Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Chủ động phòng, chống sâu bệnh hại lúa mùa

Chủ động phòng, chống sâu bệnh hại lúa mùa
Tác giả: Thúy Phượng
Ngày đăng: 20/05/2019

Hiện nay, bệnh đạo ôn lây nhiễm ở mức độ nhẹ, đã được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật, phòng, trừ sâu bệnh kịp thời.

Nông dân Mường Khương phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 20.000 ha lúa. Hiện, trà lúa mùa sớm vùng cao đã bắt đầu trổ bông, ngậm sữa, trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Riêng diện tích lúa mùa vùng thấp trà muộn đang bén rễ, nông dân tiến hành làm cỏ, bón phân đợt một. Trà mùa sớm vùng thấp đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ.

Những ngày qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng La Nina, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài diện rộng đan xen với những đợt nắng nóng. Mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh hại lúa phát sinh gây hại trên lúa mùa. Cụ thể, diện tích lúa mùa vùng cao, một số sâu bệnh như bệnh rầy nâu, bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại trên một số diện tích. Đầu tháng 8, diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá 112 ha, diện tích nhiễm đạo ôn cổ bông 8 ha (nhiễm từ 3% - 5% bông), bệnh bạc lá diện tích nhiễm 30 ha tập trung chủ yếu tại các huyện vùng cao như Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà. Ngay sau khi phát hiện sâu bệnh hại lúa mùa, người dân đã phun thuốc phòng, trừ và tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời không để phát sinh thành dịch.

Chị Nông Thị Hỏi, thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin (Mường Khương) cho biết: “Sau đợt mưa vừa qua, tôi kiểm tra đồng ruộng phát hiện một số diện tích lúa của gia đình nhiễm bệnh đạo ôn. Ngay sau đó, tôi đã mua thuốc về phun toàn bộ diện tích lúa để phòng, trừ bệnh. Những gia đình có ruộng lân cận bị nhiễm bệnh cũng đã phun thuốc để tránh lây lan, gây mất mùa vì lúa đang trong giai đoạn trổ bông”.

Hiện nay, bệnh đạo ôn lây nhiễm ở mức độ nhẹ, đã được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật, phòng, trừ sâu bệnh kịp thời. Tuy nhiên, trong thời gian tới, thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp với các đợt mưa giông trên diện rộng và kéo dài tập trung vào tháng 8, tháng 9. Thời gian này trùng với giai đoạn lúa trổ bông, chắc xanh trên các trà lúa sớm và chính vụ, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại trên lúa mùa, nếu không được phun phòng, trừ kịp thời, gặp thời tiết mưa ẩm kéo dài 3 - 5 ngày, bệnh sẽ phát triển mạnh và có thể khiến năng suất lúa giảm tới 70% - 100%.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Với thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao trong vụ mùa năm nay, đặc biệt là thời gian chuyển vụ sản xuất giữa 2 vụ ngắn, nên sâu bệnh hại dư trú trong đất, gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát sinh thành bệnh gây hại cho cây trồng. Vậy nên, ngay từ đầu vụ mùa, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo đến người dân các giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn và chủ động lên kế hoạch phòng, trừ”.

Khi xuất hiện diện tích lúa nhiễm bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tham mưu cho ngành nông nghiệp tỉnh kịp thời ra các văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức các biện phòng, trừ, khoanh vùng diệt trừ sâu bệnh hại lúa mùa. Việc tổ chức phòng, trừ bệnh đạo ôn sớm được tiến hành khẩn trương, bởi tính chất nguy hại của loại bệnh này đối với cây lúa. Ngành bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Từ thời điểm này đến cuối vụ mùa thời gian còn tương đối dài, vì vậy, bên cạnh việc chủ động phòng, chống bệnh đạo ôn, bà con nông dân cần lưu ý đến một số đối tượng sâu bệnh khác dễ phát sinh trên diện tích lúa mùa. Đặc biệt, đối với diện tích lúa mùa vùng thấp, sau ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt do hoàn lưu của bão số 2, bà con cần lưu ý một số loại sâu bệnh, như bệnh sâu cắn gié, ruồi đục nõn, cùng một số loại bệnh vi khuẩn khác dễ phát sinh gây hại lúa trên diện rộng nếu không tăng cường khâu chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại lúa sau lũ kịp thời. Lưu ý các diện tích cấy giống lúa BC 15, Séng cù, VL 20 và các vùng có nguồn bệnh từ trước, cần chủ động hạn chế tối đa sự phát sinh và lây lan của sâu bệnh gây hại, làm ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng lúa vụ mùa.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh đạo ôn trên lúa hè thu Bệnh đạo ôn trên lúa hè thu

Bệnh đạo ôn thường gây hại trên trà lúa từ giai đoạn đẻ nhánh cho đến trổ chính do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bào tử mầm nẩy mầm ở nhiệt độ 24 - 28 độ C

18/05/2019
Phòng ngừa đạo ôn lá và cổ bông vụ Hè Thu Phòng ngừa đạo ôn lá và cổ bông vụ Hè Thu

Tình hình khí hậu thay đổi thất thường, dịch hại ngày một diễn biến phức tạp và xuất hiện sớm ở khu vực ĐBSCL nhất là bệnh đạo ôn trên lúa Hè Thu

18/05/2019
Bón phân thúc đòng và đảm bảo đủ nước dưỡng cho cây lúa vụ xuân Bón phân thúc đòng và đảm bảo đủ nước dưỡng cho cây lúa vụ xuân

Việc xác định đúng thời điểm bón phân thúc đòng cho cây lúa sử dụng hiệu quả phân bón, tạo điều kiện có bông lúa to, nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất

20/05/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.