Đặc sản cá mòi đang bị suy giảm nghiêm trọng
Dạo qua các chợ lớn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên những ngày này dễ dàng nhận thấy cá mòi cờ được bày bán ở khu vực hàng thủy sản hay những chợ cóc, chợ tạm gần nơi đánh bắt cá. Trong thùng, trong chậu lớn hay ngay trên tấm bao trải dưới nền đất của chợ quê ven sông, cá mòi mới đánh bắt tươi rói, mang vẫn đỏ hồng, vảy bạc lấp lánh khiến ai đi chợ cũng muốn mua để cải thiện bữa ăn gia đình.
Cá mòi không chỉ ngon bởi là loài cá tự nhiên, giàu dinh dưỡng, mà còn đặc biệt bởi là loài cá di cư sống cả ở sông và ở biển, chỉ tới mùa sinh sản mới từ biển bơi về những khúc sông quen thuộc đẻ trứng, thứ đặc sản mỗi năm mới có một dịp mà giá cả lại “bình dân”. Nhưng sau mỗi năm lượng cá bày bán thưa đi hẳn, nhất là con cá không đạt kích cỡ to đều như trước. Bà Nguyễn Thị Chín, một người bán cá ở chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Năm nào đến mùa tôi cũng buôn bán cá mòi, mỗi ngày bán một vài chục cân.
Bán cá mòi tuy không lãi cao nhưng đắt hàng do nhiều người thích ăn, có hôm vừa mang cá ra chợ đã có người mua hết cả thùng. 3, 4 năm về trước có những con cá to tới 1,5 - 2 lạng/con, có khi bán được giá gấp đôi, gấp ba thông thường, nhưng năm nay thì từ đầu mùa đến giờ chưa thấy con nào nặng gần 1 lạng, lượng cá mỗi ngày lấy được cũng chỉ 4 - 5kg”.
Theo tổng hợp từ Chi cục Thủy sản, mỗi năm người dân trong tỉnh đánh bắt được khoảng 600 tấn cá tự nhiên, riêng cá mòi ước tính chiếm khoảng 25 - 30% sản lượng. Việc khai thác cá mòi được người dân các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên phát triển mạnh hơn cả do có lợi thế với những “bãi đẻ” của cá tập trung trên khu vực sông Hồng, sông Luộc.
Ước tính vào mùa, trên sông Hồng, sông Luộc ở địa bàn tỉnh ta có hàng trăm thuyền nhỏ của các hộ dân tham gia bắt cá mòi. Thế nhưng cũng vì cá chỉ xuất hiện theo mùa, từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch, lại hút khách nên người dân đã khai thác quá mức, quá “ráo riết” và triệt để khiến sản lượng cá cứ tụt dần hàng năm. Theo các hộ chuyên đánh bắt cá mòi, qua mỗi năm sản lượng cá bắt được lại giảm đi từ 10 - 20%.
Ông Trần Văn Tiến, một hộ đánh bắt cá mòi lâu năm ở xã Đức Hợp (Kim Động) cho biết: “Mùa cá mòi giúp những hộ đánh bắt chúng tôi có thu nhập từ 100 - 300 nghìn đồng mỗi ngày, có thêm việc làm trong những tháng nông nhàn.
Thế nhưng việc các hộ đánh bắt quy mô hơn, dùng các loại lưới quét, lưới rê, lưới mắt nhỏ với mật độ dày đặc khiến lượng cá bắt được cứ sụt giảm dần. Nếu năm 2012, ngày nào tôi cũng bắt được 5kg cá, có khi trúng mẻ lưới to, sau một đêm bắt được cả chục cân thì từ đầu mùa đến nay chỉ đều đều 2 - 3kg, có ngày nhiều mới được 4 - 5kg. Cá mòi to nói riêng và các loại cá to khác trên sông nói chung đều ngày càng thưa vắng”.
Ý thức về việc bảo vệ một loài cá đặc sản, đặc hữu như cá mòi dường như còn xa lạ với người dân. Người đánh bắt cá xưa nay vốn chỉ quan tâm đến làm sao cải tạo thuyền cho chắc chắn, đầu tư lưới tốt, dụng cụ đánh bắt hiệu quả, và cá lớn, cá nhỏ đều bắt hết.
Chưa kể nhiều người vì muốn khai thác được nhiều còn dùng xung điện mạnh, dùng chất nổ hay thuốc độc hại để bắt cá khiến không những cá, tôm bị hủy diệt mà môi trường cũng bị ảnh hưởng.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 458/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”.
Mục tiêu chung của đề án là nhằm ngăn chặn sự gia tăng các loài thủy sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng, tiến tới phục hồi và phát triển giống loài thủy sinh quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam với sự tham gia của cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nghề cá bền vững. Trong đó cá mòi cờ trên khu vực sông Hồng là một trong những loài cần được bảo vệ, cần được khai thác một cách hợp lý và xây dựng thí điểm khu bảo vệ loài đặc hữu.
Ông Trần Danh Cẩm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Hiện tỉnh ta mới xây dựng được đề án bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nội đồng, còn với việc khai thác, đánh bắt trên sông lớn vẫn chưa có biện pháp bảo vệ hữu hiệu.
Chúng tôi khuyến cáo người dân cần có ý thức khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và các loài thủy sản đặc hữu như cá mòi nói riêng. Các loại hình khai thác, đánh bắt thủy sản tận diệt, nguy hại bị nghiêm cấm như: Lưới mắt nhỏ dưới 1cm, xung điện, thuốc nổ, hóa chất… người dân khi khác thác cần hết sức lưu ý và chấp hành, khai thác chừng mực để cá có thể sinh sản an toàn, duy trì nòi giống”.
Cá mòi không chỉ là loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế, giá trị về dinh dưỡng mà còn là loài đặc hữu góp phần quan trọng vào sự đa dạng của nguồn lợi thủy sản. Để loài đặc sản này hàng năm vẫn trở về với sông Hồng, sông Luộc, vẫn đem lại nguồn lợi quý giá cho địa phương thì việc khai thác đánh bắt đi đôi với bảo vệ phải trở thành ý thức của mỗi người dân.
Sẽ thật đáng buồn khi người “mê” cá mòi một ngày không xa sẽ không còn thấy bóng dáng loài đặc sản dân dã này, không còn được thưởng thức một món ngon ngày xuân của vùng phù sa sông Hồng, sông Luộc.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, người nuôi ba ba giống ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cảm thấy phấn khởi khi thị trường đầu ra của ba ba giống khá thuận lợi, đặc biệt là giá cả đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây nên hộ nuôi kiếm được nguồn lợi nhuận hấp dẫn.
Trong đó, tôm sú 14 triệu con giống (diện tích 79,7ha); tôm thẻ chân trắng thiệt hại 80 triệu con (diện tích 163,2ha).
Những ngày qua, nông dân tại các vùng ngọt hóa của huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã bước vào mùa thu hoạch cá đồng.