Đặc sản tết: Nuôi, trồng theo đơn đặt hàng
Những đặc sản dành cho mùa Tết Nguyên đán 2019 sắp tới bao gồm cả cây trồng, vật nuôi được chuẩn bị khá phong phú như: gà Đông Tảo, gà thảo dược, cá chép giòn, bưởi hồ lô…Tuy nhiên, phong trào đua nhau làm đặc sản đã qua thời, đa số nông dân hiện chỉ làm đặc sản khi đã có khách đặt hàng.
Bưởi hồ lô tại vườn của ông Ngô Văn Sơn, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
Khi không chạy theo số lượng, nông dân có điều kiện chăm chút hơn về chất lượng cho đặc sản mùa tết.
* Qua thời đua nhau làm đặc sản
Vài năm trước đây, phong trào nuôi gà Đông Tảo rộ khắp các địa phương. Vào mùa tết, giống gà đặc sản này được chào bán khắp nơi, thậm chí được đưa ra vỉa hè, lề đường chào mời khách, mỗi nơi mỗi giá. Nhưng hiện nay hầu như không còn mấy hộ đầu tư nuôi loại đặc sản này, những nơi còn nuôi cũng không tăng đàn mạnh vào mùa tết mà chỉ làm đúng lượng hàng đã có khách đặt sẵn.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, chủ trại gà Đông Tảo tại xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom) nhận xét: “Gà Đông Tảo là loại đặc sản giá trị cao, khá kén thị trường nên rất nhiều hộ đua nhau nuôi theo phong trào hiện đều không trụ được. Vụ tết, trại của tôi cũng không tăng đàn ồ ạt mà chỉ nuôi vừa đủ với nhu cầu khách đặt hàng. Giá bán vẫn giữ ổn định như mọi năm”.
Chuẩn bị ra thị trường Tết Nguyên đán 2019, làng cá bè Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) có nhiều loại cá đặc sản cho khách lựa chọn như: cá hô, cá quế, chép giòn, trắm đen... Tuy nhiên, số hộ nuôi các loại đặc sản này chỉ đếm trên đầu ngón tay vì đầu ra hạn chế.
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Cung cấp ra thị trường tết năm nay, sản lượng cá chép giòn khá dồi dào vì người tiêu dùng đã quen nên sử dụng nhiều. Các loại cá đặc sản khác gặp khó khăn về đầu ra do giá cao, thực khách lại chưa biết nhiều nên chỉ có vài ba hộ nuôi thử nghiệm với sản lượng ít”.
Vụ tết năm nay, các nhà vườn tại huyện Vĩnh Cửu cũng không sản xuất đại trà đặc sản bưởi hồ lô. Hiện số hộ làm dòng sản phẩm này chỉ đếm trên đầu ngón tay và nhà vườn chỉ làm đúng với số lượng khách đặt hàng trước. Vì mọi năm, nhiều nhà vườn làm đón đầu thị trường đã rơi vào cảnh ế hàng, dội chợ.
* Chăm chút chất lượng
Không chỉ với đặc sản giá cao nông dân mới thận trọng đầu tư mà những đặc sản phổ thông hơn cũng qua thời chạy đua về số lượng. Bà Cao Thị Ten, chủ trại gà thảo dược tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) chia sẻ: “Dù có nơi đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn nhưng tôi không chọn cách tăng đàn ồ ạt vì muốn kiểm soát việc chăn nuôi tốt hơn, chăm chút về mặt chất lượng. Vụ tết năm nay, tôi dự kiến chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 15 ngàn con gà thảo mộc. Nguồn hàng này chủ yếu cung cấp vào các cửa hàng thực phẩm an toàn tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu…”.
Trang trại gà thảo mộc của bà Ten cũng chuyển hướng từ cung cấp gà cho các mối lái sang tập trung phát triển dòng sản phẩm đã được giết mổ, đóng gói với tem nhãn của trang trại, với mục tiêu để người tiêu dùng an tâm vì có thể truy xuất tận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Cùng quan điểm trọng chất hơn lượng, ông Ngô Văn Sơn, “vua” bưởi hồ lô của xứ bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Khách không ngại chi hàng triệu đồng để mua cặp bưởi hồ lô nếu sản phẩm đẹp, độc đáo. Chính vì vậy, không phải bưởi hồ lô nào cũng bán được ra thị trường. Nhà vườn luôn cần sáng tạo để ra thêm những mẫu lạ, độc đáo và phải chọn lựa rất kỹ, chăm chút từng chi tiết để tạo ra được cặp bưởi hồ lô ưng ý”.
Có thể bạn quan tâm
Đi sau trong việc trồng hoa hồng cổ nhưng anh Phạm Viết Toản vẫn “đến trước” với thị trường nhờ cách tiếp cận mới mẻ.
Lai tạo thành công 5 giống lúa mới được thị trường ưa chuộng, trong đó có giống lúa Ngọc đỏ hương dứa hiện trở thành đặc sản
Khi trời khô hạn cần hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.