Chọn tạo giống keo tai tượng vượt trội
Keo tai tượng là loài cây trồng rừng chủ lực ở nước ta. Diện tích trồng keo tai tượng đến năm 2016 đạt gần 1 triệu ha.
Trước đây, do thiếu nguồn giống tốt nên hàng năm nước ta phải nhập hạt giống keo tai tượng từ Úc với giá rất đắt để trồng rừng nhưng năng suất cũng chưa đạt được như kỳ vọng.
Rừng keo tai tượng từ vườn giống tại Ba Vì, Hà Nội 8 tuổi
Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã xây dựng được nhiều vườn giống keo tai tượng có chất lượng hạt vượt trội so với giống nhập nội để phục vụ sản xuất.
Gỗ keo tai tượng thẳng thớ, chắc, ít bị cong vênh, nứt nẻ nên rất được ưa chuộng để làm đồ gỗ xuất khẩu cũng như làm đồ mộc gia dụng. Hiện các cơ sở chế biến gỗ thu mua với giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/m3 để làm gỗ xẻ đóng đồ mộc xuất khẩu, cao hơn từ 1,3 - 2,5 lần giá thu mua gỗ dăm xuất khẩu. Nhiều hộ nông dân đã bắt đầu chuyển sang trồng rừng keo tai tượng bằng nguồn hạt vườn giống với luân kỳ từ 8 - 10 năm để kinh doanh gỗ lớn qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của rừng trồng.
Từ năm 2003 đến nay, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp đã chú trọng xây dựng nhiều vườn giống keo tai tượng chất lượng cao, quản lý, thu hái hạt giống và xây dựng một số mô hình trồng thử giống keo tai tượng từ vườn giống và so sánh với giống nhập nội tại một số vùng sinh thái trồng nhiều loài cây này.
Kết quả cho thấy rừng trồng keo tai tượng từ các vườn giống có năng suất rừng cao hơn từ 10 - 20% so với giống nhập nội. Ở Tây Bắc, mô hình phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình – VINAFOR tại Lương Sơn, Hòa Bình, nơi có tầng đất sâu và ẩm, sau 7 năm tuổi rừng keo tai tượng từ vườn giống đạt 180m3/ha (26m3/ha/năm), trong khi rừng trồng từ nguồn giống nhập nội chỉ đạt 153m3/ha (22m3/ha/năm), còn hạt giống đại trà chỉ cho năng suất 112m3/ha (16m3/ha/năm).
Ở Đông Bắc, tại Cầu Hai, Phú Thọ, trên đất xấu, nghèo dinh dưỡng hơn cũng cho thấy keo tai tượng từ vườn giống có sinh trưởng vượt trội so với giống nhập nội, sau 8 năm trồng trong khi lô giống từ vườn giống đạt 160m3/ha (20m3/ha/năm) thì lô giống nhập nội chỉ đạt 139m3/ha (17m3/ha/năm) và lô giống đại trà chỉ đạt 120m3/ha (15m3/ha/năm).
Tương tự, tại Ba Vì, Hà Nội, nơi đất xấu, tầng đất nông, bị đá ong hóa, nhiều đá lẫn, sau 5 năm mô hình keo tai tượng từ vườn giống đạt sản lượng 90m3/ha (18m3/ha/năm), vượt 13% so với giống nhập nội chỉ đạt 75m3/ha (15m3/ha/năm).
Ở Bắc Trung Bộ, tại Cam Lộ, Quảng Trị, sau 2,5 tuổi trong khi rừng trồng keo tai tượng từ vườn giống đã đạt 20m3/ha/năm trong khi rừng trồng từ hạt nhập nội chỉ đạt 14m3/ha/năm.
Ông Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết, nhiều hộ dân trồng rừng ở địa phương sau khi thăm mô hình của trung tâm rất mong muốn trồng giống keo tai tượng từ vườn giống để thay thế giống keo tai tượng nhập nội. Hiện, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp đã cung cấp hạt giống chất lượng cao từ vườn giống cho nhiều hộ nông dân và công ty lâm nghiệp ở tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi để trồng rừng và cho kết quả rất triển vọng.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp chia sẻ: “Để xây dựng các vườn giống keo tai tượng này, viện đã tiến hành nhập hạt giống các cây trội từ Úc, trải qua nhiều năm khảo nghiệm và chọn lọc mới xây dựng các vườn giống. Sau đó các vườn giống được tỉa bỏ những cây sinh trưởng kém và chỉ để lại những cây sinh trưởng tốt để giao phấn và thu hái hạt.
Các vườn giống của viện xây dựng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình của Bộ NN-PTNT ban hành và đã được Bộ công nhận để cung cấp hạt giống phục vụ trồng rừng. Chính vì vậy khả năng thích ứng với điều kiện lập địa Việt Nam, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và năng suất rừng trồng từ hạt vườn giống cao hơn hẳn so với hạt nhập nội”.
Ông Kiên cho biết thêm, dù đã xây dựng được nhiều vườn giống keo tai tượng trên các vùng sinh thái nhưng hiện nay sản lượng hạt giống vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Trong thời gian tới, viện sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để đẩy mạnh chuyển giao giống gốc và công nghệ xây dựng rừng giống hoặc vườn giống keo tai tượng, từ đó địa phương chủ động cung cấp hạt giống cho sản xuất.
"Bên cạnh đó, viện cũng đã phát triển thành công công nghệ nhân giống mô - hom các lô hạt cây ưu việt từ vườn giống với hệ số nhân từ 400 - 600 lần cho nhân giống hom và 2.000 - 2.500 lần cho nhân giống mô, 1 hạt giống nhân được 2.000 - 2.500 cây giống và sẵn sàng chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống ở các tỉnh", TS Nguyễn Đức Kiên.
Có thể bạn quan tâm
Để tạo ra sản phẩm Bưởi Đoan Hùng tuyệt hảo và chất lượng cần rất nhiều yếu tố. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu được các yếu tố tác động đến chất lượng
Làm đất thích hợp để trồng cây và trồng cây với mật độ vừa phải là những bước căn bản để hoàn thành công đoạn nhân giống và trồng vải thiều Thanh Hà.
Đam mê tự lập đã đưa cả ba kỹ sư này trở thành những nông dân trẻ khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm.