Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Cô gái 9X làm giàu nhờ nuôi cá lồng

Cô gái 9X làm giàu nhờ nuôi cá lồng
Tác giả: Trường Khanh
Ngày đăng: 24/09/2020

Dựa vào nguồn nước của sông Phó Đáy chảy qua, những năm vừa qua, nhiều hội viên nông dân ở xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, chị Ngụy Hồng Cúc, 30 tuổi, ở thôn Đại Lương là một trong những hộ đi đầu trong phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông.

Mỗi năm, trừ chi phí, mô hình nuôi cá lồng của chị Cúc thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Tiếp chúng tôi với nụ cười niềm nở, chị Cúc cho biết: Thời điểm 5 năm trước, cuộc sống gia đình chị rất vất vả. Hai vợ chồng chị mới ra trường chưa có việc làm ổn định, thu nhập không đủ để nuôi con và trang trải cho sinh hoạt của gia đình.

Qua nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, chị Cúc thấy nếu chỉ làm nông nghiệp đơn thuần như vậy thì chỉ đủ ăn, không có điều kiện nâng cao đời sống kinh tế và nuôi các con ăn học.

Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, chị Cúc và các hội viên khác tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, tham quan những mô hình làm kinh tế giỏi.

Nhận thấy ngay tại quê hương Thái Hòa có dòng sông Phó Đáy chảy qua, nguồn nước trong sạch không bị ô nhiễm, đây là một yếu tố quan trọng để phát triển mô hình nuôi cá lồng, vợ chồng chị Cúc quyết định dồn toàn bộ số vốn và vay mượn thêm để đầu tư vào nuôi cá lồng.

Năm 2016, vợ chồng chị Cúc chính thức khởi nghiệp với 6 ô lồng nuôi cá, trong đó có 3 lồng nuôi cá rô phi, 2 lồng cá chép và 1 lồng cá trắm. Thời gian đầu nuôi cá, do kinh nghiệm còn hạn chế, cộng với gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, làm cho cá bị ngạt khí nổi lên mặt nước rồi chết, 1 phần bị nhiễm bệnh. Tổng số thiệt hại lên tới 1/2 số lượng cá thả nuôi. Kết thúc vụ nuôi đầu tiên chị Cúc lỗ 100 triệu đồng.

Qua tích lũy và học hỏi kinh nghiệm, cộng thêm việc tìm hiểu quy luật của dòng chảy, chị Cúc nắm được bí quyết muốn cá phát triển tốt không chỉ cần cung cấp đủ thức ăn mà quan trọng hơn là phòng, trị bệnh cho chúng.

Phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết với mong ước phải làm giàu trên chính quê hương, vợ chồng chị Cúc tiếp tục đầu tư vụ thứ 2. Sau khi nhận ra những thiếu sót trong khâu chăm sóc cá, năm 2017, vợ chồng chị Cúc mời chuyên gia thủy sản về hỗ trợ; được nhận vào làm nông hộ của kênh truyền hình VTC 16, từ đó, chị Cúc được tư vấn cách nuôi cá bài bản, giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.

Cùng thời điểm đó, vợ chồng chị Cúc mạnh dạn đầu tư thêm 2 ô lồng, nâng tổng số lồng nuôi lên 8 ô. Chị Cúc còn tận dụng đất xung quanh để trồng 3 mẫu cỏ nuôi cá, sau đó chuyển dần sang nuôi cá trắm cỏ để giảm bớt lượng thức ăn tinh bột. Kết thúc vụ nuôi thứ 2 với tổng doanh thu 1 tỷ đồng, gia đình chị Cúc có lợi nhuận 350 triệu đồng.

Nối tiếp thành công đạt được, chị Cúc còn nuôi thêm một số loại cá đặc sản như cá lăng, cá trắm đen và ếch thương phẩm, phục vụ nhu cầu cho thị trường địa phương và địa bàn lân cận. Đến nay, với doanh thu gần 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, chị Cúc thu lãi khoảng 450 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, chị Cúc còn làm Trưởng ban công tác mặt trận và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đại Lương. Chị Cúc luôn tích cực tham gia và thực hiện tốt các hoạt động của hội; tham gia đóng góp xây dựng tổ chức hội vững mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc” đạt được hiệu quả

21/09/2020
Dụng cụ nuôi trồng - nguồn lây truyền mầm bệnh cho tôm cá Dụng cụ nuôi trồng - nguồn lây truyền mầm bệnh cho tôm cá

Một vài chú ý về hiểm họa mà những vật dụng tưởng như bình thường có thể gây ra cho tôm cá.

22/09/2020
Một khởi đầu đầy hứa hẹn dành cho công nghệ mới xử lý ký sinh trùng gây bệnh amip mang cá Một khởi đầu đầy hứa hẹn dành cho công nghệ mới xử lý ký sinh trùng gây bệnh amip mang cá

Một khởi đầu đầy hứa hẹn dành cho công nghệ mới xử lý ký sinh trùng gây bệnh amip trên mang cá (AGD)

22/09/2020