Đã chọn tạo được giống chuối chống chịu bệnh héo vàng
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả vừa công bố đã chọn tạo được giống chuối có khả năng chống chịu ổn định với bệnh héo vàng chuối (Fusarium oxysporum).
Giống chuối Williams được sử dụng nhân invitro tạo biến dị. Ảnh: TS Trần Ngọc Hùng.
Theo TS Trần Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu Rau quả, sản xuất chuối của Việt Nam lâu nay thường chỉ sử dụng các giống bản địa, không có giống mới được chọn tạo.
Chuối tiêu là cây sinh sản vô tính thông qua tách chồi từ cây mẹ, hoặc nhân invitro. Trong quá trình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, sẽ xuất hiện các biến dị (tỉ lệ xoay quanh 5%).
Trong đó, một số biến dị rất có lợi, nếu được chọn lọc sẽ tạo nên các giống mới. Mặc dù hàng năm, Viện Nghiên cứu Rau quả sản xuất hàng trăm nghìn cây giống chuối nuôi cấy mô nhưng công tác theo dõi và chọn lọc biến dị soma (Somaclonal Variant Selection) chưa được quan tâm.
Trước thực trạng trên, từ năm 2014, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả đã triển khai công tác chọn tạo giống chuối chống chịu bệnh héo vàng Fusarium oxysporum thông qua chọn lọc biến dị Soma. Mục tiêu là tạo được giống chuối tiêu có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được bệnh héo vàng (Fusarium oxysporum) làm cơ sở cho việc mở rộng diện tích tại các tỉnh phía Bắc.
Việc nghiên cứu được tiến hành tại Viện Nghiên cứu Rau quả (Gia Lâm, Hà Nội) và một số địa phương có tình trạng chuối tiêu bị nhiễm bệnh héo vàng lá như xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội); xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên), xã Cao Xá, Bản Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ)...
Phương pháp nghiên cứu được thực hiện bằng việc chọn tạo ra dòng chuối có khả năng chống chịu với bệnh héo vàng thông qua biến dị.
Theo đó, nguồn mẫu giống tạo biến dị trong nuôi cấy và nhân Invitro được chọn là giống chuối Williams. Bởi đặc điểm chính của giống Williams là giống phổ biến trên thị trường xuất khẩu, thuộc nhóm tiêu xanh (không chuyển vàng khi chín ở nhiệt độ cao), sinh trưởng khỏe, đặc biệt là rất mẫn cảm bệnh héo vàng.
Chồi (ở giai đoạn chưa xuất hiện lá thật) của giống chuối Williams (đã được xác định không nhiễm bệnh virus BBTV) được chọn để nhân invitro với tác nhân tăng biến dị.
Mẫu chồi giống chuối Williams được nuôi cấy mô với các tác nhân gây biến dị (tăng số lần cấy chuyển, sử dụng hóa chất tăng tần số biến dị...) đã tạo ra các cụm chồi (gồm 7 - 10 chồi).
Sau đó, nhóm nghiên cứu sử dụng độc tố nấm Fusarium (chủng TR4 gây bệnh phổ biến trên chuối tiêu ở nước ta) đã được nhóm nghiên cứu phân lập để lây bệnh nhân tạo trên chồi chuối Williams làm tác nhân chọn lọc trong giai đoạn ra rễ tạo - cây hoàn chỉnh.
Theo đó, các cây sống sót tiếp tục được chọn lọc thông qua lây bệnh nhân tạo ở giai đoạn vườn ươm. Cây thể hiện tính kháng bệnh cao sẽ được nhân invitro tạo thành dòng.
Mỗi dòng vô tính được chia ra 2 nhóm; nhóm 1 sẽ lây bệnh nhân tạo giai đoạn cây vườn ươm, nhóm 2 được trồng để đánh giá đặc điểm nông sinh học và khả năng kháng bệnh ngoài thực địa.
Qua đó, xét tổng hợp cả tính kháng bệnh FOC và đặc điểm nông sinh học (NSH) để chọn ra dòng ưu tú nhất phục vụ cho các thí nghiệm khảo nghiệm giống trong các vụ tiếp theo.
Giống chuối tiêu hồng đối chứng (trái) bị nhiễm bệnh héo vàng lá rất nặng, trong khi giống chuối GL3-5 (phải) rất khỏe và sạch bệnh. Ảnh: TS Trần Ngọc Hùng
Căn cứ vào tính kháng bệnh thông qua quá trình lây bệnh nhân tạo cũng như đánh giá các đặc điểm nông sinh học (sinh trưởng, năng suất, dạng quả, chất lượng quả, độ đồng đều, mức nhiễm bệnh héo vàng trên đồng ruộng), nhóm nghiên cứu cho biết đã xác định được dòng có khả năng kháng tốt với bệnh héo vàng lá chuối, có nhiều đặc điểm tốt (được nhóm nghiên cứu đặt tên là giống chuối GL3-5).
Giống GL3-5 sau đó đã được đưa ra trồng khảo nghiệm tại một số vùng như xã Bản Nguyên, Cao Xá (huyện Lâm Thao, Phú Thọ); xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên)... Đây là những vùng chuyên canh chuối có bệnh héo vàng rê nghiêm trọng, nhiều nhà không trồng được chuối tiêu do dịch bệnh này.
Theo TS Trần Ngọc Hùng, đến thời điểm này, kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, giống chuối GL3-5 đã thể hiện tính chống chịu hơn hẳn giống gốc (giống Williams) và các giống chuối đối chứng với mọi mẫu nấm. Điều này cho thấy tính chống chịu bệnh ổn định của giống này.
Trong số các giống chuối được khảo nghiệm sản xuất tại Phú Thọ và Hưng Yên trên đất nhiễm bệnh héo vàng lá nặng cho thấy: Giống GL3-5 sinh trưởng ổn định, chiều cao cây 2,5m, chu vi thân 59 - 60cm, 8-9 nải/buồng, thời gian sinh trưởng 350 - 360 ngày.
Giống GL3-5 có nhiều đặc điểm tương tự chuối tiêu hồng về dạng cây, thời gian sinh trưởng, dạng quả. Tuy nhiên, khác biệt rõ nét là khả năng chống chịu bệnh héo vàng, thuộc nhóm tiêu xanh, thân có màu tía đậm. Do có tính chống chịu bệnh nên trong cả 2 mô hình khảo nghiệm sản xuất giống GL3-5 luôn đạt năng suất trên 45 tấn/ha, trong khi đó các giống đối chứng chỉ đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha.
Theo đánh giá đến nay, nhìn chung giống GL3-5 đã đạt các tiêu chí của quá trình chọn tạo giống đề ra như: Chống chịu bệnh héo vàng, năng suất trên 45 tấn/ha, chất lượng quả tương đương các giống chuối thương mại (tiêu hồng, Williams).
Giống GL3-5 hiện đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận là giống sản xuất thử cho vùng ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc (theo quyết định số 453QĐ-TT-CCN, ngày 30/12/2019).
Có thể bạn quan tâm
Đến thăm mô hình trồng mít của anh Nguyễn Duy Dự ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy, Thái Bình chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Trồng 1 sào (360m2) ổi lê Đài Loan, trừ hết chi phí vật tư, sau thu hoạch còn lãi 15 triệu đồng/năm, hiệu quả cao gấp 6-7 lần so với canh tác lúa.
Sầu riêng là loại cây trồng khó tính, nhưng một lão nông tại tỉnh Đăk Nông đã cải tạo được vườn sầu riêng thường thành sầu riêng Thái, mang lại hiệu quả kinh tế