Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Công nghệ Blockchain và vi sinh trong nuôi trồng thủy sản

Công nghệ Blockchain và vi sinh trong nuôi trồng thủy sản
Tác giả: TS Cao Trường Giang, ThS Lê Minh Toán - Viện Nghiên cứu NTTS
Ngày đăng: 17/06/2020

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang gặp phải những thách thức rất lớn, người nuôi đang phải chống đỡ với các đợt đại dịch xảy ra trên cá, tôm nuôi. Nguyên nhân chủ yếu do người nuôi sử dụng thuốc, hóa chất tràn lan, môi trường nuôi bị suy thoái. Để vượt qua những khó khăn đó cần cải tiến và đưa tiến bộ khoa học công nghệ nhằm giúp đạt hiệu quả cao nhất cả về kinh tế lẫn bảo vệ hệ sinh thái, phục hồi môi trường.

Công nghệ Blockchai ngày một ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thủy sản Ảnh: V.A

Chế phẩm sinh học (Probiotic)

Với những tiến bộ về lĩnh vực vi sinh hiện nay các sản phẩm chế phẩm sinh học không chỉ được dùng duy trì chất lượng môi trường nuôi mà còn có tác dụng phòng và hạn chế dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn, tạo sản phẩm có tính an toàn cho người dùng, giảm thiểu nguồn chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Vì vậy, các chế phẩm sinh học cần được ưu tiên và xem như yếu tố then chốt trong các quy trình sản xuất an toàn.

Một chế phẩm sinh học tốt cần phải đáp ứng các yêu cầu: là sản phẩm sống hoặc duy trì hoạt tính; không mang mầm bệnh và độc tố; tạo tác dụng có lợi trên vật chủ; có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường ruột của vật chủ hoặc trong môi trường ao nuôi; duy trì chất lượng trong điều kiện bảo quản thông thường hay dễ bảo quản trong điều kiện sản xuất.

Chế phẩm sinh học sử dụng trong môi trường nước có một số nhóm vi khuẩn như nhóm Bacillus, có khả năng hạn chế vật nuôi nhiễm bệnh do các vi khuẩn này ức chế phát triển vi khuẩn gây bệnh phát triển. Chúng gián tiếp kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tảo thông qua chu trình chuyển hóa Cacbon Nitơ. Những vi khuẩn có lợi trong nước sẽ “loại trừ nhanh” các khi độc như; NO2, NH3, H2S và vật chất hữu cơ tạo ra trong quá trình nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học còn giúp ổn định pH trong môi trường ao nuôi (trong công nghệ Biofloc). Chế phẩm sinh học (men vi sinh) bổ sung vào thức ăn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ức chế vi khuẩn gây bệnh, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, kích thích tiêu hóa, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.

Ngoài nhóm vi khuẩn Bacillus sp giúp cải thiện sức khỏe vật nuôi, cải thiện môi trường nuôi và ức chế tác nhân gây bệnh trong môi trường nuôi, còn có nhóm Lactobacillus tiết ra các enzyme phân hủy vật chết hữu cơ, cân bằng pH và hạn chế thực vật phù du phát triển, nhóm này được ứng dụng trong sản xuất thức ăn tươi sống và nuôi ấu trùng làm thức ăn cho tôm, cá giống; Nhóm  Nitrosomonas và Nitrobacter giúp biển đổi các khí độc NH3 thành sản phẩm ít độc NO3 qua quá trình nitrat hóa. Nấm men làm cân bằng vi khuẩn đường ruột.

Sử dụng chế phẩm sinh học không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế cho nhà sản xuất thông qua các các lợi ích như hạn chế chi phí kháng sinh trong phòng trị bệnh, tăng tốc độ độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, giảm chi phí thức ăn, cải thiện chất lượng nước ao nuôi giúp tăng mật độ, năng suất nuôi... mà còn góp phần xây dựng quy trình sản xuất an toàn, duy trì bền vững về sinh thái, môi trường vùng nuôi.  

Công nghệ Blockchain

Công nghệ này hiện đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, quản lý hành chính… trong đó có cả sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở một số nước. Ở Việt Nam, khái niệm Blockchain còn khá mới mẻ đối với ngành sản xuất chế biến thủy sản nên việc áp dụng còn là thách thức khó khăn, nhưng Blockchain sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Blockchain là công nghệ trong đó toàn bộ dữ liệu được mã hóa thành các khối (Block) và kết nối với nhau thành chuỗi (chain) được bảo mật an toàn. Nó tương tự như “cuốn sổ cái kế toán tự động” của công ty ghi chép lại quá trình nuôi trồng, chế biến tạo ra sản phẩm và được lưu trữ công khai để nhà sản xuất và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất.

Áp dụng công nghệ Blockchain giúp nhà sản xuất có thể lưu trữ toàn bộ thông tin xuất xứ sản phẩm, thống kê sản phẩm có trên thị trường, biết được số lượng sản phẩm được tiêu thụ, số lượng sản phẩm còn hạn và hết hạn sử dụng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng dễ dàng truy xuất toàn bộ thông tin nguồn gốc sản phẩm ở bất kỳ đâu, họ biết được sản phẩm đó được sản xuất ở đâu, sản xuất theo công nghệ nào và có đảm bảo sức khỏe con người hay không... Rõ ràng, áp dụng công nghệ Blockchain trong nuôi trồng và chế biến thủy sản sẽ nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm, giúp nhà sản xuất quản lý sản xuất tốt hơn, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm với người tiêu dùng.

Có thể nói rằng chế phẩm sinh học là công cụ sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP thì Blockchain là công cụ quản lý của nhà sản xuất và công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm của người tiêu dùng. Blockchain được dự báo sẽ trở thành những công cụ hàng đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, ngoài việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ chúng ta cần tổ chức sản xuất tốt hơn các quy trình sản xuất an toàn, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị ngành NTTS.


Có thể bạn quan tâm

Quản lý sức khỏe thủy sản mùa lạnh Quản lý sức khỏe thủy sản mùa lạnh

Mỗi loài có khoảng giới hạn thích hợp, khi nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá giới hạn thì sức khỏe động vật thủy sản bị ảnh hưởng

17/06/2020
Phòng, trị bệnh virus mùa xuân trên cá chép Phòng, trị bệnh virus mùa xuân trên cá chép

Bệnh virus mùa xuân là bệnh thường gặp trên cá chép khi thời tiết lạnh, nhiệt độ nước dưới 200C có mức truyền nhiễm cao và có thể gây chết nghiêm trọng đến 70%.

17/06/2020
Giải pháp công nghệ sản xuất hàu giống Thái Bình Dương dạng bám và dạng đơn Giải pháp công nghệ sản xuất hàu giống Thái Bình Dương dạng bám và dạng đơn

Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) (TBD) đã được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản và Australia để thay thế một số loài hàu bản địa đang bị cạn kiệt

17/06/2020