Đánh thức vị ngọt của nho - Bài 2: Giải bài toán thị trường cây nho?
Để tìm đầu ra cho cây nho, một trong những khâu quan trọng là sản xuất được nho “sạch” đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu, đặc biệt là khi Bình Thuận là nơi có thể sản xuất nho hàng hóa.
Bao trái nho phòng bệnh thán thư.
Tăng lợi thế cạnh tranh
Mặc dù không được ví là cây “nữ hoàng” như nho Ninh Thuận, nhưng nho Tuy Phong cũng được nhiều người biết đến. Cây nho du nhập vào địa phương từ những năm 1960 và được sản xuất thành nông sản hàng hóa vào những năm 1980. Trước đây, Tuy Phong có đến 5 xã trồng nho là Phong Phú, Phú Lạc, Phước Thể, Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân với diện tích khoảng 300 ha. Tuy nhiên hiện nay cây nho đang giảm dần về diện tích và vùng trồng chỉ còn 3 địa phương là Phước Thể, Phong Phú, Phú Lạc với diện tích chừng 80 ha. Kinh nghiệm của người trồng nho, mỗi năm nho sẽ cho thu hoạch 3 mùa trái ngọt còn gọi là mùa nho thuận từ tháng chạp đến tháng 2 âm lịch, từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hằng năm và 1 mùa nho nghịch, thường rơi vào mùa mưa. Mùa nho thuận luôn cho năng suất cao, người dân thu lãi khá còn mùa nho nghịch lệ thuộc vào thời tiết mà huề vốn hoặc thất thu.
Nho là cây trồng khá mẫn cảm với thời tiết. Nông dân biết điều đó nhưng điều mà ngay cả những người trồng nho lâu năm cũng không thể lường hết, đó là càng về sau, thời tiết ngày càng bất thường hơn. Từ cuối năm 2016 đến nay, mưa liên tục khiến hàng loạt vườn nho ra trái bị thán thư, thậm chí có cây bị úng gốc, suy kiệt không thể duy trì canh tác. Tần suất vườn nho gặp sự cố dày hơn, nông dân dễ rơi vào tình trạng cạn vốn. Nói về phát triển cây lợi thế này của địa phương, ông Nguyễn Trung Thông – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong cho hay: “Sâu bệnh đã và đang là thách thức lớn nhất vượt khả năng kiểm soát của người dân nhất là bệnh thán thư vào mùa mưa và bệnh nút trái mùa nắng, dẫn đến năng suất và chất lượng nho ngày càng giảm, khó tiếp cận thị trường”. Mặt khác, việc canh tác nho nơi đây vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm cảm quan, mày mò học lỏm lẫn nhau, trong khi các kiến thức về khoa học kỹ thuật chưa được trang bị một cách bài bản.
Có nhiều nguyên nhân làm cho diện tích nho sụt giảm nhưng sâu xa nhất là cây nho Bình Thuận năng lực cạnh tranh kém nên chưa tạo chỗ đứng trên thị trường. Trước tiên, phải nói đến hiện vẫn chưa có giống nho có chất lượng và năng suất vượt trội. Giống nho đầu tiên được trồng tại tỉnh là giống nho đỏ Red Cardinal. Mặc dù có một vài giống nho mới được ngành chức năng khuyến khích phát triển thay thế, nhưng cho tới bây giờ, nho đỏ Red Cardinal vẫn là giống nho chủ lực do sản lượng tương đối cao (20 tấn/ha), thời gian lại ngắn. Tuy nhiên do duy trì trồng nhiều năm nên giống thoái hóa, sức kháng bệnh yếu trong khi hiện nay chưa có giải pháp kỹ thuật hiệu quả phòng bệnh trên cây nho đã gây khó khăn người trồng. Điều quan trọng hơn trình độ canh tác chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo hướng an toàn có thương hiệu nên người tiêu dùng còn e dè.
Sản xuất nho sạch
Để tìm hướng đi cho cây trồng đặc sản này phát triển bền vững, ông Phạm Hữu Thủ - Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho rằng: “Việc cần thiết phải xây dựng được quy trình canh tác thâm canh tiến bộ cho cây nho, đặc biệt sản xuất an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm để xây dựng thương hiệu nho Bình Thuận”. Để làm được việc này, trách nhiệm ngành nông nghiệp và địa phương phải xác định cây nho là cây lợi thế, tiếp theo quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý, tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong việc khôi phục lại những diện tích từng trồng nho trước đây. Gắn với đó, tổ chức liên kết một số doanh nghiệp tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm từ cây nho để mở rộng thị trường. Việc đưa giống mới vào sản xuất theo hướng thích nghi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và xây dựng các mô hình điểm sản xuất an toàn với quy mô lớn cũng không kém phần quan trọng.
Cũng theo ông Thủ, qua khảo sát 2 huyện phía Bắc tỉnh khí hậu đất đai rất thích hợp để phát triển cây nho nên đã có vài đối tác nước ngoài đưa một số giống nho vào khảo nghiệm. Cụ thể, cuối năm nay, Viện Rau quả Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ tiến hành khảo nghiệm một số giống nho Nhật, Mỹ tại huyện Bắc Bình để tiến tới lập dự án xây dựng thương hiệu để phát triển những giống nho chất lượng tốt, sản xuất theo hướng an toàn. Về phía tỉnh cần hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích xây dựng mô hình sản xuất nho theo hướng VietGAP và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến tại những vùng nho.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Bình Thuận một lợi thế phát triển cây nho mà ở nhiều vùng đất khác không có được. Nhấp trái nho tươi mọng nước, vị ngọt thanh lẫn vị chua nhẹ đọng lại trên đầu lưỡi như ẩn giấu sự cần mẫn của nông dân vùng khô cằn. Hãy giúp họ đánh thức vị ngọt của nho.
Theo định hướng của UBND huyện Tuy Phong: Trước mắt duy trì diện tích nho hiên nay, tập trung nâng cao chất lượng, năng suất và nhất là tạo ra sản phẩm an toàn, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về lâu dài, tiếp tục mở rộng diện tích nho trên diện tích đất gò cao, đất lúa kém hiệu quả tập trung ở các xã Phong Phú, Phú Lạc, Phước Thể sau đó mở ra các địa phương có lợi thế khác để đưa diện tích nho lên 200 ha vào năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Đó là trang trại vườn - ao - chuồng (VAC) của ông Lê Văn Xô ở thôn Đình, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, xương khớp, béo phì
Giá nho vụ nghịch đang ở mức cao nhưng vẫn khan hiếm hàng. Các vườn nho ở Tuy Phong đều bị mất mùa do mưa kéo dài hồi đầu vụ.