Chỉ Tàu Sắt Chưa Đủ

Chuyển đổi tàu gỗ sang tàu sắt là việc cần làm nhưng chỉ đóng tàu sắt thì chưa đảm bảo ngư dân sẽ thành công trong khai thác. TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, khẳng định như vậy khi nói về chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt. Bà Hồng Minh cho biết:
- Trình độ khai thác hải sản của Việt Nam xét ở mọi góc độ từ năng lực đánh bắt, hậu cần nghề cá, năng lực quản lý nghề cá... không chỉ lạc hậu so với các nước phát triển mà còn lạc hậu so với những nước trong khu vực.
Trong khi các nước đưa tàu cá ra khai thác các vùng nước quốc tế ở đại dương xa và tiến đến những tầng nước rất sâu thì tàu cá của ta hầu như chỉ hoạt động ở quanh vùng biển Đông, ngư cụ sử dụng phổ biến là để khai thác cá tầng mặt hoặc cào vét sạch tầng đáy. Hệ thống cầu cảng, bến đỗ, âu thuyền, hệ thống bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, cung ứng nhiên liệu, nước đá... còn kém hơn.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh
* Như vậy chủ trương đóng mới tàu sắt là cần thiết để hiện đại hóa nghề cá của Việt Nam?
- Việc chuyển đổi sang tàu sắt là cần thiết, nhưng nó sẽ thiết thực hơn nếu xuất phát từ chính nhu cầu bức thiết của ngư dân chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước khi thấy tàu gỗ thì yếu, dễ bị đâm thủng, dễ chìm... khi có va chạm với tàu Trung Quốc. Nhà nước có hướng cho dân là rất tốt nhưng phải kết hợp với nhu cầu thật sự của ngư dân thì mới đem lại hiệu quả.
Không phải cho tiền là đủ mà phải nghĩ cách thế nào để người dân làm hiệu quả, Nhà nước thu hồi được vốn. Nếu làm không hiệu quả thì tàu sắt sẽ thành một đống sắt vụn. Tàu sắt có công suất lớn chuyên khai thác xa bờ, nhưng đâu phải ai cũng có khả năng đánh bắt xa bờ, đâu phải ai cũng có thể quản lý tàu lớn. Cho nên cần tránh chủ quan duy ý chí, tránh lặp lại bài học đau đớn của chương trình đánh bắt xa bờ trước đây.
* Ngoài đóng tàu lớn, cần làm những gì để ngư dân có thể giàu lên từ biển?
- Tàu sắt chỉ là một trong những yếu tố chính làm nên thành công của ngành khai thác hải sản của một quốc gia. Muốn ngư dân giàu lên từ biển, Việt Nam cần tổ chức đào tạo nhân lực nghề cá, sắp xếp lại hệ thống cảng cá, chợ cá và tăng quyền cho các hội đoàn, nghiệp đoàn nghề cá ở các địa phương.
Trong khi những nước có nghề khai thác biển phát triển đều có những trung tâm đào tạo nghề đi biển, ngư dân Việt Nam đi biển chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Tàu nhỏ thì không sao nhưng chuyển sang tàu lớn để quản lý là điều không hề dễ dàng.
Khoa đánh cá lại được đào tạo tại một vài trường đại học chứ không phải trường nghề, nếu có thì cũng đào tạo chay. Nhà nước cũng cần xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng nghề cá rồi giao cho các tổ chức cộng đồng (hội nghề cá) quản lý.
Việc hỗ trợ lãi suất để cho dân vay đóng tàu là cần thiết nhưng việc thu hồi vốn cho vay đóng tàu là việc khó, nên cần nghiên cứu để có cơ chế riêng phù hợp để bảo đảm thu hồi vốn. Để loại bỏ dần tác động tiêu cực của các nậu vựa, phải xây dựng chợ cá gắn liền với cảng cá, việc mua bán của ngư dân qua cảng đều do hội nghề cá quản lý, tỉ lệ chiết khấu cho hội do Nhà nước quy định. Cách làm này đã thực hiện hiệu quả ở một số nước và vùng lãnh thổ ngay trong khu vực.
* Còn có cách nào để nâng cao năng lực của ngành khai thác hải sản của Việt Nam không, thưa bà?
- Tôi đã từng nhiều lần có ý kiến rằng cũng giống như các ngành kinh tế khác, nghề cá mình lạc hậu thì có thể hiện đại hóa thông qua tiếp thu công nghệ của nước ngoài, đó là mở cửa biển có chọn lọc cho các đơn vị khai thác hải sản của các nước tiên tiến tham gia.
Tất nhiên, biển là vấn đề nhạy cảm, nhưng chúng ta vẫn có thể quy hoạch và chọn lọc các nhà đầu tư. Họ sẽ đem công nghệ đánh bắt và khai thác thủy sản tiên tiến vào nước ta và từ đó ngư dân trong nước cũng dần tiếp cận được với những công nghệ mới.
Có thể bạn quan tâm

Để bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra...

Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.

Sáng 11/12, Sở Công thương Bắc Kạn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng "Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình" cho 151 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.