Chè sạch Yên Bái mang lại lợi ích kép
Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân Yên Bái có thu nhập cao hơn.
Trong ảnh: Ở Yên Bái, người dân đã chuyển sang sản xuất chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Từ sản xuất chè xô bồ, kém hiệu quả, người trồng chè ở Yên Bái hiện đang chuyển sang sản xuất chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có gần 300 ha chè, trong đó hơn 200 ha đang cho thu hái. Bà Hà Thị Vụ ở thôn Ngòi Đong, xã Bảo Hưng phấn khởi chia sẻ: Trước đây gia đình chủ yếu trồng giống chè trung du, cây già cỗi dần, không được thu hái thường xuyên mà lại mất nhiều công chăm sóc.
Mấy năm gần đây, cũng như nhiều hộ dân trong xã, gia đình bà Vụ chuyển dần sang trồng các giống chè mới như: Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDT1, năng suất cao hơn hẳn, sản lượng tăng từ 15 đến 20%, giá bán lại cao hơn gấp 3 đến 4 lần giá chè trước đây. Hơn nữa, việc phun thuốc trừ sâu cũng hạn chế, đỡ độc hại khi canh tác và thu hái.
Thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái (QSEAP), những năm qua, người dân xã Bảo Hưng đã được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản chè theo tiêu chuẩn VietGAP... Trong quá trình sản xuất, bà con đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Kết quả là đến năm 2016, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đã được trao cho sản phẩm chè búp tươi xã Bảo Hưng.
Ông Hà Văn Đông - Ủy viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chè sạch Bảo Hưng cho biết: Hiện nay Hợp tác xã Bảo Hưng có 17 nhóm hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích gần 20 ha. Trước đây, khi canh tác và sản xuất chè theo phương thức cổ truyền thì năng suất chè không cao. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng chè thành phẩm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân trực tiếp sản xuất. Nếu như trước, người dân tự ý phun thuốc, tự ý thu hái thì hiện nay, việc dùng thuốc gì, chăm bón như thế nào, thời gian cách ly trước thu hái đều phải theo đúng quy trình.
Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân Bảo Hưng tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn. Hiện nay, chè búp tươi theo đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá có giá hơn 11 nghìn đồng/ 1kg; chè khô thành phẩm có giá 150 đến 250 nghìn đồng/ 1kg tùy từng loại. Mỗi năm, 1 héc ta ở Bảo Hưng cho thu khoảng hơn 100 triệu đồng. Từ đây, nhiều hộ dân trong xã sống được nhờ cây chè. Đây cũng là hướng đi hiệu quả ở nhiều vùng chè khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng trong khi giá mua thấp khiến nhiều vườn rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ế ẩm, nông dân đành phải phá bỏ vì quá lứa.
Từ anh thợ cơ khí thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, anh Tô Quang Dũng mạnh dạn chuyển đổi sang nghề trồng rau và đã thành công
Các mô hình công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung cần được nhân rộng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.