Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chuỗi liên kết trồng mắc ca hữu cơ

Chuỗi liên kết trồng mắc ca hữu cơ
Tác giả: Minh Hậu
Ngày đăng: 20/01/2022

Mô hình liên kết sản xuất mắc ca hữu cơ được thực hiện tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) dự kiến có 30 tấn sản phẩm sẽ ra thị trường trong thời gian tới.

Mắc ca hữu cơ đến nay phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Nhằm nâng cao giá trị cho cây mắc ca, thời gian qua, Công ty Mắc ca Việt ở xã Hòa Trung (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phát triển mô hình mắc ca hữu cơ trên diện tích 5ha.

Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ phụ trách chương trình mắc ca hữu cơ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng) cho hay: Trung tâm đã hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ về kỹ thuật và phối hợp với các đơn vị khác để tư vấn, giúp Công ty Mắc ca Việt xây dựng mô hình.

Đối với mô hình mắc ca hữu cơ tại Công ty Mắc ca Việt, quá trình sản xuất hữu cơ được thực hiện bài bản và nghiêm ngặt. Tại đây, các vườn cây được tạo vùng đệm rộng lớn với khu vực dân cư, khu vực sản xuất thông thường của người dân. Để tiết kiệm chi phí, người dân cũng thực hiện phương pháp tự ủ phân bón bằng các phụ phẩm nông nghiệp. Các vườn mắc ca được duy trì cỏ để giữ độ ẩm cho đất, tạo hệ vi sinh vật giúp cây phát triển.

"Trước đây, chúng tôi thường triệt hết cỏ ở nền vườn nên nền vườn thường xảy ra khô, nứt nẻ về mùa nắng. Từ khi áp dụng quy trình hữu cơ, chúng tôi chỉ cắt cỏ ở một mức độ nhất định và dùng cỏ làm thảm giữ ẩm, giữ hệ sinh thái cho vườn. Chính vì vậy, Lâm Đồng đã bước vào mùa khô nhưng nền vườn vẫn ẩm ướt, đất tơi xốp giúp mắc ca phát triển tốt", ông Lưu Quốc Chính, Giám đốc Công ty Mắc ca Việt cho biết.

Đến nay, sau gần 1 năm áp dụng quy trình hữu cơ, toàn bộ diện tích mắc ca trên 5ha phát triển mạnh, năng suất được duy trì. Cây được chăm sóc kỹ lưỡng, sâu bệnh hại được khống chế tốt nên cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ hoa đậu trái cao. Đặc biệt, nhân đạt chuẩn cũng cao hơn so với trước đây.

Cũng theo ông Lưu Quốc Chính, hiện nay, thị trường đang có sự thay đổi trong việc lựa chọn sản phẩm. Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng hàng chất lượng cao, nông sản hữu cơ để bảo vệ sức khỏe. Do vậy, đây là cơ hội để mắc ca hữu cơ hướng đến thị trường.

Ông Chính cho biết: "Thực hiện mô hình hữu cơ bước đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng sau 1 năm thực hiện, mọi thứ đã ổn thỏa. Việc sản xuất mắc ca hữu cơ không những làm ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng mà chính bản thân người làm vườn cũng khỏe do không tiếp xúc các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại".

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hiện nay Công ty Mắc ca Việt sản xuất 5ha mắc ca hữu cơ và liên kết với hàng chục hộ dân khác xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 20 ha. Dự kiến trong năm nay, mô hình mắc ca hữu cơ của doanh nghiệp này sẽ đạt các tiêu chuẩn để đạt chứng nhận.

Theo ông Lưu Quốc Chính, Công ty dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm mắc ca hữu cơ vào năm 2023. Dựa trên chi phí đầu vào và xu thế thị trường, dự kiến mỗi kg mắc ca hữu cơ sẽ được Công ty Mắc ca Việt bán với giá trên 400.000 đồng/kg. Khi nguồn sản phẩm đủ lớn, đạt các tiêu chuẩn về hữu cơ, doanh nghiệp này hướng đến đẩy mạnh thị trường trong nước, xuất khẩu.

Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ phụ trách chương trình mắc ca hữu cơ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng) cho biết hiện nay, Công ty Mắc ca Việt đã đứng ra liên kết với hàng chục hộ dân trong vùng để sản xuất mắc ca hữu cơ. Công ty này hiện cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong chuỗi liên kết với giá trên 100.000 đồng/kg. Đây là mô hình hiệu quả, có nhiều triển vọng trong nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay, song song với việc hỗ trợ xây dựng mô hình mắc ca hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cũng hướng đến hỗ trợ Công ty Mắc ca Việt trong việc tổ chức các hội thảo, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.

Về phần Công ty Mắc ca Việt, đơn vị này đang vừa đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu, nâng cao năng lực chế biến để đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao. Doanh nghiệp này hiện cũng thực hiện việc mở rộng thị trường để đưa sản phẩm mắc ca hữu cơ trong năm 2022 - 2023. Đối với sản phẩm mắc ca truyền thống, doanh nghiệp này đang có được đầu ra ổn định với các đối tác trong nước, cung ứng cho các chuỗi siêu thị và phát triển kênh bán hàng cho khách du lịch.


Có thể bạn quan tâm

Canh tác hiệu quả cây xoài Đài Loan Canh tác hiệu quả cây xoài Đài Loan

Xoài Đài Loan là cây trồng phổ biến có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều nơi, nhất là vùng ĐBSCL.

17/01/2022
Trồng lúa hữu cơ, thắng lớn từ tôm cua Trồng lúa hữu cơ, thắng lớn từ tôm cua

Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Đông Dương (Quảng Bình) năm nay mở rộng diện tích mô hình sản xuất gạo sạch hữu cơ và nuôi tôm, cua đem lại thắng lợi lớn.

17/01/2022
Giống ngô NK7328 phù hợp cho trồng ngô sinh khối Giống ngô NK7328 phù hợp cho trồng ngô sinh khối

Vụ đông 2021, trên 200 hộ dân xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) trồng 40 ha ngô sinh khối, giống NK7328. Mô hình cho năng suất và hiệu quả kinh tế

18/01/2022