Chuối tây trên đất đồi cằn - dễ trồng mà lãi cao
"Cây chuối cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô mà cũng ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc, nhanh được thu hoạch hơn so với cây keo rất nhiều nên bà con xã Thanh Vận ai cũng thích trồng chuối”.
Ông Nông Văn Vịnh
Gia đình bà Triệu Thị Phượng (dân tộc Dao) là một trong những hộ tiên phong tham gia dự án trồng chuối Tây ở thôn Khuổi Đác, xã Mai Lạp.
Từ một trong những hộ nghèo nhất thôn, nhờ mạnh dạn trồng chuối tây trên đất đồi cằn, gia đình bà đã thoát nghèo.
Bình quân mỗi năm, cây chuối tây mang lại cho gia đình bà hơn 40 triệu đồng.
Bà Phượng chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm để lại cho tôi một nách 3 đứa con nhỏ, đứa út mới 3 tháng tuổi, mẹ con tôi thường xuyên rơi vào cảnh “đói đứt bữa”.
Năm 2011, được dự án hỗ trợ 200 gốc chuối, tôi “bén duyên” với cây chuối tây từ đây.
Tuy trồng trên đất đồi khô cằn nhưng chuối tây phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc.
Hiện, tôi đã mở rộng diện tích trồng chuối lên 1,3ha với hơn 1.000 gốc chuối”.
Nhận thấy các hộ xung quanh đang khó khăn về nguồn giống chuối tây, bà Phượng đã hỗ trợ cây giống có chất lượng cho hàng chục hộ nghèo.
Với những kiến thức học được từ các lớp tập huấn, bà Phượng còn trực tiếp xuống tận vườn hướng dẫn thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch cho từng hộ.
Mới đây, bà Phượng được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng nhóm sở thích trồng chuối thôn Khuổi Đác.
Ở xã Thanh Vận, gia đình ông Nông Văn Vịnh (dân tộc Tày) cũng đã chuyển 1,5ha ngô, keo sang trồng chuối từ 6 năm nay.
Ông Vịnh tính toán, 1,5ha trồng keo phải sau 7 năm mới cho thu hoạch được khoảng 60 triệu đồng.
Tuy nhiên cũng diện tích ấy, từ ngày trồng chuối năm nào ông Vịnh cũng bán được từ 35 - 45 triệu đồng, sau 7 năm thu được hơn 200 triệu đồng, tính ra gấp 3 - 4 lần so với trồng keo.
Xây dựng thương hiệu “Chuối tây Bắc Kạn”
Bà Trần Thị Kim Liên – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới cho biết, với điều kiện đất đai khô cằn như ở địa bàn huyện Chợ Mới thì chuối tây là cây trồng chống chịu hạn tốt hơn so với các loại cây khác.
Trong 5 - 6 năm trở lại đây, mô hình trồng chuối tây ở địa phương phát triển khá mạnh.
Từ vài chục ha ban đầu, đến nay toàn huyện đã có gần 700ha chuối tây, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Thanh Vận (hơn 300ha) và Mai Lạp (hơn 40ha).
Từ năm 2011, để hỗ trợ bà con trồng chuối bài bản, tăng năng suất cũng như cải thiện thu nhập, Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới đã phối hợp cùng Tổ chức Care, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC) mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng chuối và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành các tổ, nhóm liên kết sản xuất.
Theo đó, các tổ, nhóm này đã được tập huấn về kỹ năng quản lý nhóm, nâng cao năng lực và kỹ thuật trồng chuối.
Đánh giá về vai trò của cây chuối tây, ông Hồ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm ADC cho hay, cây chuối tây có thể phát triển tốt ở vùng đất thấp và cả vùng đồi cao.
Nếu đảm bảo tổ chức sản xuất tốt và tiêu thụ rộng rãi thì cây chuối sẽ trở thành một trong những giải pháp sinh kế quan trọng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chợ Mới.
Đây là cây bản địa, nguồn giống sẵn có, kỹ thuật trồng dễ dàng, thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu...
“Để đầu ra chuối tây thuận lợi, thời gian tới trung tâm sẽ liên kết với các tổ, nhóm nông dân trồng chuối Tây ở Chợ Mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu “Chuối tây Bắc Kạn” - ông Sơn cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 16.8, đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, đồng thời đi tham quan mô hình trang trại tổng hợp làm kinh tế giỏi tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An); và thăm quan Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An.
Người dân miền núi Tân Kỳ gọi cóc là “rạc rạc”. Sau mỗi trận mưa đêm, bà con nơi đây lại rủ nhau đi bắt cóc về chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, cóc là loài có độc tố ở da, mật, nên việc săn bắt cũng như làm thịt mang lại nhiều nguy cơ đối với con người.
Nếu những trái việt quất xanh đen thường thấy được coi là những viên "kim cương xanh" cho sức khỏe con người thì những trái bạch việt quất với sắc trắng lạ mắt lại là loại quả được sử dụng thường xuyên để chế biến các món tráng miệng trong các nhà hàng ở Úc.