Có của ăn của để nhờ trồng rau VietGAP
Xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) là một trong những xã nông thôn mới nổi tiếng về sản xuất rau ăn quả và rau ăn lá, với sự phát triển mạnh của Tổ rau VietGAP ở ấp Trung Hiệp Thạnh.
Có của ăn của để nhờ trồng rau VietGAP
Ở đây hầu như hộ nào cũng dành một phần diện tích để trồng rau, nhà ít thì chục mét vuông, nhà nhiều cả hécta, như hộ anh Ngô Văn Lâm đã dành hơn 1ha đất trồng rau VietGAP (ảnh) và đã trở thành một trong những thành viên của tổ rau nói trên. Qua đó, anh Lâm đã được Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ một máy xới đất để hỗ trợ hoạt động sản xuất. Khi được hỏi về việc trồng rau an toàn, anh Lâm cho biết: “Bây giờ, trồng rau an toàn theo hướng VietGAP thu nhập cao gấp 2 - 3 lần làm lúa và ổn định hơn trồng rau thủ công”.
Anh Lâm kể, lúc trước gia đình chủ yếu trồng lúa và luân canh rau màu theo thời vụ, thấy loại nào giá cao thì trồng ngay loại đó và sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, các công đoạn cũng đều làm theo thủ công. Trong khi đó, đầu ra sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, các chợ đầu mối, bởi vậy giá cả bấp bênh, không ổn định.
Vào cuối năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi (thuộc Trung tâm Khuyến nông TPHCM) khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp với yêu cầu sản xuất, tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích đánh giá điều kiện đất, nước… của các hộ nông dân để hoàn thành thủ tục chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Kết quả khảo sát cho thấy ấp Trung Hiệp Thạnh đủ điều kiện làm điểm sản xuất rau an toàn VietGAP. Vì thế, Tổ rau Trung Hiệp Thạnh được thành lập và anh Ngô Văn Lâm là một trong những thành viên tích cực của tổ rau.
Thông qua tổ rau, anh Lâm được học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng rau trong tổ, được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về những chuyên đề trồng rau do Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức... Sau những buổi giao lưu, học tập, anh Lâm chọn lọc những kiến thức, kỹ thuật phù hợp với mình để thực hiện và kết quả hộ anh là một trong những hộ thành công với trồng rau VietGAP.
Chính những thuận lợi đó đã đưa anh Lâm đến quyết định chuyển hơn 1ha đất lúa sang chuyên canh trồng rau an toàn, với những cây chủ lực là bầu, bí, dưa leo, khổ qua... Từ đó đến nay, anh Lâm trồng luân phiên quanh năm và cứ thế mỗi ngày anh cung cấp cho các hợp tác xã mua rau từ 100kg - 120kg sản phẩm, những ngày cao điểm lên đến 170kg - 180kg. Sau khi trừ chi phí, anh Lâm thu lãi về cho gia đình khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Anh Lâm phấn khởi cho biết, trồng rau VietGAP lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng rau theo thời vụ. Bởi khi tham gia tổ rau, các thành viên được tham quan, tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, nắm bắt danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng trên rau do Bộ NN-PTNT ban hành.
Đồng thời, sản phẩm rau của các hộ trong tổ được các đơn vị thu mua ký hợp đồng rõ ràng. Hiện các hộ trong Tổ rau Trung Hiệp Thạnh được Hợp tác xã Nhuận Đức và Hợp tác xã Phú Lộc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ khâu bắt đầu trồng đến thu hoạch, nên giá cả ổn định, tạo tâm lý an toàn cho người trồng rau. Nhờ trồng rau VietGAP mà kinh tế gia đình anh Lâm khá hẳn lên, có của ăn của để, nuôi con cái học hành, sắm sửa nhiều trang thiết bị cho nhà cửa và không còn lo sợ giá cả bấp bênh như trước đây.
Có thể bạn quan tâm
Trồng cây trên giá thể hữu cơ, canh tác trong nhà màng. Tất cả các nguyên vật liệu được tận dụng triệt với chi phí thấp để có thể dễ dàng chuyển giao
Với 3 ha đất sản xuất, gia đình anh Lê Văn Cao thu lời hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ cách làm kinh tế vườn - ao - chuồng khép kín.
Việc đưa ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là rất cần thiết, nhất là giải pháp giảm rủi do trong sản xuất nông nghiệp.