Choáng với ông chủ Quảng Ninh đầu tư 80 tỷ đồng nuôi tôm sạch
Trong giới nuôi tôm ở Móng Cái (Quảng Ninh), cái tên Bùi Ngọc Liêm được biết và nhắc đến như một “ông trùm”. Ông Liêm là người thúc đẩy xây dựng nhãn hiệu tập thể "Tôm thẻ chân trắng Móng Cái" và tiên phong đưa ứng dụng khoa học mới trong nuôi tôm công nghiệp. Nhiều hội viên được ông Liêm giúp đỡ đã trở thành những ông chủ nuôi tôm giàu có ở vùng biên giới.
Thắng lớn từ “canh bạc” đầu tiên
Khác với phong cách của một “ông trùm” như người ta thấy, ông Bùi Ngọc Liêm giản dị, dễ gần và mang đậm chất mộc mạc của người nông dân. Nhìn cơ ngơi gần 7ha khu vực nuôi tôm đã đầu tư lên tới hơn 80 tỷ đồng, với tổng sản lượng tôm nuôi đạt hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm... của ông, ít người biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt ông Liêm đã rơi trên mảnh đất nuôi tôm ở khu 9, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái này.
Ông Liêm quê Nam Định, là bộ đội chuyển ngành, làm cán bộ công nhân viên cơ quan nhà nước, rồi về nghỉ chế độ. Đến năm 1991, Bùi Ngọc Liêm quyết tâm ra Móng Cái để mưu sinh. Ông làm đủ mọi việc kiếm sống, nhưng luôn nung nấu những dự định, ý tưởng làm giàu của riêng mình. Năm 2001, hay tin Móng Cái thực hiện Dự án quốc phòng 327, với mục đích đưa dân ra vùng biên làm kinh tế, ông Liêm là một trong những người đầu tiên đăng ký. “Khi đó, nghề nuôi tôm cũng đã phát triển tại một số nơi, sau nhiều năm kinh doanh, sẵn chút vốn trong tay, nên tôi cũng muốn thử sức mình…” - ông Liêm kể lại.
Với ông Liêm, tiêu chuẩn 2ha để nuôi trồng thủy sản nằm trong dự án khi ấy là quá ít, trong khi với các hộ không chủ động về tài chính thì 2ha lại là quá nhiều. Chính vì vậy, ông Liêm đã mua lại tiêu chuẩn của một số hộ, gom lại được gần 10ha, sau đó tập trung vốn và vay tiền ngân hng để thuê máy đắp ao.
Không một chút kiến thức nuôi tôm trong tay, ông khởi sự bằng cả 100.000m2 đất ven biển ngập đầy lau sậy; điện lưới lại chưa có, quạt nước phải chạy bằng máy nổ, một máy chỉ chạy được cho 1 ao... Bao nhiêu khó khăn có lúc tưởng như làm cho ông Liêm nản chí. Nhưng có vốn kiến thức cơ khí, ông Liêm mày mò làm bánh răng đảo chiều sử dụng cho hai ao nên đã giảm được đáng kể chi phí đầu tư và nhiên liệu chạy máy. Ông còn tranh thủ học hỏi kỹ thuật nuôi tôm từ bên Trung Quốc. Trời không phụ lòng người, những năm đầu nuôi tôm sú, tôm he Nhật Bản, nhờ chịu khó học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật nên các vụ nuôi tôm của ông trúng lớn, thành công ngoài mong đợi.
Đầu tư nhiều, nhưng rủi ro ít
Đường vào trang trại nuôi tôm của ông Liêm giờ đây đã trải nhựa, ôtô tải chạy bon bon, điện lưới kéo đến tận nơi. Ông cho biết: Hiện nay, hạ tầng nuôi toàn bộ gần 7ha khu nuôi tôm của gia đình đã được đầu tư hiện đại, với tổng mức đầu tư đến thời điểm này đã lên tới hơn 80 tỷ đồng, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.
Hơn 10 năm nuôi tôm, Bùi Ngọc Liêm nức tiếng là người chưa từng gặp thất bại. Nhưng: “Tính mình không thích kêu ca nhiều. Vừa áp dụng khoa học, vừa từ kinh nghiệm bản thân để xem xét, nhìn nhận mỗi khi gặp rủi ro, thất bại khi nuôi tôm, rồi rút ra bài học cho vụ tới” - ông Liêm tâm sự.
Theo ông Liêm, trong những vụ nuôi năm 2015, cơ sở nuôi tôm của gia đình ông cùng với nhiều hộ nuôi khác tại Móng Cái đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh. Trong khi người nuôi tôm chỉ quan tâm đến các loại dịch bệnh như: Đầu vàng, đốm trắng, gan tụy… nhưng qua quan trắc, kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở nuôi tôm của gia đình, ông Liêm đã phát hiện ra một loại vi trùng ký sinh khá phổ biến gây dịch bệnh trên tôm nuôi, và kiến nghị ngành chức năng tìm hướng xử lý dứt điểm.
Chính vì nguy cơ dịch bệnh với tôm lớn, từ năm 2016 ông Liêm chuyển sang đầu tư nuôi tôm trong nhà bạt, được thiết kế một cách khoa học từ hệ thống bể cấp nước, ao nuôi, khu xử lý môi trường… theo hình thức khép kín. Theo ông Liêm, mô hình nuôi tôm khép kín mặc dù mức đầu tư cao từ 600-700 triệu đồng/ao nuôi có diện tích 2.000m2, song hình thức nuôi này sẽ hạn chế được rủi ro đối với người nuôi tôm. Thời gian cho mỗi vụ nuôi cũng giảm đáng kể, vụ đông chỉ từ 90-100 ngày, vụ hè chỉ từ 70-80 ngày.
Như vậy, mỗi năm người nuôi tôm có thể nuôi được 3 vụ và năng suất tôm nuôi cũng cao hơn; năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ (vụ thu - đông) sẽ đạt 6-7 tấn/ha. Cái lợi khi nuôi tôm trái vụ là mặc dù sản lượng không lớn nhưng vào thời điểm đó tôm bán được giá hơn (khoảng 250.000 đồng/kg).
"Không phải vụ nuôi nào trong nhà khép kín cũng thành công, hiệu quả cao. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng con giống, kỹ thuật cho người nuôi, chăm sóc thú y và không thể loại bỏ yếu tố thời tiết”.
Ông Bùi Ngọc Liêm
Có thể bạn quan tâm
Mua sản phẩm thủy sản trong siêu thị đã thành một thói quen của người dân đô thị, nhưng các doanh nghiệp lại tỏ ra không mấy mặn mà
Sử dụng kích dục tố (KDT) trong việc kích thích sinh sản nhân tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất giống các loài cá nuôi.
Từng được mệnh danh là “thủ phủ” tôm càng xanh của ĐBSCL, vào thời kỳ hoàng kim, diện tích nuôi của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lên đến hơn 800ha