Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chuyển đổi thành công đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn

Chuyển đổi thành công đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn
Tác giả: Vũ Đình Thung
Ngày đăng: 20/08/2021

Các tỉnh Nam Trung Bộ đã chuyển đổi thành công đất lúa kém hiệu quả sang hàng loạt cây trồng cạn.

Mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối trong vụ hè thu 2021 tại xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, mục tiêu của Dự án Xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số tỉnh Nam Trung bộ là thực hiện chuyển đổi một số diện tích chân đất lúa nguy cơ khô hạn cao trong vụ hè thu sang trồng các cây trồng cạn như lạc, vừng và cây thức ăn gia súc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua 2 năm triển khai, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (đơn vị chủ trì) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và các địa phương để triển khai các hoạt động của dự án.

Trong năm 2020, dự án đã xây dựng 7 mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước ở vụ hè thu sang các loại cây lạc, vừng và ngô sinh khối với quy mô 90ha. Trong đó, cây lạc có 30ha cho năng suất đạt trên 2 tấn/ha; cây vừng 20ha cho năng suất trên 1 tấn/ha và ngô sinh khối 40ha cho năng suất đạt trên 35 tấn/ha.

Theo điều chỉnh của Bộ NN-PTNT, dự án xây dựng 6 mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước ở vụ hè thu sang các cây trồng cạn lạc, vừng và ngô sinh khối với quy mô 41ha. Trong đó cây lạc 20ha, năng suất đạt trên 2 tấn/ha; vừng 15ha, năng suất đạt trên 1 tấn/ha và ngô sinh khối 6ha, năng suất đạt trên 35 tấn/ha.

Dự án đã cho thấy thành công mỹ mãn, điển hình như mô hình chuyển đổi canh tác 2 vụ lúa sang sản xuất 1 vụ lúa đông xuân và 1 vụ lạc hè thu tại Quảng Nam và Bình Định; mô hình chuyển đổi canh tác 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa đông xuân và 1 vụ vừng vụ hè thu tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; hoặc mô hình chuyển đổi canh tác 2 vụ lúa sang sản xuất 1 vụ lúa đông xuân và 1 vụ ngô sinh khối vụ hè thu được tổ chức 3 năm liên tục trên 1 đơn vị diện tích gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại Bình Định.

Bước sang năm 2021, tính đến tháng 8, đơn vị chủ trì tiếp tục triển khai dự án trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với diện tích 90 ha. Trong đó, triển khai tại tỉnh Bình Định 55 ha với 3 mô hình, Quảng Ngãi 20 ha với 2 mô hình và Quảng Nam 15 ha với 2 mô hình.

Hiện nay, ngoài mô hình chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh sang trồng lạc tại xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) và một số diện tích chuyển đổi sang trồng ngô tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) chưa thu hoạch, các mô hình còn lại đều đã thu hoạch và cho thấy kết quả khả quan.

Những mô hình mà dự án tiếp tục triển khai từ đầu năm 2021 đến nay cũng đã cho kết quả vượt kỳ vọng của đơn vị chủ trì. Ví như mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng lạc tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho năng suất thực thu đạt 39,3 tạ/ha, tăng 96,5% so với mục tiêu của dự án là 20 tạ/ha.

Mô hình tại xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), cho năng suất thực thu đạt 29,4 tạ/ha, tăng 47,0% so với mục tiêu của dự án là 20 tạ/ha. Mô hình tại xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lạc đang ở giai đoạn hình thành quả non, cây đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh; dự kiến cho năng suất cao, đảm bảo mục tiêu của dự án đề ra.

Hoặc như mô hình chuyển đổi sang trồng vừng tại xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho năng suất thực thu đạt 8,5 tạ/ha; mô hình tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho năng suất thực thu đạt 10,7 tạ/ha; mô hình tại xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho năng suất thực thu đạt 10,3 tạ/ha; mô hình tại xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho năng suất thực thu đạt 8,1 tạ/ha.

Những mô hình chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối cũng đạt hiệu quả cao không kém. Ví như mô hình tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định) năng suất đạt 50,6 tấn/ha, tăng 44,6% so với mục tiêu của dự án 35 tấn/ha; mô hình tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã thu hoạch 7/20 ha, năng suất ngô sinh khối đạt 49,5 tấn/ha, tăng 41,4% so với mục tiêu của dự án (35 tấn/ha).

Trong 2 năm qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng đơn vị chủ trì và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam đã dốc lực nên dự án được thực hiện suôn sẻ.

Riêng năm 2021, tính đến tháng 8 dự án đã thực hiện được 100% số mô hình, số điểm mô hình, diện tích mô hình và số lớp tập huấn cho các hộ nông dân tham gia.

Các mô hình đều được triển khai đúng khung thời vụ ở từng địa phương. Công tác tập huấn nhân rộng mô hình, hội nghị đầu bờ và hội nghị vùng sẽ được triển khai trong thời gian tới khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, cũng như đến thời điểm các mô hình ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch để thuận lợi cho nông dân tham quan, đánh giá các mô hình.


Có thể bạn quan tâm

Robot nông nghiệp - lĩnh vực đang bùng nổ Robot nông nghiệp - lĩnh vực đang bùng nổ

Các nhà sản xuất robot làm cỏ cho biết máy có thể giảm sử dụng thuốc trừ sâu và là một phần của hệ thống thực phẩm bền vững hơn.

17/08/2021
Lợi ích kép từ hệ thống tưới sạch cho cây chè Lợi ích kép từ hệ thống tưới sạch cho cây chè

Hệ thống tưới nước sạch tiết kiệm bằng van xoay đã góp phần tiết kiệm công lao động, tăng năng suất cho người trồng chè ở Đại Từ (Thái Nguyên).

20/08/2021
OM468, 'ngôi sao' mới vùng ĐBSCL OM468, 'ngôi sao' mới vùng ĐBSCL

Qua nhiều vụ trồng thử nghiệm giống OM468 ở các tỉnh ĐBSCL, cho thấy giống có ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn 90 – 95 ngày, thích hợp sản xuất 3 vụ/năm.

20/08/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.