Chè hoa vàng chờ ngày hóa thành vàng
3-5 triệu đồng/kg chè hoa vàng khô
Trong những năm gần đây, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, đặc biệt là huyện Quế Phong, tình trạng khai thác và buôn bán các sản phẩn nông lâm sản phụ (nhưng loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao -PV) diễn biến phức tạp. Dần dần, những loại cây này bị tàn phá dữ dội, còn lại thưa thớt trên các vùng núi cao, rừng già…
Nhận thấy lợi thế về kinh tế của các loại nông lâm sản phụ đặc biệt là cây chè hoa vàng, một số hộ gia đình ở huyện Quế Phong đã bắt đầu trồng mới, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các loại cây này trên vùng đất mà mình được nhận khoán để canh tác lâu nay.
Quế Phong là vùng đất rộng lớn, có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt trong đó có cây chè hoa vàng. Cây chè hoa vàng được phân bố tự nhiên và tập trung nhiều trên địa bàn các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc…
Cây chè hoa vàng là loại cây đặc hữu của huyện miền núi Quế Phong, được phát hiện, công bố vào năm 2012. Chè hoa vàng là thực vật chứa thành phần dinh dưỡng phong phú nhất trong tự nhiên (hơn 400 thành phần), ngoài ra còn có tác dụng cải thiện môi trường và có giá trị dược liệu rất quý.
“Cứ đến mùa hoa nở, tôi cùng mấy người dân trong xã thường vào rừng, đến các con suối để hái hoa tươi bán cho thương lái, mỗi kg bán được từ 300.000 - 500.000 đồng. Còn nếu chúng tôi đem về phơi khô, hoa có màu vàng đẹp giá trị của nó dao động từ 3-5 triệu đồng/kg...” - anh Vi Hà Huy ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, cho hay.
Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Từ lâu nay, chúng tôi đã nhận thấy cây chè hoa vàng có giá trị kinh tế cao, và từ đầu năm nay đã huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát triển. Trước mắt huyện sẽ huy động, hỗ trợ người dân ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ và Hạnh Dịch tập trung vào công tác bảo tồn, phát triển tại chỗ các gốc chè hoa vàng tự nhiên, sau đó sẽ nhân giống và trồng mới ở các diện tích theo kế hoạch”.
Cần một kế hoạch phát triển bền vững
Sau 4 năm, huyện Quế Phong triển khai thí điểm việc bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng tại địa phương. Kết quả cho thấy cây chè cho thu hoạch 0,3-0,6kg nụ hoa tươi/cây, với mật độ trồng mới 2.500 cây/ha thu được 7,5 tạ hoa tươi bảo tồn và trồng bổ sung bình quân từ 1.800 - 2.200 cây với năng suất dự kiến hơn 5,5 tạ/ha hoa tươi.
Theo ông Lê Văn Giáp, khó khăn lớn nhất của huyện trong việc bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng là quỹ đất để mở rộng diện tích còn thiếu. Do vậy, để đầu tư phát triển bền vững loại cây dược liệu quý hiếm này, thời gian tới cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đầu tư và đặc biệt là người dân… Hướng phát triển sắp tới là huyện sẽ bảo tồn và trồng bổ sung 90ha và trồng mới 5ha theo hướng chuyển đổi sản xuất cây trồng, tiến tới phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững…
Theo đánh giá, chè hoa vàng là loại cây ưa khí hậu nóng ẩm, thường mọc ở nơi đất tơi xốp bên bờ suối có bóng râm. Loài cây được phát hiện nhiều ở xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim (Quế Phong).
Có thể bạn quan tâm
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” - việc triển khai mạnh mẽ quy chế dân chủ kết hợp với dân vận khéo đã tạo nên sự đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Vừa qua, đại diện Văn phòng Điều phối T.Ư đã về thẩm định và đánh giá huyện chỉ còn 2 xã nữa (Bá Hiến, Quất Lưu) là về đích NTM.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), thực tế cho thấy CĐL trong sản xuất lúa bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá, các mô hình CĐL này vẫn chưa đủ lớn…
Nhờ liên kết với doanh nghiệp, nhiều nông dân thôn Quang Lãng, xã Quang Lãng (Phú Xuyên, Hà Nội) đã tiếp cận với phương thức chăn nuôi hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.