Đắk Lắk Được Mùa Tiêu
Mùa tiêu năm nay, người dân huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vừa được mùa vừa được giá. Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng tiêu ở huyện Cư Kuin có được niềm vui này.
Đi khắp huyện Cư Kuin, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui được mùa, được giá của người trồng tiêu. Gia đình ông Văn Ngọc Dũng (ở thôn 14, xã Ea Ning) có 1ha tiêu cho sản lượng gần 5 tấn, trừ chi phí đầu tư và thuê nhân công khoảng 120 triệu đồng, gia đình ông còn thu lãi gần 450 triệu đồng.
Ông Dũng phấn khởi nói: “Với giá khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, người dân chúng tôi rất vui và có nhiều người trong thôn thu nhập tiền tỷ từ vụ tiêu này”. Hai vụ trước, cũng nhờ cây tiêu được mùa và giá cao, gia đình ông Dũng đã xây được nhà lầu, mua ô tô.
Nhờ tiêu được mùa và được giá, nhiều người dân huyện Cư Kuin có thu nhập tiền tỷ.
Dọc những con đường bê tông từ các buôn làng về trung tâm xã Ea Ning có hàng trăm nhà lầu vừa mới mọc lên. Căn biệt thự của bà Lê Thị Hằng (ở thôn 23, xã Ea Ning) ẩn hiện trong vườn tiêu trĩu quả. Trên sân nhà phơi đầy tiêu chín, những hạt tiêu đen óng ánh trong nắng trưa. Theo bà Hằng, gia đình hái gần xong vườn tiêu hơn 8 sào, thu được 3 tấn tiêu khô với năng suất ước đạt 4,5 tạ/sào.
Còn ông Phan Phước Thái (trưởng thôn 23) cho biết: “Nhờ tiêu liên tiếp được mùa, đến nay đã có 70% hộ dân trong thôn sống khá giả và cả thôn chỉ còn 13 hộ nghèo. Có của ăn của để, người dân tích cực góp công, góp của xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình công cộng của thôn”.
Tại xã Ea Ning, sau khi chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi sang cây tiêu, đến nay toàn xã đã có hơn 700ha tiêu, trong đó gần 450ha tiêu kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning, cho biết: Nhờ cây tiêu, thu nhập bình quân đầu người ở Ea Ning tăng nhanh, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn và đang góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Hội nông dân xã thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh của cây tiêu trên địa bàn, đồng thời kịp thời hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, nhất là các vườn cây đang kinh doanh. Làm sao để nông dân vừa kết hợp kinh nghiệm của họ vừa kết hợp khoa học kỹ thuật, nhằm kéo dài tuổi thọ vườn cây, tránh tình trạng tiêu chết hàng loạt như ở các nơi khác”, ông Trường chia sẻ.
Vào năm 2007, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Cư Kuin có khoảng 910ha, nhưng đến đầu năm nay đã tăng lên gần 1.800ha, trong đó có hơn 1.400ha đang cho thu hoạch. Vụ mùa năm nay, năng suất cây tiêu của huyện ước đạt 3,2 tấn/ha với sản lượng xấp xỉ 4.500 tấn tiêu khô.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, sự ổn định về diện tích, năng suất và chất lượng hồ tiêu vùng đất này chính là tiền đề vững chắc để huyện xây dựng thương hiệu “Tiêu Cư Kuin”. “Xây dựng thương hiệu tiêu Cư Kuin để khẳng định sản lượng, chất lượng tiêu vùng đất này. Từ đó giúp nhà nông tiêu thụ tốt sản phẩm, ổn định diện tích và sản lượng tiêu của huyện. Ý tưởng của chúng tôi đã được chấp nhận và sẽ có chứng nhận thương hiệu trong năm nay”, ông Khôi tâm sự.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 9.750 ha tiêu, trong đó có gần 5.500ha đang cho thu hoạch. Cây hồ tiêu được trồng tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk và thị xã Buôn Hồ. Nhờ cây tiêu, nhiều người dân ở Đắk Lắk thoát khỏi đói nghèo và trở nên giàu có.
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Văn Lài sinh sống tại thôn 9, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), là một hộ nuôi tôm khá quy mô trong xã với diện tích hồ khoảng 3.500m2. Hàng vạn con giống được thả và chỉ còn khoảng độ 10 ngày nữa thì có thể thu hoạch. Thế nhưng sau cơn bão số 10, gia đình ông trắng tay.
Mùa lũ năm nay, toàn thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có 138,65ha diện tích nuôi tôm mùa lũ, 46ha cá tra thương phẩm, 105 ao nuôi cá tra giống, 209 lồng bè...
Những năm qua huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã đầu tư tạo dựng được rất nhiều khu vườn kinh tế cao, chủ lực là các loại cây như quế, lòn bon, hồ tiêu, măng cụt, dó bầu… Nhưng nay, nhiều vườn đã tan hoang do bão.
Năm 2013, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình hình chế biến xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ thức ăn cho cá tra cũng không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, do việc nuôi cá tra đã có sự sắp xếp lại, phần lớn diện tích nuôi cá tra trong tỉnh là các vùng nuôi thuộc 41 doanh nghiệp (chiếm 65,21% diện tích) nên chủ động cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
“Tôi dự định sẽ nhân giống thanh long tím bán cho các gia trại, trang trại bạn nhằm tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Đồng thời, sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này bằng cách đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm, cùng bà con phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới” - Anh Trịnh Tiến Mạnh chia sẻ