Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chợ đầu mối nông sản sạch đầu tiên của Đồng Nai

Chợ đầu mối nông sản sạch đầu tiên của Đồng Nai
Tác giả: Hương Giang
Ngày đăng: 17/03/2017

Gần 3 tháng nữa, chợ đầu mối nông sản Dầu Giây tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) sẽ đi vào hoạt động. Đây là chợ đầu mối nông sản đầu tiên của tỉnh, tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh và các tỉnh, thành khác.

Trong ảnh: Phối cảnh dự án xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất).

Chợ đầu mối được xây dựng gần ngã tư Dầu Giây - nút giao giữa quốc lộ 20 và quốc lộ 1, kết nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Trong tương lai, vị trí này còn kết nối với cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Giai đoạn 1, chợ có diện tích gần 2 hécta, thiết kế 216 điểm kinh doanh các loại nông sản sạch.

* Nông sản sạch mới được vào chợ

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây có tổng vốn đầu tư khoảng 1 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 1 đầu tư khu bán rau, củ, quả, trái cây tươi 2 hécta với tổng vốn 46 tỷ đồng; số vốn còn lại sẽ đầu tư cho giai đoạn 2. Khi hoàn thành cả 2 giai đoạn, chợ đầu mối Dầu Giây sẽ có thêm khu trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận hàng hóa an toàn thực phẩm, khu chiếu xạ.

Hiện nay, chủ đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây là Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa) đang tiến hành thi công, dự tính tháng 6-2017 sẽ đi vào hoạt động.

Chợ sẽ là nơi bán sỉ các loại nông sản sạch của Đồng Nai, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Lâm Đồng, Bình Thuận, miền Trung, miền Tây...

Hàng hóa vào chợ phải sản xuất theo quy trình an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Khi hàng vào chợ sẽ được kiểm soát kỹ đầu vào và dán nhãn của chợ.

Giai đoạn đầu đi vào hoạt động, lượng nông sản sạch đưa về chợ khoảng 400-500 tấn/đêm, gồm rau, củ, quả và trái cây tươi (rau, củ, quả tươi chiếm khoảng 65% sản lượng, còn lại là trái cây tươi). Sau 5 năm, dự tính sản lượng nông sản đưa về chợ đầu mối tăng 40%.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu cho hay: “Sở đã phối hợp với các địa phương tổng hợp các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nông sản, trái cây sạch và giúp chủ đầu tư ký hợp đồng tiêu thụ”. 

Cũng theo ông Báu, tỉnh đang tiến hành làm cánh đồng lớn với các loại cây trồng để đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây. Các huyện, thị, thành trong tỉnh cũng đang gấp rút rà soát lại các sản phẩm trên địa bàn, ưu tiên chọn những loại rau, củ, quả, trái cây có diện tích, sản lượng lớn để hướng dẫn nông dân làm theo quy trình an toàn để hàng có thể vào được chợ đầu mối. Tiếp sau đó sẽ rà soát tất cả các loại nông sản, thực phẩm.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Huyện đang hỗ trợ nông dân trồng rau, trái cây làm đúng theo quy trình GAP để hàng được đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây. Trong đó, huyện sẽ ưu tiên làm trước với xoài, bưởi, cam, quýt và các loại rau ăn lá, ăn quả vì có sản lượng lớn, rất cần đầu ra ổn định”.

* Thành chợ của cả khu vực

Mục tiêu của tỉnh là dần dần sẽ nâng tầm chợ đầu mối nông sản thực phẩm của khu vực. Hàng hóa vào chợ phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chợ đầu mối sẽ là nơi cung cấp nông sản sạch cho Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

“Tới đây, hàng nông sản Đà Lạt sẽ tập kết về chợ đầu mối Dầu Giây và vận chuyển lên đường cao tốc về thẳng các chợ truyền thống của TP.Hồ Chí Minh chứ không phải qua chợ đầu mối Thủ Đức” - ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, cho hay.

Các tiểu thương cho biết hàng hóa vận chuyển từ Đà Lạt, Bình Thuận, miền Trung vào chợ Dầu Giây để phân phối cho các mối ở Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh thuận lợi hơn về chợ đầu mối Thủ Đức vì rút ngắn được thời gian vận chuyển. Do đó, ngoài mục tiêu tiêu thụ nông sản thực phẩm sản xuất tại Đồng Nai, chợ sẽ được nâng tầm thành chợ đầu mối nông sản của khu vực phía Nam.

Sau khi đi vào hoạt động ổn định, chủ đầu tư dự kiến năm 2018 sẽ làm tiếp giai đoạn 2 của chợ Dầu Giây. Giai đoạn 2 mở rộng thêm khoảng 27,5 hécta sẽ có khu bán thực phẩm sạch, gồm: thịt heo, gà và các loại thủy, hải sản.

Ở giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ làm một loạt hệ thống kho lạnh để có thể dự trữ, bảo quản rau, củ, quả, trái cây, hoa, thực phẩm tươi trong 1-2 tuần. Lúc đó, nông sản, thực phẩm sạch đưa về chợ sẽ vào thẳng các kho lạnh để bảo quản, sơ chế, đóng gói cho đảm bảo chất lượng.

Các quầy chỉ để sản phẩm giới thiệu, khách đồng ý ký hợp đồng mua hàng xong sẽ đưa vào kho nhận hàng. Có kho lạnh bảo quản, các tiểu thương ở chợ đầu mối sẽ giảm được tỷ lệ hao hụt hàng hóa, giá sẽ ổn định vì không phải áp lực bán hàng hết trong ngày.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đang bắt tay vào tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch để các mặt hàng nông sản, thực phẩm có thể vào chợ”.

Như vậy, tới đây các tiểu thương ở chợ truyền thống, các bếp ăn tập thể...lấy hàng nông sản từ chợ Dầu Giây sẽ có tem an toàn. Mục tiêu của tỉnh sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm sạch, nông dân sản xuất không làm theo quy trình an toàn sẽ khó bán được hàng.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển du lịch miệt vườn từ những vựa quýt đường Phát triển du lịch miệt vườn từ những vựa quýt đường

Ngoài ngắm nhìn vườn quýt trĩu quả, xem quy trình tưới cây, tỉa cành, bón gốc và tham gia thu hoạch quýt chín thì hoạt động chèo xuồng dạo chơi

16/03/2017
Đoạn trường gom đất của các tỷ phú Đoạn trường gom đất của các tỷ phú

Để trở thành những tỷ phú, “điền chủ” như ngày hôm nay, những “siêu” nông dân đó đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, cũng như phải chịu đựng những dị nghị

17/03/2017
Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ? Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ?

Không khó nhận thấy trên thị trường có nhiều loại gạo được đóng bao bì mang tên hữu cơ nhưng chỉ đạt chứng nhận VietGAP. Điều này ngỡ vô lý

17/03/2017