Công bố cách phòng, trừ bệnh xoăn lá trên cây cà chua
Ngày 24/8, Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, trước thực trạng nhiều diện tích cà chua trên địa bàn tỉnh mắc bệnh xoắn lá, phòng chức năng vừa công bố cách phòng, trừ loại bệnh này trên cây cà chua.
Lâm Đồng có diện tích trồng cà chua lớn nhất nước
Theo Chi cục BVTV Lâm Đồng, bệnh xoắn lá xuất hiện trên xây cà chua từ năm 2005 nhưng trong một thời gian dài bệnh phát triển chậm. Tuy nhiên, từ tháng 7-2016 đến nay, loại bệnh này bùng phát mạnh trên cây cà chua, tập trung nhiều nhất tại huyện Đơn Dương. Bệnh gây hại phổ biến cà chua ở giai đoạn từ 20 - 45 ngày sau trồng. Triệu chứng gây hại chủ yếu là đọt non xoăn lại, chuyển sang màu tím, lá non xoăn vào trong và hướng lên trên, cây thấp, lùn, không phát triển. Đến nay, riêng xã Ka Đơn đã có 30ha nhiễm bệnh trong đó 30/30 ha nhiễm nặng, trong đó một số diện tích nông dân đã nhổ bỏ trồng cây khác. Mật độ côn trùng chích hút (bọ phấn 1,5 - 3 con/cây, bọ cưa 1-1,5 con/cây).
Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, bệnh xoăn lá do virus là loại bệnh hại nguy hiểm trên các loại cây trồng, trong đó có cây cà chua. Bệnh lây nhiễm vào cây khỏe qua “véc tơ” là côn trùng môi giới hoặc lây lan cơ giới qua đất, tàn dư thực vật, cỏ dại, công cụ lao động, tay người làm vườn tùy theo loài virus. Đến nay chưa có thuốc hóa học đặc trị bệnh do virus.
Để phòng, trừ loại bệnh này, vườn ươm giống cà chua phải cao ráo, thông thoáng. Sau mỗi lần xuất vườn phải xử lý dụng cụ vườn ươm. Vật liệu ươm giống phải phơi khô, hoai mục. Dùng lưới côn trùng để bảo vệ cây con. Hạt giống trước khi ươm phải được xử lý bằng nước nóng (3 sôi, 2 lạnh) hoặc ngâm hạt giống cà chua trong dung dịch Na2PO4 (10%) trong 2 giờ, sau đó xả lại trong nước sạch 40 phút, trải hạt trên giấy hút ẩm để làm khô. Quản lý tốt côn trùng môi giới truyền bệnh, sử dụng các loại thuốc: Oshin 20WP, Sokupi 0.36AS, Actara 25WG (nồng độ khuyến cáo, 5-7 ngày/lần).
Đồng thời, khi phát hiện cà chua mắc bệnh xoắn lá, nhà vườn phải lập tức nhổ bỏ và tiêu hủy sớm các diện tích cà chua đã nhiễm bệnh để hạn chế lây lan sang các khu vực lân cận. Khi trồng mới cần sử dụng cây giống sạch bệnh từ các vườn ươm, cơ sở sản xuất giống có uy tín và đảm bảo tiêu chuẩn cây giống xuất vườn theo quy định. Vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch, thường xuyên kiểm tra, nhổ bỏ và tiêu huỷ triệt để cây bị bệnh. Luân canh cây trồng, không trồng liên tục cây rau họ cà (cà chua, cà tím, ớt, khoai tây) nhiều vụ trên cùng một diện tích. Bón phân đầy đủ và cân đối theo quy trình sản xuất cà chua an toàn; mùa mưa hạn chế bón nhiều đạm. Phòng trừ côn trùng môi giới truyền bệnh (bọ trĩ, bọ phấn, rầy rệp) bằng các loại thuốc như Dinotefuran (Oshin 20WP); Thiamethoxam (Actara 25WG); Citrus oil (MAP Green 10AS); Oxymatrine (Vimatrine 0.6 SL).
Hiện nay, Lâm Đồng canh tác khoảng 2.480ha cà chua trong đó huyện Đơn Dương 2.100ha. Phần lớn diện tích cà chua sử dụng giống Rita (98%), một số ít diện tích trồng giống Ana.
Có thể bạn quan tâm
Vụ cà chua thu đông trồng vào tháng 7-8, thu hoạch tháng 9-11 ở các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc cho thu nhập rất cao. Thâm canh 1 sào Bắc bộ 360m2 cà chua thu đông đạt sản lượng 1-2 tấn cho thu 8-10 triệu đồng.
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thực hiện đề tài xây dựng biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh xoăn lá cà chua do Ths. Nguyễn Văn Sơn làm chủ nhiệm đề tài.
Cây cà chua thường phát triển thân lá nhiều, vì vậy lượng chất dinh dưỡng cây hút khá cao. Với năng suất 50 tấn quả/ha cà chua lấy đi từ đất150kg N, 40kg P2O5, 300 kg K2O, cùng một lượng đáng kể canxi và magiê.