Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Dập dịch rầy nâu bảo vệ lúa đông xuân

Dập dịch rầy nâu bảo vệ lúa đông xuân
Tác giả: Văn Phin
Ngày đăng: 17/04/2018

Lúa đông xuân 2017-2018 ở huyện Núi Thành đang xuất hiện rầy nâu gây hại mạnh trên diện rộng, bà con nông dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ.

Rầy nâu hại trên lúa. Ảnh: V.P

Ông Trần Văn Hồ, cán bộ nông nghiệp xã Tam Mỹ Đông dẫn chúng tôi thôn Phú Quý để thấy những ruộng lúa bị khô vàng do rầy phá hại. Ông Hồ nói: “Thời điểm này, rầy nâu đang gây hại các trà lúa trên địa bàn xã, nặng nhất là đồng Phú Quý, Trà Tây. Chúng tôi đang hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ”.

Hiện tại, hơn 4.000ha lúa vụ đông xuân của huyện đang ở giai đoạn làm đòng và trổ bông. Qua kiểm tra đồng ruộng, Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã phát hiện rầy nâu (dạng rầy cám) đang gây hại diện rộng tại các trà lúa của các địa phương trong huyện và có khả năng gây hại nặng vào cuối vụ, nhất là các vùng lúa Bà Bầu (xã Tam Xuân 2), Trà Tây, Phú Quý (xã Tam Mỹ Đông), Cầu Rộc, Đồng Đế (Tam Mỹ Tây), Đồng Nuộc (xã Tam Hiệp)...

Kỹ sư Trần Văn A - cán bộ Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Rầy nâu có vòng đời ngắn, thuộc nhóm biến thái không hoàn toàn, rầy trưởng thành và rầy non đều chích hút dịch cây lúa làm cho cây lúa thiếu dinh dưỡng và nước dẫn đến cây lúa vàng, khô, chết... Số còn sót lại thì bị lép lửng, năng suất giảm mạnh. Rầy nâu nhanh tạo mật độ cao trong ruộng, gây hại chủ yếu ở giai đoạn lúa làm đòng - trổ bông và thường gây cháy rầy ở giai đoạn trổ - chín. Do vậy, giai đoạn này, nông dân cần chú ý diệt rầy để tránh bị mất mùa trong vụ đông xuân”.

Cùng theo kỹ sư Trần Văn A, rầy nâu sinh trưởng phát triển thích hợp điều kiện thời tiết âm u, nắng nóng, nơi lúa sạ dày, vùng ruộng chua phèn, ruộng trũng thấp... Để phòng trừ rầy nâu hiệu quả, nông dân cần tăng cường kiểm tra ruộng lúa giai đoạn làm đòng - trổ bông, khi thấy mật độ rầy từ 800 con/m2 trở lên (khoảng 2 đến 3 con/bụi lúa), dùng một trong các loại thuốc hóa học để phun trừ.

Giai đoạn lúa đứng cái, dùng nhóm thuốc chống lột xác; giai đoạn lúa làm đòng - trổ bông dùng nhóm thuốc độc trực tiếp. Lượng thuốc dùng để phun theo hướng dẫn trên bao nhãn thuốc, lượng nước sạch hòa thuốc từ 30 đến 32 lít phun cho 1 sào; phun thuốc tốt nhất vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, khi phun thuốc trừ rầy nâu nên nâng mực nước trong ruộng càng cao càng tốt, đưa vòi bơm sát gốc lúa, sau phun từ 24 đến 48 giờ rút nước cạn theo nhu cầu của cây lúa giai đoạn sinh trưởng.


Có thể bạn quan tâm

Bón phân đón đòng hay nuôi đòng? Bón phân đón đòng hay nuôi đòng?

Một phóng sự ngắn phát trên VTV Cần Thơ cho thấy hiện vẫn còn khá nhiều người trồng lúa ĐBSCL vẫn hiểu và áp dụng sai kỹ thuật bón phân cho giai đoạn này.

11/04/2018
Các giống lúa Thái Bình khẳng định trên đất Bình Định Các giống lúa Thái Bình khẳng định trên đất Bình Định

Vụ ĐX 2017 – 2018, nhiều cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định đưa vào SX các giống lúa TBR36, TBR225, TBR1 của TCty CP Giống cây trồng Thái Bình

16/04/2018
Lúa thuần CXT30 năng suất “khủng” Lúa thuần CXT30 năng suất “khủng”

Giống lúa siêu năng suất CXT30 do PGS.TS Tạ Minh Sơn và ThS Nguyễn Thị Tuyết chọn tạo, có TGST từ 93-95 ngày, năng suất tiềm năng đạt 10 tấn/ha

16/04/2018