Cơ cấu thêm giống lúa mới cho vụ thu mùa
Trước nguy cơ thiếu giống vụ thu mùa năm 2021, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các địa phương cơ cấu thêm các giống mới.
Vụ thu mùa 2021 tại Thanh Hóa được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn do nguy cơ thiếu nguồn lúa giống và giá vật tư đầu vào tăng cao. Ảnh: Võ Dũng.
Vụ thu mùa năm 2021, Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng trên 158.000ha, sản lượng lương thực đạt 658.000 tấn, tổng thu nhập sản xuất ngành trồng trọt trên 6.200 tỷ đồng. Trong đó, diện tích lúa 115.000ha, năng suất 52 tạ/ha, ngô 14.000ha, năng suất 43 tạ/ha, lạc 1.000ha, năng suất 20 tạ/ha.
Tại Hội nghị triển khai phương án sản xuất vụ thu mùa 2021 diễn ra sáng 23/4, Sở NN-PTNT Thanh Hóa nhận định, vụ xuân 2021 có thể thu hoạch sớm hơn từ 7-10 ngày nên sẽ tạo quỹ đất để gieo trồng vụ mùa cũng như xây dựng định hướng kế hoạch sản xuất vụ đông.
Thời điểm này, giá nông sản đang có xu hướng ổn định và tăng hơn các vụ trước sẽ kích thích các doanh nghiệp, HTX cũng như nông dân mở rộng quy mô và chủng loại sản phẩm trồng trọt, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan, giá vật tư đầu vào có xu hướng tăng và khan sẽ là ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nông dân.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Thaibinhseed cho rằng, nguồn cung giống lúa thời điểm này rất căng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang đưa thêm các giống mới phục vụ bà con nông dân và nỗ lực để bình ổn giá.
“Vụ mùa năm trước thu hoạch gặp mưa ở nhiều vùng nên lượng giống dự trữ của các doanh nghiệp khan hiếm. Bên cạnh đó, một lượng giống không nhỏ đã hỗ trợ các vùng thiên tai tại miền Trung. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị thêm một số giống mới đã được công nhận và sẽ ưu tiên cho khu vực miền Trung”, ông Trần Mạnh Báo cho hay.
Còn đại diện Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, giá phân bón đang tăng từ 10-15%. Nguyên nhân là do nguyên liệu đầu vào nhập khẩu vừa tăng giá nhưng lại khan hiếm do dịch covid-19. Trước tình hình này, Tiến Nông đang tập trung ưu tiên cung ứng phân bón cho khu vực miền Trung, vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai trong năm 2020.
Cơ cấu thêm các giống lúa mới gieo trồng vụ thu mùa 2021
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, các địa phương cần cơ cấu thêm các giống đã được công nhận lưu hành, qua khảo nghiệm sinh thái, có tiềm năng và có thị trường tiêu thụ tốt, đồng thời quy hoạch, bố trí các trà giống thành từng vùng để thực hiện các biện pháp thâm canh và quản lý sâu bệnh, mỗi cánh đồng cơ cấu 1-2 giống. Trên cơ sở kế hoạch chung của toàn tỉnh, trong vụ thu mùa 2021, Thanh Hóa tiếp tục chuyển đổi cơ cấy cây trồng, cơ cấu giống phù hợp, chọn bộ giống đảm bảo tiêu chuẩn, có thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt để đưa vào gieo trồng. Riêng đối với cây lúa, do khung thời vụ đến sớm và không eo hẹp nên các địa phương cần mở rộng diện tích cấy trà sớm, hạn chế tối đa trà muộn.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu đến năm 2025, Điện Biên sẽ đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực với quy mô 11.000 ha, phấn đấu xây dựng một nhà máy chế biến hạt mắc ca.
Thời gian gian gần đây, OM 468 đã có mặt ở ĐBSCL, đây là giống lúa mới, sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL và ThaiBinh Seed.
Dabaco Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân điển hình đã đầu tư và gặt hái thành công từ giống gà lông màu bản địa nhờ ứng dụng tiến bộ di truyền của thế giới.