Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tiềm năng mới từ cây dứa

Tiềm năng mới từ cây dứa
Tác giả: Lê Bền
Ngày đăng: 23/03/2021

Cây dứa đang là lựa chọn mới cho vùng đất Sơn La bởi khả năng chịu hạn tốt, dễ tính, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đầu tư thấp, cho giá trị kinh tế khá.

Cây dứa đang có tiềm năng rất lớn tại tỉnh miền núi Sơn La. Ảnh: DOVECO.

Năm 2021, với việc đưa cây dứa lần đầu tiên lên phát triển thành vùng nguyên liệu lớn tại Sơn La, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) sẽ đầu tư xây dựng nhà máy và dây chuyền chế biến dứa (cùng với xoài) tại huyện Mai Sơn.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị DOVECO đánh giá: Dứa là cây dễ trồng, thích nghi rộng, có khả năng chịu hạn tuyệt vời. Đây cũng là cây gần như không có sâu bệnh hại, nên không phải phun thuốc BVTV, giúp bảo vệ được môi trường sinh thái miền núi, vùng đất dốc… Bên cạnh đó, suất đầu tư của cây dứa cũng thấp (tại Sơn La ước tính khoảng 70-80 triệu đồng/ha), lại quay vòng thu hồi vốn nhanh nên rất thích hợp cho đồng bào miền núi.

Theo tính toán, đầu tư năm đầu tiên cho cây dứa hết trung bình khoảng 30 triệu đồng tiền giống/ha, 8 triệu tiền màng phủ, 20 triệu tiền phân bón và các chi phí khác, sẽ vào khoảng 70-80 triệu đồng/ha.

Nếu chăm sóc tốt, xử lý tốt về kỹ thuật, không xảy ra các rủi ro ngoài mong muốn, sau 18 tháng, dứa sẽ cho thu hoạch với năng suất bình quân dự kiến khoảng 60 tấn/ha, hoặc 40 – 60 tấn, trừ chi phí sẽ cho thu nhập khoảng từ 80 – 120 triệu đồng/ha.

Hiện nay, việc canh tác cây dứa đã có rất nhiều tiến bộ kỹ thuật, nhất là trồng dứa phủ bạt ni-lon lên luống, sẽ giúp người dân gần như không phải mất công chăm sóc, làm cỏ nên chi phí sản xuất rất thấp.

Theo khảo sát đánh giá của DOVECO và Sơn La, hiện tỉnh này còn tiềm năng về quỹ đất vô cùng lớn để phát triển vùng nguyên liệu dứa, đặc biệt là triển vọng thay thế các vùng trồng cây lương thực ngắn ngày giá trị thấp, hơn nữa đặc thù đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên nhiều nơi ở Sơn La rất phù hợp với loại cây trồng này. Cây dứa nếu đưa vào các huyện như Sông Mã, Sốp Cộp, đầu tư đúng kỹ thuật, sẽ cho năng suất, chất lượng không thua kém gì vùng dứa nguyên liệu của DOVECO tại Đồng Giao (Ninh Bình) hiện nay.

“Riêng huyện Mai Sơn, chúng tôi rất thèm khát xây dựng vùng nguyên liệu dứa ở đây, tuy nhiên sẽ khó khăn do người dân có nhiều sự lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, hiện suất đầu tư/ha đối với cây dứa tại Sơn La sẽ cao hơn so với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam do nhiều yếu tố như công lao động tại phía Bắc cao, người dân có quy mô sản xuất nhỏ, không chủ động được máy cơ giới trong sản xuất, nhưng DOVECO vẫn quyết tầm đầu tư vì xác định chiến lược lâu dài." ông Đinh Cao Khuê đánh giá.

Theo tính toán, suất đầu tư dứa tại các tỉnh phía Nam hiện khoảng 60-70 triệu đồng/ha, chỉ bằng 70% so với các tỉnh phía Bắc (khoảng 120 triệu đồng/ha tại Tam Điệp, Ninh Bình). Tại Sơn La, theo tính toán, suất đầu tư đối với cây dứa cũng có thể lên khoảng 80 triệu đồng/ha.

Mặc dù vậy, có thể giảm chi phí sản xuất cho cây dứa tại Sơn La bằng việc đẩy mạnh bón phân hữu cơ. Bởi theo tính toán, nếu tận dụng tốt nguồn phân hữu cơ, nhất là nguồn tại các vùng nuôi bò sữa tại Mộc Châu để trồng dứa, sẽ giúp giảm được 2/3 chi phí phân bón. Đây là điều mà các tỉnh trồng dứa nguyên liệu tại Tây Nguyên đã làm rất tốt và đã giảm được chi phí sản xuất rất lớn.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá: Toàn tỉnh hiện có hơn 37.000ha đất trồng sắn, chạy băng băng tại nhiều huyện, nhất là huyện Sông Mã, có thể chuyển sang trồng dứa được ngay (trừ những vùng đất quá dốc).

Để triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dứa phục vụ cho nhà máy chế biến của DOVECO, hiện UBND tỉnh Sơn La cũng đã giao UBND các huyện phối hợp với DOVECO, chủ động nguồn ngân sách (trong đó có vốn sự nghiệp kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác) để hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu.

