Đặc sản bưởi dọc ba miền Bắc- Trung- Nam có gì đặc biệt?
Trên ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước đều có các loại bưởi được cấp chỉ dẫn địa lý thơm ngon nức tiếng. Phải kể đến là bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và bưởi Tân Triều (Đồng Nai). Vậy yếu tố địa lý nào “thổi hồn” vào từng quả bưởi để nông sản đặc biệt này có mặt trên thị trường trong nước và thế giới.
Người nông dân chăm sóc vườn bưởi Tân Triều ở Đồng Nai. Ảnh: Thuận Hải
Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho biết, trên mọi miền đất nước có hàng ngàn sản vật ngon lạ, độc đáo. Hiện tại Cục mới cấp 49 chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản Việt. Riêng quả bưởi Đoan Hùng, Phúc Trạch và Tân Triều sau quá trình thẩm tra, xác minh nghiêm ngặt về đặc tính địa lý đã khẳng định được thương hiệu riêng biệt.
Từ các tài liệu chứng minh nét đặc trưng của bưởi được gửi đến Cục sở hữu trí tuệ, cơ quan này đã vào cuộc thẩm tra nguồn gốc, tính hợp lệ. Theo đó, bưởi Đoan Hùng có hai loại là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân. Bưởi Sửu khi chín có màu vàng xanh, túi tinh dầu nhỏ mịn, tép múi mềm và mọng nước, có vị ngọt thanh không he đắng.
Bưởi Bằng Luân có vỏ quả mỏng, thịt quả trắng mỏng, múi dễ tách. Vùng trồng bưởi Đoan Hùng nằm nơi vị thế có dòng Sông Lô, Sông Chảy chạy ngang qua tạo nên khí hậu đăc trưng của tiểu vùng. Dải đất phù sa màu mỡ, tốt tươi ở đôi bờ góp phần tạo nhu cầu sinh trưởng thích hợp cho cây bưởi của người nông dân cần cù.
Trong khi đó ở huyện vùng núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, loại bưởi Phúc Trạch vốn thơm ngon nổi tiếng bao đời nay. Người nông dân mong muốn được cấp chỉ dẫn địa lý để phát triển thương hiệu, ổn định trồng trọt, buôn bán bưởi ra thị trường. Bưởi Phúc Trạch khi chín có màu vàng chanh, múi quả có kích thước đều nhau. Bưởi vùng này có sự kết hợp hài hòa giữa hàm lượng đường, vitamin C, axit hữu cơ, tạo nên vị ngọt thanhh, chua nhẹ, để lại dư vị khá lâu sau khi thưởng thức.
Khí hậu, thổ nhưỡng tạo nên sự nét độc đáo của nông sản Việt. Ảnh: Thuận Hải
Vào cuộc thẩm tra, Cục sở hữu trí tuệ xác nhận, bưởi Phúc Trạch được trồng trên nền đất được bao bọc bởi hai dãy núi Trường Sơn và Trà Sơn. Nhiệt độ vùng này cao cùng lượng mưa thấp, tốc độ gió Lào thấp. Người dân Phúc Trạch trồng bưởi trên vùng đất có phù sa bồi hàng năm, đất phù sa cổ, đất xám feralit hình thành trên đá mác ma và phù sa cổ. Yếu tố địa lý đó đã kiến tạo nên vị lạ, ngon trong từng tép bưởi Phúc Trạch.
Ở miền Nam có bưởi Tân Triều, Đồng Nai có hai loại là bưởi Ổi và bưởi đường Lá Cam. Bưởi Ổi có mùi thơm đặc trưng giống với mùi vị của quả ổi, nước ép quả màu vàng nhạt, rất ngọt. Bưởi đường Lá Cam có vị ngọt, màu xanh vàng và láng nhẵn, con tép thon nhỏ bó chặt.
Sau khi đi thực tế quan sát, nghiên cứu, đại diện Cục sỡ hữu trí tuệ xác nhận, người dân vùng bưởi Tân Triều trồng trên đất phù sa chua, đọng nước, đất phù sa điển hình, ít chua và đất xám cơ giới nhẹ, nghèo bazơ. Cùng với đó là vùng bưởi Tân Triều có địa hình thấp, không bị ngập, không bị chia cắt, số lượng giờ mua, giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ trung bình năm phù hợp tạo nên vị ngon ngọt của bưởi.
Có thể bạn quan tâm
Giống điều DDH 102-293 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là các sâu loại bệnh thán thư, bọ xít muỗi...
Anh Phạm Hồng Thái quyết định phát triển mô hình trồng trọt và sản xuất sạch ngay tại địa phương khi thấy quê hương phù hợp để phát triển nông nghiệp
Hai thanh niên, một người là kế toán, một người là kĩ sư đã quyết định trở về với nghề làm vườn và xây dựng mô hình trồng chanh dây sạch đạt hiệu quả cao.