Chủ động hoàn toàn giống cá tầm
Đây là mục tiêu mà Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm” đang hướng đến. Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tiến, Chủ nhiệm Dự án về vấn đề này.
Cá tầm thích hợp với các mô hình nuôi công nghệ cao
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của cá tầm ở Việt Nam?
Một số vùng núi, cao nguyên ở nước ta có tiềm năng lớn về diện tích mặt nước có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên việc nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống như mè, trôi, trắm chép, rô phi... tỏ ra kém hiệu quả do nhiệt độ nước thấp, cá sinh trưởng chậm, hay bị bệnh và thị trường đầu ra dư thừa. Việc di nhập và thử nghiệm nuôi thành công cá tầm ở các vùng này góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế xã hội địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh và quốc phòng các vùng biên giới.
Cá tầm là loài có thể nuôi thâm canh với mật độ cao, cần diện tích ít nhưng có có thể sản xuất ra sản lượng lớn, thích hợp với mô hình công nghệ cao. Hiện tiềm năng mặt nước để nuôi cá tầm tại Việt Nam còn rất lớn, chỉ mới sử dụng một phần không đáng kể. Sản lượng cá tầm Việt Nam hiện chưa cung cấp đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa, từ đó có thể thấy triển vọng của nghề nuôi cá tầm Việt Nam trong thời gian tới rất khả quan.
Con giống và thức ăn có phải là hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành cá tầm nước ta hiện nay?
Thức ăn và con giống hiện đang là nỗi băn khoăn không chỉ đối với nghề nuôi cá tầm mà còn đối với cả ngành thủy sản. Tuy nhiên về thức ăn, đã có một số công ty nghiên cứu và thử nghiệm thành công một số loại thức ăn cho cá tầm và được đánh giá khá tốt như Skretting Việt Nam. Thời gian qua, cũng đã có một số đơn vị trong nước cho thử nghiệm sinh sản cá tầm như RIA I và RIA III, Công ty Cá tầm Việt Nam, bước đầu cũng đã sản xuất được con giống từ đàn cá bố mẹ nuôi tại Việt Nam, tuy nhiên số lượng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước. Hầu hết con giống cá tầm đều phải nhập trứng đã thụ tinh từ nước ngoài về ấp và ương giống tại Việt Nam. Việc sản xuất giống cá tầm ở Việt Nam cần thêm thời gian để tạo ra đủ số lượng cá bố mẹ và hoàn thiện công nghệ sinh sản.
Là chủ nhiệm Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm”, ông có thể cho biết hiện Dự án đã đi đến giai đoạn nào và có những kết quả gì?
Do mới phát triển được hơn 10 năm và do sự khác biệt về điều kiện thời tiết, khí hậu, sinh thái vì là đối tượng di nhập, nên nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam đã gặp một số trở ngại. Hiện nay, nghề nuôi cá tầm dần đi vào ổn định, bước đầu có thể tạo đàn cá bố mẹ và đưa vào thử nghiệm sinh sản. Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm” được triển khai từ tháng 7/2016, đến nay gần 1 năm. Thông qua Dự án, việc sinh sản nhân tạo một số loài cá tầm ở nước ta đã đạt được một kết quả ban đầu như: Tạo được đàn cá bố mẹ đến tuổi thành thục; Xác định được loại thức ăn phù hợp cho nuôi vỗ cá tầm; Xác định được một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá tầm trong điều kiện Việt Nam; Xác định được chế độ qua đông nhân tạo; Thử nghiệm tác động của một số loại kích dục tố, phương pháp thụ tinh, ấp nở trứng, ương nuôi cá bột lên cá hương.
Dự án này sẽ mở ra cơ hội gì cho ngành cá tầm nước ta?
Khi Dự án kết thúc sẽ giúp chủ động từng phần và tiến tới chủ động hoàn toàn việc sản xuất giống cá tầm đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cung cấp cho sản xuất trong nước và các nước khác trong khu vực. Đây là nền tảng để ổn định giá, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của cá tầm thương phẩm sản xuất trong nước, giúp thương hiệu cá tầm Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả với cá tầm Trung Quốc thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu trên lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp nuôi cá biển, thu mua cá biển trong, ngoài nước.
Nghiên cứu này đã mở ra một hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản.
Nước nhiễm phèn khiến tôm, cá còi cọc, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như chất lượng đầu ra của