Chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa ở phía Bắc
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2017 bệnh lùn sọc đen hại lúa tái bùng phát và gây thiệt hại nặng ở một số tỉnh phía Bắc, nhiều diện tích bị bệnh nặng không cho thu hoạch.
Nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa Hè Thu. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Trong vụ Đông Xuân 2018, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác trên lúa từ giai đoạn đẻ nhảnh đến phát triển đòng tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời, đã phát hiện nhiều mẫu rầy lưng trắng mang virus gây bệnh. Do vậy, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng trên lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2018 là rất cao nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa hiệu quả, bảo vệ lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2018, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Cùng đó, áp dụng các biện pháp phòng chống rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen theo quy trình, số tay hướng dẫn do Cục Bảo vệ thực vật ban hành.
Các địa phương cũng tiếp tục theo đõi, điều tra phát hiện và đánh giá tỷ lệ bệnh lùn sọc đen trên lúa Đông Xuân 2018 từ nay đến cuối vụ để có phương an phòng chống bệnh cho vụ Hè Thu, vụ Mùa 2018. Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện hệ thống bẫy đèn để giám sát rầy lưng trắng và thu mẫu rầy vào đèn giám định virus.
Đồng thời, các địa phương cũng cần hạn chế hoặc không đưa vào cơ cấu giống tại địa phương những giống lúa đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen giống nhiễm rầy nhất là vùng đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng; tăng cường sử dụng các giống kháng, chống chịu hoặc ít nhiễm rầy lưng trắng.
Đối với các vùng có áp lực bệnh cao như vụ trước bị hại nặng, vụ Đông Xuân 2018 đã xuất hiện triệu chứng bệnh hoặc giám định dương tính với bệnh lùn sọc đen cần tiến hành che phủ mạ bằng luới mắt dầy để che chắn rầy, xử lý hạt giống và phun tiễn chân mạ trước khi cấy.
Khi phát hiện mạ bị bệnh lùn sọc đen phải tiêu hủy toàn bộ ruộng và gieo mạ khác thay thế. Khi phát hiện lúa bị bệnh rầy lưng trắng nhiễm virus lùn sọc đen cần tổ chức khoanh vùng và áp dụng biện pháp phòng trừ rầy, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục hướng dẫn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh tăng cường điều tra phát hiện sớm rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương giám định nhanh rầy mang virus gây bệnh lùn sọc đen và phân công cán bộ phụ trách hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát tình hình bệnh ở các tỉnh trọng điểm.
Có thể bạn quan tâm
Magic-S hay còn gọi là cà chua thân gỗ trồng được ngoài trời, dễ chăm sóc, năng suất tốt cho 20 kg trái một cây mỗi năm.
Tại các tỉnh phía Bắc: Rầy lứa 3 tiếp tục gây hại trên diện hẹp, hại chủ yếu trên trà lúa chính vụ, trà muộn và trên các giống nhiễm...
Chanh là giống cây ăn trái quan trọng, được trồng nhiều nơi trên thế giới nhờ thích nghi rộng với nhiều vùng sinh thái.