Con cua tranh đua tôm, muối...
Nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo đang là mô hình mới, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân các huyện Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM).
Nếu việc làm muối giá trị kinh tế thấp, lại tắc đầu ra hay việc nuôi tôm đang nhiều rủi ro do dịch bệnh liên tục, giá cả bấp bênh… thì mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo đã giải quyết được những vấn đề nan giải nêu trên.
Mô hình mới cho vùng khó khăn
Trong ảnh: Mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo đang được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân một số huyện ngoại thành TP.HCM. Ảnh: K.H
Chăm sóc cua đơn giản hơn nuôi tôm nhiều, về thức ăn cũng có thể sử dụng vừa thức ăn công nghiệp, vừa tận dụng nguồn cá tạp tại địa phương. Nuôi cua cũng dễ tìm đầu ra hơn so với nhiều loại thủy sản khác tại địa phương hiện nay”. Ông Ngô Ngọc Thành
Huyện Bình Chánh có trên 250km hệ thống sông, kênh, rạch, và có nhiều nguồn nước, vùng nuôi khác nhau thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
Để giúp bà con trong huyện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo. Mô hình được tổ chức tại 2 xã Phong Phú và Đa Phước.
Ông Ngô Ngọc Thành (ngụ ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, sau nhiều vụ mất trắng với con tôm, đầu tháng 3.2016, ông được Trạm Khuyến nông Bình Chánh hỗ trợ tham gia chương trình nuôi cua thương phẩm. Ban đầu, ông cho đặt thử một “bung” cua để thử nghiệm. Sau 4 tháng nuôi, ông nhận thấy cua phát triển tốt đạt kích cỡ trung bình 3 – 4con/kg với giá bán 200.000 đồng/kg, dự kiến hiệu quả kinh tế đạt được sẽ khá cao.
Tại huyện Cần Giờ, từ đầu tháng 7 vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện cũng đã triển khai mô hình “nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo trong khuôn chứa nước làm muối” với quy mô 10.000 con giống/ha. Mô hình được triển khai tại tại Ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Sau gần 4 tháng triển khai, mô hình cho kết quả rất khả quan với tỷ lệ cua sống đạt 40 – 45%, trọng lượng bình quân cua đạt 270 – 300gram/con. Với giá bán từ 180.000 đồng/kg, bà con nông dân có thể đạt lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/ha/vụ.
Dễ nuôi, dễ thắng
Theo các trạm khuyến nông, nuôi cua nhân tạo ít tốn công, dễ chăm sóc, tỷ lệ thành công cao nên mô hình được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới cho nông dân các địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi hội thảo tổng kết mô hình, ông Ngô Ngọc Thành cho biết, con cua sinh sản nhân tạo giúp bà con chủ động hơn trong khâu thả giống. Nguyên nhân là con giống thiên nhiên ngày một khan hiếm và kích cỡ không đồng đều nên khi thả xuống ao sẽ dễ cắn giết lẫn nhau, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.
Ngoài ra, việc chăm sóc con cua nhân tạo cũng ít tốn công hơn, khi cua thiếu thức ăn có thể kết hợp cho ăn thức ăn công nghiệp và một ít cá tạp.
Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Trạm Khuyến nông Cần Giờ cũng cho rằng, mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo. được kỳ vọng giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập nhờ chủ động được nguồn giống từ cua giống sinh sản nhân tạo, nguồn cá tạp thu được trong tự nhiên và tận dụng mặt nước từ khuôn chứa nước làm muối.
Ông Nguyễn Văn Đổi - Chi hội Nông dân ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), nhận định, mô hình giúp bà con nông dân làm muối tại ấp Thiềng Liềng có cơ hội nuôi cua vào mùa mưa, tận dụng thời gian rảnh rỗi khi không thể làm muối. Bên cạnh đó, mô hình không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế, mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản tại xã Thạnh An, Cần Giờ.
Có thể bạn quan tâm
Bên cạnh việc phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN/Dân Việt, xung quanh đề xuất thành lập ngân hàng đất nông nghiệp, vùng ĐBSCL đã có mô hình tích tụ ruộng đất rất hay
Từ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng trăm hộ nghèo và hộ chính sách trên địa bàn xã Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã gây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả