Chuyện Ngư Dân Cổ Phần
Tham gia cổ phần với doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản để khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương - chuyện tưởng chỉ có trong mơ của ngư dân miền Trung - lại đang được triển khai thí điểm. Đây là cơ hội lớn để ngư dân Việt Nam chuyển mình, thay đổi cách làm nhằm nâng cao lợi nhuận.
Tiềm năng nhiều, hiệu quả ít
Việt Nam là nước có trữ lượng hải sản dồi dào, trong đó có mặt hàng cá ngừ đại dương (CNĐD) rất được thị trường Nhật ưa chuộng, do đó đã có nhiều doanh nghiệp tìm cơ hội kinh doanh lĩnh vực này. Nhưng hiện chỉ khoảng 20% CNĐD đạt chất lượng xuất sang Nhật.
Theo thống kê, Việt Nam xuất khẩu CNĐD nhiều nhất chỉ đạt 560 triệu USD/năm, nhưng nếu cá được bảo quản tốt về chất lượng, xuất theo dạng sashimi (cá tươi, dùng để ăn sống) thì giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 1,5 tỷ USD/năm. Năm 2013, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại các tỉnh Nam Trung bộ dù tăng nhưng giá rớt thảm nhất trong vòng 10 năm qua, có lúc dưới mức 40.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chủ yếu do bị thương lái ép giá, bởi chính thương lái là người có quyền phán quyết chất lượng cá - vấn đề then chốt để quyết định giá mua. Vậy nên, ngư dân khó có quyền mặc cả về giá, một khi họ không tự quyết về chất lượng cá.
Theo đánh giá của Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về CNĐD, nguyên nhân CNĐD Việt Nam có chất lượng thấp do khâu bảo quản và lộ trình đánh bắt không hợp lý. Ngư dân Việt Nam luôn dùng cách truyền thống để xử lý sau khi câu, như việc dùng gậy đập cá chết trước khi cho vào khoang đông lạnh sẽ làm cá bị tổn thương.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về cá ngừ, khi cá mắc câu cần dùng hệ thống điện làm tê, ngất cá; sau đó đưa lên bờ dùng dao, thiết bị chuyên dụng chọc tiết, chọc não, chọc tủy sống, moi lấy hết ruột, cắt vây đuôi... và đưa vào hầm lạnh chuyên biệt.
Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc dự án phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững của Tập đoàn Yanmar, cho biết nếu ngư dân Việt Nam chủ động thay đổi cách làm, sử dụng công nghệ vào khai thác thì nguồn lợi từ CNĐD mang lại cao gấp nhiều lần. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các mẫu tàu gỗ truyền thống không đáp ứng được việc xây dựng các hầm lạnh bảo quản đúng quy cách. Thời gian bám biển của tàu này ngắn ngày nhưng chi phí lại cao.
Ngư dân được cổ phần hóa
Hiện nay, Tập đoàn Yanmar đã hạ thủy chiếc tàu cá vỏ composite đầu tiên để đưa vào khai thác thí điểm. Theo kế hoạch, phía Yanmar sẽ được triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với 180 chiếc, mục tiêu nâng cao thu nhập cho ngư dân Việt Nam bằng cách giảm chi phí đánh bắt bằng phương tiện, công nghệ hiện đại và tăng giá bán khi cá được nâng cao chất lượng.
Đây là mẫu tàu đã sử dụng nhiều ở Nhật, có khả năng tiết kiệm tới 30% nhiên liệu so với tàu vỏ gỗ truyền thống cùng kích cỡ ở Việt Nam.
“Hầu hết các loại CNĐD của Việt Nam đều đạt chuẩn xuất khẩu dạng sashimi. Nhưng nay chỉ có 20% được xuất dạng này, do đó, đây là cơ hội lớn của ngư dân Việt Nam trong việc hợp tác với phía công ty Nhật”, ông Yukio Kikuchi khẳng định.
Không chỉ ngư dân Việt Nam được tiếp cận công nghệ từ Nhật Bản, mà còn được tham gia cổ phần. Để tạo dựng niềm tin giữa các bên tham gia cần phải có đơn vị chủ trì, tức một công ty cổ phần đánh cá.
Theo đó, những đối tác của Yanmar cam kết sẽ đầu tư 50% tiền mặt vào con tàu, ngư dân đóng 50% giá trị còn lại theo hình thức góp cổ phần, mỗi người sẽ là chủ nhân của con tàu đó và lái ra khơi khai thác sau khi đã được đào tạo thành một người đánh cá chuyên nghiệp từ trường học và công nghệ Yanmar cung cấp. Sản phẩm khai thác được sẽ xuất qua thị trường Nhật với giá cao, khoảng 12 USD/kg. Sau khi trừ cước vận tải hàng không, công ty cổ phần đánh cá sẽ chia đều lợi nhuận đó cho các bên.
Theo Yanmar, để dự án này hiệu quả, ngư dân Việt Nam nên hình thành mô hình tổ đội, khoảng 5 chiếc tàu một tổ để gắn kết trách nhiệm, hạn chế rủi ro khi ra khơi xa. Nếu mô hình thành công, ngư dân có thể mua 50% cổ phần còn lại để sở hữu 100% giá trị tàu cũng như công nghệ khai thác.
Tuy mô hình của Yanmar mới triển khai thí điểm, nhưng theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), mô hình này rất được tổng cục ủng hộ, mong muốn phía Yanmar sớm triển khai.
Ngư dân Mai Thành Phúc (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) cho biết, khi nghe qua mô hình của Yanmar, ngư dân rất ngỡ ngàng, nhưng xét kỹ, thì thấy mô hình này khả thi. “Ngư dân mình đang sống nhờ những nghề truyền thống, nhưng các nước giàu như Nhật đã áp dụng công nghệ và thành công, vậy sao mình không theo?”, ông Phúc chia sẻ.
Đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa có 51 tàu được ngư dân đăng ký đóng mới theo Nghị định 67, nhưng số lượng tàu composite chiếm đến 33 chiếc. Như vậy, nhiều ngư dân đang hướng đến tàu composite và hướng đến mô hình như Yanmar.
Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Giá tàu composite khoảng 6 tỷ đồng/chiếc, nhưng đóng từng lô vài chiếc thì có giá tương đương tàu gỗ, khoảng 3 - 4 tỷ đồng/chiếc. Vì thế, phía tỉnh rất ủng hộ mô hình của Yanmar. Trước mắt, Khánh Hòa sẽ tổ chức thí điểm vài chiếc, sau đó đánh giá kết quả mới xác định lộ trình đầu tư rõ ràng.
"Cá ngừ đại dương có thời điểm giá chỉ bằng con cá nục đánh bắt ven bờ thì nghịch lý quá. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, thương hiệu loại cá này sẽ tan như bọt biển" - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Thiên Lăng.
Có thể bạn quan tâm
Đối với phần đông đồng bào dân tộc, làm đủ ăn đã là khó, thế nhưng với Rơ Lan Byil ở làng H’lú, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (Gia Lai) thì thoát nghèo là “chuyện nhỏ”. Ông là gương mặt nổi trội ở làng Hlú biết cách làm giàu trên mảnh đất mà ai cũng kêu khó…
Phú Yên hiện có 105 cơ sở sản xuất giống thủy sản với các qui mô khác nhau, phân bố khá đều tại ba khu vực: huyện Đông Hòa (30,5%), thành phố Tuy Hòa (34,3%) và thị xã Sông Cầu (35,2%). Trong đó, đối tượng sản xuất chính vẫn là tôm chân trắng (27 cơ sở), tôm sú (29 cơ sở). Ngoài ra còn có các cơ sở sản xuất giống cua (09 cơ sở), ốc hương (17 cơ sở) và đối tượng khác 02 cơ sở.
Những năm qua, tình trạng chặt phá điều để chuyển đổi cây trồng khác diễn ra phổ biến tại các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước, khiến cây điều dần dần mất lợi thế.
Mô hình có diện tích 0,3 ha, mật độ thả 3 con/m2 do hộ ông Đinh Quang Hùng ở xã Hưng Lộc - Tp Vinh thực hiện. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 40% con giống, 40 % thức ăn.
Sắn dây là một loại cây dây leo. Nó có thể sống lâu năm. Nó thường leo lên để chiếm lĩnh đỉnh cao. Khi mọc cạnh một cây cao, nó sẽ leo lên tới tận ngọn của cây đó. Ta thường thấy, nó bám vào các dây thu lôi rồi leo lên tận mái nhà. Nó có thể dài tới hơn 10m. Lá kép, mọc so le.