Chế Biến Thức Ăn Chăn Nuôi Bò
Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của bà con nông dân trong tỉnh, ngoài sản xuất nông nghiệp bà con nông dân tận dụng thời gian nông nhàn để chăn nuôi bò cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, từ khi phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển tạo ra nhiều phụ phẩm trong nông nghiệp đã giúp bà con nông dân có đủ nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Tuy nhiên năm nay do tình hình bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại lúa, tỉnh AG đã chỉ đạo địa phương ngừng sản xuất vụ 3 thay vào đó xả lũ để diệt mầm bệnh, làm cho nhiều hộ chăn nuôi bò gặp khó vì thiếu nguồn thức ăn. Phương pháp chế biến rơm thành thức ăn cho chăn nuôi bò sẽ giải quyết vấn đề khó khăn trong chăn nuôi bò hiện nay.
Để giúp người chăn nuôi bò có thể tạo nguồn thức ăn trong những tháng mùa nước nổi và thời điểm giao mùa, Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với ngành nông nghiệp các huyện, thị thành tổ chức tập huấn khuyến cáo về kỹ thuật chăm sóc gia súc mùa lũ và giới thiệu một số biện pháp tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò như trồng cỏ dọc các tuyến đê bao, cách chế biến rơm thành thức ăn chua và sử dụng đá liếm bổ sung chất khoáng cho bò đã được bà con nông dân quan tâm thực hiện.
Mới đây, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao và Trường Đại học AG tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chế biến thức ăn cho các hộ chăn nuôi bò ở xã Phú Bình huyện Phú Tân. