Đậm Đà Hạt Tiêu Núi Cấm (An Giang)
Đối với vùng núi Cấm (An Giang), tiêu được xếp trong nhóm đặc sản (trái su, sầu riêng, tiêu, quýt, măng…), thuộc loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho cư dân lập vườn đồi, vườn rừng. Dây tiêu ở đây chỉ trồng xen canh, diện tích nhỏ lẻ, sản lượng không nhiều. Thế nhưng, hương vị hạt tiêu núi Cấm rất riêng, không thua tiêu Phú Quốc hay tiêu khu vực Tây Nguyên.
Vườn đồi, vườn rừng núi Cấm đa số trồng nhiều loài cây, như: Xoài, mít, vú sữa, sầu riêng, tre… đảm bảo khả năng thích nghi, còn năng suất phần lớn đều lệ thuộc vào thời tiết. Đó là chưa kể đất đai mỗi nơi cũng khác, chất mùn và độ màu mỡ không giống nhau.
Do vậy, tại khu vực Rau Tần, vồ Pháo Binh, vồ Đầu… được xem là thuận lợi nhất, đất đai và khí hậu luôn ưu đãi, thích hợp lập vườn sản xuất đa canh. Sinh ra và lớn lên ở vồ Đầu, anh Nguyễn Văn Lường hiện canh tác khoảng 50 công vườn trồng đủ loại, mỗi mùa thu hoạch một ít và mùa nào cũng có bán lai rai. Còn dây tiêu, anh cho bám vào cây dâu, cây xoài, cây mít… được cỡ 5 công. Hàng năm, anh Lường thu hoạch được trên 50kg hạt tiêu khô, giá bán tại chỗ trên 100.000 đồng/kg.
Niên vụ 2013-2014, năng suất cũng chừng đó, nhưng giá lại tăng 170.000 đồng/kg. “Tính ra, o bế dây tiêu còn sướng hơn trồng cây dâu, cây xoài, cây mít. Vì thu nhập cao hơn, sản phẩm không sợ ế hàng, dội chợ. Mà, xu hướng tiêu thụ còn mạnh hơn” – anh Lường nói. Bấy lâu nay, cư dân núi Cấm coi hạt tiêu là loại hàng nông sản phụ thuộc, ít người lập vườn chuyên canh, mà chỉ trồng xen canh, nên kỹ thuật canh tác, chăm sóc cũng hụ hợ, thiếu đầu tư chiều sâu.
Hiện tại, hạt tiêu khô trên núi Cấm nhảy vọt lên 170.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Đó là giá bán buôn, còn bán lẻ cho người hành hương và khách du lịch phải từ 200.000 – 240.000 đồng/kg. Nhiều cư dân không khỏi giật mình, cân nhấc thiết kế kỹ thuật trồng dây tiêu, phân bổ sao cho hợp lý trong miếng vườn.
Ông Đinh Văn Tươi (vồ Thiên Tuế) cho biết, với 13 công vườn đồi, nhiều năm qua, ông vẫn “trung thành” trồng dây tiêu bám cây ăn trái, thu hoạch từ 40 kg – 50 kg/mùa, nguồn lợi phụ mà giá trị lại cao hơn thu nhập chính. “Năng suất chưa nhiều lắm, cần phải chăm sóc kỹ lưỡng nữa mới được. Hạt tiêu khô bây giờ trở nên ngon ăn. Mình phải ráng thôi, cây trái khác đều lệ thuộc quá nhiều thứ” – ông Tươi chia sẻ.
Mùa mưa, dây tiêu núi Cấm phát triển xanh tốt, nhiều miếng vườn trên đường lên vồ Đầu, khu vực Rau Tần, vồ Thiên Tuế… bắt đầu ra nải và kết hạt no tròn.
Thời vụ thu hoạch tiêu hạt từ tháng chạp cuối năm nay và kéo dài hết tháng giêng năm sau. Nếu tính theo mùa, vừa dứt mùa mưa và chuyển sang mùa nắng, tiêu núi Cấm bắt đầu thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Dũng (vồ Đầu) cho hay, sau nhiều năm trầm lắng, hạt tiêu núi Cấm có giá, kích thích tâm lý nhà vườn xứ núi nên ai cũng hăng hái chăm sóc để có hoa lợi và nguồn thu nhập kinh tế gia đình ở chốn non cao.
“Dây tiêu vẫn bị sâu bệnh gây hại, nhưng nếu mình chịu khó theo dõi, chăm sóc tốt thì năng suất, giá cả vẫn ngon ăn hơn các loại cây khác” – ông Dũng lạc quan. Lập vườn trồng tiêu xen canh trên núi Cấm, từng giúp nhiều cư dân sắm xe và cất nhà cửa khang trang. Còn ông Nguyễn Văn Chánh (khu vực Rau Tần) nói: “Từ trước đến nay, hạt tiêu ở đây vẫn đậm đà hương vị, đảm bảo thu nhập cho nhà vườn, ít xảy ra rủi ro”.
“Phát huy tiềm năng từng khu vực và khai thác hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, cư dân trồng tiêu trên núi Cấm được phổ cập thêm kiến thức kỹ thuật canh tác. Chắc chắn, hạt tiêu ở đây thật sự là loại đặc sản quý hiếm, mà ít nơi nào dưới đất liền sánh được” – cư dân Đinh Văn Tươi tự tin.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng (NH) Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các NH không được tăng lãi suất (LS) cho vay, đặc biệt với các nhóm lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh...
Mấy năm nay, giá trái cây ở Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp... thường lên xuống thất thường. Tuy nhiên, bưởi da xanh là một trong những loại trái cây hiếm hoi duy trì được mức giá cao kéo dài, đảm bảo cho nông dân trồng loại trái cây này trúng đậm...
Lập gia đình và ra riêng vào năm 1988, vùng đất ông Bình chọn làm nơi lập nghiệp nằm cuối bản đồ hành chính của xã Đức Lĩnh, giao thông cách trở, đất cằn hoang hóa, khó cải tạo.
Hương Sơn mở đợt thi đua cao điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhà nhà, người người ra quân phát quang hành lang giao thông, xây dựng kênh mương, làm đường bê tông, vệ sinh môi trường, chỉnh trang hàng rào, vườn tược… tạo nên không khí thi đua sôi nổi.
Một chiều cuối tháng 8/2015, khi những cơn mưa dầm xuất hiện trên những cánh đồng tôm - lúa cũng là lúc báo hiệu cho một vụ lúa sắp đến.