Chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh giúp sâm Ngọc Linh phát triển mạnh
Các vi sinh vật có ích sẽ được phân lập và tuyển chọn để làm vật liệu tạo ra các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh.
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu vào việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả, năng suất cao hơn. Ảnh: L.K.
Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc hữu của vùng núi cao thuộc dãy núi Ngọc Linh, được tìm thấy tại miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào năm 1973.
Theo nghiên cứu thực nghiệm của các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh không chỉ có tác dụng dược lý đặc trưng của chi Nhân Sâm mà còn có tác dụng dược lý điển hình như chống stress, trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, kháng các độc tố gây hại tế bào…
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, sâm Ngọc Linh phải được coi là Quốc bảo, cần phải bảo tồn, phát triển và tăng cường nghiên cứu ứng dụng của loại dược liệu quý này vào công tác chữa bệnh cho người dân.
Sâm Ngọc Linh có đặc điểm là sinh trưởng khá chậm, mọc dưới tán rừng ẩm ướt, thành phần thực vật phong phú. Hiện nay, cây sâm tự nhiên đã dần cạn kiệt. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp, hộ nông dân đã bắt đầu đưa loại cây này vào các vùng trồng tập trung, có sự can thiệp và kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế những năm qua, đã có một số công trình nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống, biện pháp canh tác và đạt được thành công nhất định, áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần phát triển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giữ nguyên các điều kiện sinh thái phù hợp cho sự phát triển của cây sâm.
Mặc dù vậy, có rất ít nghiên cứu về phòng chống sâu bệnh được thực hiện. Các biện pháp phòng chống hiện tại vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Một số thuốc bảo vệ thực vật đã được người dân thử nghiệm để phòng sâu bệnh hại cây con trong vườn ươm nhưng hầu như không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp.
Với mục tiêu lựa chọn và phát triển được một số biện pháp nhằm quản lý sâu bệnh hại đến cây sâm Ngọc Linh theo hướng sinh học, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, Viện Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam thực hiện đề tài nghiên cứu: “Ứng dụng biện pháp sinh học để quản lý sâu bệnh hại đến cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam”. Đề tài do TS. Lê Xuân Vị làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ tháng 2/2019 đến tháng 4/2021.
Theo đó, đề tài sẽ xác định thành phần, đặc điểm sinh học, diễn biến phát sinh và đánh giá tác hại của các loại sâu bệnh hại chính đến cây sâm Ngọc Linh; thu thập, tuyển chọn được từ 1 – 2 vi sinh vật có ích tại vùng trồng có tiềm năng phát triển chế phẩm sinh học để phòng trừ…
Kết thúc thời gian thực hiện, đề tài đã xác định được 9 loài sâu bệnh hại chủ yếu trên cây sâm Ngọc Linh gây hại ở cả giai đoạn cây con và cây ngoài sản xuất. Trong đó rệp muội (Neomyzus sp.), bệnh chết rạp cây con (P. glomerata), thán thư (Colletotrichum acutatum) và bệnh gỉ sắt (Pucinia sp.) phổ biến và nguy hiểm nhất.
Cùng với việc xác định được đặc điểm phát sinh gây hại của các loài sâu bệnh hại này, nhóm nghiên cứu đã thu thập các chủng vi sinh vật có ích và tiến hành các thí nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại bằng biện pháp sinh học. Kết quả cho thấy, vi khuẩn Bacillus subtilis và nấm đối kháng Trichoderma sp. được thu thập từ vùng trồng sâm có tiềm năng trong nghiên cứu phát triển chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh.
Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được quy trình thu thập, phân lập và tuyển chọn vi sinh vật có ích, và tạo được 10 lít chế phẩm từ vi khuẩn Bacillus subtilis để phục vụ nghiên cứu và thực hiện mô hình. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành các thí nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại với các chế phẩm sinh học.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được xây dựng thành mô hình với qui mô 2.000 cây, áp dụng kỹ thuật quản lý sâu bệnh hại chính. Hiệu quả phòng trừ rệp đạt từ 61,08%- 78,99%; Chiều cao cây trong mô hình tăng từ 0,1 - 0,8cm; số lượng hạt tăng trung bình là 25,25% so với đối chứng. Tỷ lệ cây bị bệnh và chỉ số bệnh gỉ sắt giảm đáng kể.
Ông Trương Công Quang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam cho biết, hiện nay các các chế phẩm sinh học thực hiện từ đề tài đang thuộc độc quyền của Viện Bảo vệ thực vật nên Trung tâm chỉ áp dụng trong các mô hình nhỏ để so sánh với những khu vực không sử dụng.
“Kết quả cho thấy, mô hình có sử dụng các chế phẩm sinh học này giúp cho cây sâm Ngọc Linh tăng được sức đề kháng, sinh trưởng mạnh, tạo được nhiều hạt hơn. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn các chế phẩm này được đưa ra thương phẩm để giúp cho những đơn vị, hộ dân sử dụng góp phần hạn chế được sâu bệnh và tăng năng suất, hiệu quả của cây sâm Ngọc Linh”, ông Quang nói.
Có thể bạn quan tâm
Với việc thử nghiệm enzyme, Ấn Độ chế ra dung dịch phân hủy sinh học mới, có thể biến gốc rạ thành phân bón hữu ích chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đang triển khai nhiều mô hình hạt nhân về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hướng hữu cơ nhằm lan tỏa phương thức nuôi này
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công sản phẩm hữu cơ vi sinh để phục hồi hiệu quả cho cây có múi bị bệnh vàng lá thối rễ.