Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ hội với siêu giống mới

Cơ hội với siêu giống mới
Ngày đăng: 30/05/2015

Theo các nhà đầu tư, Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút các dự án nông nghiệp “siêu giống” mới, từ vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đến thổ nhưỡng, thời tiết…

* Đồng Nai có lợi thế phát triển

Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại của Công ty DeKalb (thuộc Tập đoàn Monsanto, Mỹ) - một trong những đơn vị tiên phong đưa giống bắp biến đổi gen vào thị trường Việt Nam, nhận xét: “Về cây bắp, Đồng Nai là thị trường trọng điểm của chúng tôi tại Việt Nam với những lợi thế đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, lâu năm. DN đã hợp tác với nông dân trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Điều rất quan trọng là khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới của nông dân cao”.

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết hiện Công ty SOL Holding (Nhật Bản) đang xúc tiến thủ tục đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất viên nén sinh học pellets và nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol từ cây siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai.

“Trung tâm vừa cho trồng khảo nghiệm giống cây này và hiện hạt đang nảy mầm rất đều. Trung tâm sẽ bố trí từ 5 - 10 hécta đất trồng ổn định lâu dài để làm mô hình hướng dẫn nông dân. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức trồng thử nghiệm 10 mô hình điểm tại huyện Cẩm Mỹ, TX.Long Khánh… với quy mô 5 ngàn m2/điểm. Mục tiêu trong năm 2015 sẽ phát triển 100 hécta và nhân lên khoảng 1 ngàn hécta vào năm 2016 để đáp ứng nhu cầu đầu tư nhà máy chế biến của DN” - ông Sáng cho biết.

Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Công ty cổ phần Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc (NAMSAN) vừa ký kết hợp tác dự án phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu giống cỏ Cực Đông số 6 có vốn đầu tư khoảng 9 triệu USD. Đây cũng là giống cỏ mới của Hàn Quốc, chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc với năng suất và chất dinh dưỡng cao hơn hẳn so với các dòng cỏ làm thức ăn chăn nuôi khác. Chương trình này sẽ hợp tác với nông dân phát triển khoảng 1 ngàn hécta trồng cỏ với quy mô xuất khẩu 100 ngàn tấn/năm.

* Rộng cửa thị trường

Nói về thị trường của cỏ Cực Đông, ông Park Gu Han, Phó giám đốc thường trực Hợp tác xã súc sản các huyện phía Nam của tỉnh Yeongam, cho biết thêm: “Chỉ tính riêng 1 huyện của tỉnh Yeongam đã tiêu thụ khoảng 19 ngàn tấn thức ăn gia súc/năm, nên nhu cầu về dòng sản phẩm này rất lớn. Hiện Hàn Quốc chủ yếu vẫn sử dụng các giống cỏ truyền thống, giá trị dinh dưỡng không cao nên chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi sử dụng sản phẩm mới. Không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có thể sử dụng dòng sản phẩm này cho ngành chăn nuôi trong nước”.

Theo đại diện của Công ty SOL Holding, họ đã có đối tác tiêu thụ sản phẩm viên nén sinh học pellets với sản lượng lớn trong 20 năm tới. Các sản phẩm khác chế biến từ cây siêu cao lương cũng xuất khẩu tốt sang Nhật và nhiều nước khác. Ngoài ra, các DN trong ngành chăn nuôi, chế biến tại Việt Nam cũng rất quan tâm đến dòng nguyên liệu có nhiều ưu thế nổi bật này.

Trong kế hoạch của chủ đầu tư dự án cây siêu cao lương, giai đoạn 1, dự án sẽ phát triển vùng nguyên liệu 1 ngàn hécta và xây dựng 2 nhà máy viên nén sinh học pellets với công suất 45 ngàn tấn/năm và nhà máy sản xuất thức ăn gia súc công suất 30 ngàn tấn/năm. Giai đoạn 2, dự án phát triển vùng nguyên liệu 10 ngàn hécta và xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol. DN cũng sẽ đưa giống siêu cao lương bố mẹ về Việt Nam để sản xuất hạt giống F1.

TS. nông nghiệp Hàn Quốc Choi Jong Kyung, Tổng phụ trách kỹ thuật dự án cỏ Cực Đông số 6, chia sẻ: “Cỏ này rất dễ trồng vì khắc phục được những điểm yếu của các giống cỏ truyền thống khác. Sau khi xem mô hình trồng thử nghiệm tại Đồng Nai, tôi thấy giống cỏ này rất phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của địa phương. Cỏ này trồng tại Hàn Quốc chỉ thu được 1 vụ vào mùa hè, nhưng ở Việt Nam nông dân trồng 1 lần có thể thu 3 vụ, riêng khí hậu ở miền Nam có thể thu đến 4 vụ/năm nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn”.


Có thể bạn quan tâm

Ngô biến đổi gen trên cao nguyên Ngô biến đổi gen trên cao nguyên

Cảm nhận ban đầu của các nông dân trồng ngô tại Mộc Châu với ngô biến đổi gen là nhàn và giảm được chi phí.

11/09/2015
Nuôi cá thát lát bằng thức ăn viên Nuôi cá thát lát bằng thức ăn viên

Nuôi cá thát lát trong vèo lưới cước bằng thức ăn viên chi phí đầu tư khoảng 45 triệu đồng/100 m2 vèo, năng suất trung bình 1,1 tấn/100 m2 vèo giá bán 56.000 đ/kg thu được 61,6 triệu đồng, lợi nhuận gần 17 triệu đồng/vèo/vụ.

11/09/2015
Lúa thu đông thắng lớn Lúa thu đông thắng lớn

Đầu tháng 9 ở ĐBSCL đã có lúa TĐ chín sớm vào mùa gặt. Lúa chắc hạt, vàng óng. Nhiều nông dân vui vì lúa trúng mùa, năng suất cao hơn hẳn vụ HT vừa qua.

11/09/2015
Phát triển lúa chất lượng miền núi phía Bắc Phát triển lúa chất lượng miền núi phía Bắc

Trong khi nông dân ĐBSCL đang loay hoay bởi làm lúa có giá trị thấp, thì khu vực trung du miền núi phía Bắc (MNPB) lại xuất hiện ngày càng nhiều những tổ nhóm làm giàu nhờ SX lúa chất lượng.

11/09/2015
Một huyện quyết giành 75 tỷ vụ đông Một huyện quyết giành 75 tỷ vụ đông

Vụ đông 2015 được dự báo là vụ đông ấm, không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng mà đất trời ban tặng, ngày 8/9, huyện Văn Chấn (Yên Bái) triển khai SX vụ đông, quyết tâm giành 75 tỷ đồng.

11/09/2015