Hiện huyện Sốp Cộp đã dành 3 tỉ đồng, huyện Sông Mã đã dành ra 4 tỉ đồng… để phối hợp với DOVECO và các HTX, nông dân xây dựng các mô hình điểm trồng dứa. Trong đó có hỗ trợ giá giống dứa, màng che phủ đất trồng dứa…

Tỉnh ủy Sơn La cũng đã giao Sở NN-PTNT cùng các sở ngành nghiên cứu để sớm đề xuất chính sách về cơ chế hỗ trợ vùng nguyên liệu theo hướng sẽ hỗ trợ 50% giá giống dứa. Bởi dứa là cây trồng mới được đưa vào sản xuất, nên nông dân chưa quen với kỹ thuật, chưa an tâm về hiệu quả kinh tế…

“Tỉnh sẽ hỗ trợ năm đầu 50% về giá giống dứa. Từ năm thứ 2 trở đi, chi phí người dân bỏ ra sẽ được hạ thấp rất nhiều do không còn phải đầu tư về giống nữa, giúp chi phí sẽ hạ thấp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Phát triển nhiều sản phẩm rau chế biến, xuất khẩu

Bên cạnh cây dứa, DOVECO cũng đang triển khai phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu đối với nhiều loại rau, củ như rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương rau… tại các tiểu vùng khí hậu, đất đai có lợi thế tại tỉnh Sơn La như Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn…

Theo đánh giá của DOVECO, hiện Sơn La rất thuận lợi vì đã hình thành được rất nhiều các HTX có trình độ kỹ thuật, hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu sản xuất mặt hàng rau củ để chế biến, xuất khẩu.

Một số mô hình thử nghiệm trồng rau chân vịt của DOVECO thời gian qua tại xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) chỉ 40 ngày cho năng suất 37 tấn/ha, tỉ lệ thu hồi sản phẩm đạt 75%.

Với giá thu mua 4.000 đ/kg, cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng/ha chỉ trong vòng chỉ 40 ngày. Theo DOVECO, nếu có cách làm bài bản, trồng rau chân vịt cho thu nhập 700-800 triệu đồng/ha/năm là không khó.

Với cây ngô ngọt, DOVECO đánh giá đây là cây trồng hoàn toàn ăn chắc 100% khi phát triển tại Sơn La. Vừa qua, sản xuất thứ cho thấy ngô ngọt cho năng suất lên tới 20 tấn /ha (so với các tỉnh đổng bằng chỉ 10 tấn/ha)… Hiện DOVECO đã có kế hoạch đầu tư dây chuyền chế biến ngô ngọt hiện đại tại nhà máy ở huyện Mai Sơn.

Từ nay đến tháng 8/2021, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp ráp để đảm bảo đưa vào vận hành ngay đối với các dây chuyền chế biến như ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt. Bởi đây là các loại rau ngắn ngày, có thể tổ chức trồng nguyên liệu được ngay trong năm 2021 để phục vụ chế biến.

Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho nông dân

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng với UBND tỉnh Sơn La và DOVECO đã làm việc về các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu bền vững phục vụ cho chế biến tại Sơn La.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá Sơn La và DOVECO đã có những bước đi bài bản, chuẩn bị kỹ cho việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu các loại cây ăn quả phục vụ cho chế biến sâu theo chuỗi giá trị trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT khẩn trương rà soát, hoàn thiện về quy hoạch cây ăn quả cho tỉnh Sơn La nói riêng cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung nhằm tránh chồng chéo, đồng thời lựa chọn được các vùng phù hợp nhất để gắn với phát triển các đối tượng cây ăn quả phù hợp nhất…

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình canh tác, gói kỹ thuật cho thâm canh tác loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Sơn La, nhất là các giống cây ăn quả mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với chế biến.

Bên cạnh đó, khẩn trương điều tra nghiên cứu, có giải pháp phòng chống, xử lí đối với các loại sâu bệnh hại trên một số đối tượng cây ăn quả của tỉnh Sơn La; phối hợp với tỉnh Sơn La để tiếp tục cấp thêm các mã số vùng trồng, xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung gắn với canh tác theo quy trình GAP để nâng cao giá trị, thương hiệu cho cây ăn quả Sơn La…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sơn La nguồn lực thông qua các chương trình khuyến nông nhằm giúp đào tạo, tập huấn, phổ biến chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác cũng như các mô hình điểm để người dân tại các vùng nguyên liệu cây ăn quả, rau củ mới tại Sơn La tham quan, học học tập.


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý nuôi ba ba ao đất Lưu ý nuôi ba ba ao đất

Ba ba thường được nuôi với mật độ cao lúc còn nhỏ và sẽ san thưa theo thời gian nuôi khi chúng lớn dần. Người nuôi nên chọn giống ba ba xanh, ba ba trơn…

19/03/2021
Trồng rau cải Nhật Bản mỗi gốc nặng tới 2,5 kg Trồng rau cải Nhật Bản mỗi gốc nặng tới 2,5 kg

Thời gian sinh trưởng của loại rau này chỉ hơn 2 tháng, tuy nhiên một gốc rau có thể nặng tới 2,5 kg, mỗi hecta có thể thu hoạch lên tới 5 tấn.

19/03/2021
Kỹ thuật trồng hoa đồng tiền trong chậu Kỹ thuật trồng hoa đồng tiền trong chậu

Ths. Bùi Thị Hồng và cộng sự Viện Nghiên cứu Rau quả xây dựng thành công quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền trong chậu, thu nhập 1,3 - 1,7 tỷ đồng/ha canh

22/03/2021