng lên khoảng 100 chiếc, máy cày khoảng 400 chiếc, chưa kể hàng ngàn máy gặt rải hàng, máy tuốt lúa gắn máy nổ, máy tuốt phun rơm…
Trong năm 2012, từ Cơ chế 33 (cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011-2015 - PV) Đại Lộc được hỗ trợ 600 triệu đồng phục vụ cho cơ giới hóa đồng ruộng với mức hỗ trợ dành cho người dân mua sắm máy gặt đập liên hợp là 40 triệu đồng/chiếc và máy cày 30 triệu đồng/chiếc.
Năm 2013, mức hỗ trợ lên đến 1 tỷ đồng, nguồn này sẽ được địa phương tiếp tục hỗ trợ dân sắm thêm máy kéo, máy cày đất, máy gặt đập liên hợp với mức hỗ trợ từ 20 - 30% tổng giá trị máy móc tùy loại. Để phục vụ cho khâu bảo quản nông sản lúa gạo, huyện vận động một số HTX có diện tích trồng lúa lớn bỏ vốn đầu tư cơ sở sấy lúa với chi phí từ 250 - 300 triệu đồng/cơ sở.
Đại Hiệp, Đại Minh, Đại Cường, Đại Phong, thị trấn Ái Nghĩa… là những địa phương tiên phong trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng. Đầu vụ hè thu này, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện cùng với UBND xã Đại Cường triển khai mô hình “Gieo lúa bằng công cụ sạ hàng kéo tay” trên cánh đồng mẫu Ô Gia Nam và thôn 8 với 20 công cụ sạ hàng được hỗ trợ cho dân. Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 30% chi phí mua sắm thiết bị và 100% chi phí giống gieo sạ trên diện tích 40ha, còn lại là kinh phí đối ứng của địa phương.
Ông Hứa Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa cho biết, từ năm 2012, cùng với một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, thị trấn Ái Nghĩa được chọn triển khai dự án “Phát triển vùng sản xuất hạt giống lúa lai tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, mức đầu tư, hỗ trợ địa phương nhận được trong năm 2012 là 6,6 tỷ đồng phục vụ xây dựng, phát triển cánh đồng sản xuất hạt giống lúa lai Trung An 1 (thôn Trung An) với quy mô 25ha.
Cạnh đó, được đầu tư bê tông hóa giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, tổ chức “dồn điền đổi thửa” trên diện tích gần 300ha với 12/14 khu của thị trấn, triển khai chương trình thu gom rác thải nguy hại (chai, lọ, bao ni lông…) với 40 bể thu gom lắp đặt tại nhiều cánh đồng của thị trấn.
Theo ông Hứa Văn Hùng, tỷ lệ cơ giới hóa tại thị trấn đạt từ 70 - 80%, HTX thị trấn Ái Nghĩa có 600m2 nhà xưởng lò sấy, có công suất 25 tấn/ca/12 giờ, 250m2 nhà kho, 1.500m đường nội đồng thuộc vùng sản xuất giống đã được bê tông hóa. “Hiện, HTX đang lập đề án đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao, mua sắm thiết bị chế biến gạo hàng hóa, dự kiến cung cấp sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay” - ông Hùng cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
HTX Vạn Thành, xã Diễn Vạn, Diễn Châu có 38 hộ nuôi cá mặn lợ với tổng diện tích 10 ha. Đây là vùng nuôi tôm kém hiệu quả nên được đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản như cá vược, cá hồng mỹ, cua… Trong đó diện tích nuôi cá vược là 4 ha, còn lại là nuôi cua và các loại cá khác.
Theo Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, sản lượng cho phép khai thác cá ngừ đến năm 2016 của 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định sẽ đạt 69.000 tấn, trong đó cá ngừ vây vàng mắt to đạt 19.000 tấn, cá ngừ vằn 50.000 tấn.
Giá heo hơi giảm do gần đây nguồn cung heo hơi có xu hướng tăng mạnh so với trước do thời gian qua giá heo hơi đứng ở mức cao đã kích thích người dân tái bầy phát triển chăn nuôi heo. Dù giá heo hơi giảm nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn có mức lời tương đối khá khi xuất bán heo hơi vào thời điểm này mức lời trên dưới 500.000 đồng/ con heo khoảng 100kg.
Chất lượng tôm giống luôn là vấn đề khó đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, để chuẩn bị cho vụ nuôi mới 2015, ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng đang tập trung mọi biện pháp để khống chế tôm giống chất lượng kém nhập về địa phương, do Sóc Trăng lệ thuộc giống tôm các tỉnh nhập về trên 85%.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, diện tích cá nuôi chủ yếu là cá lóc, cá rô, cá trê, cá tra, sặc rằn… trên địa bàn tỉnh từ 10.658ha năm 2013, giảm xuống còn 8.038ha năm 2014, kéo theo sản lượng cá giảm khoảng hơn 6.000 tấn các loại. Nguyên nhân diện tích sụt giảm là do giá cá năm 2013 không cao, cộng thêm giá thức ăn đứng ở mức cao nên người nuôi không có lãi, làm cho hộ nuôi giảm đáng kể.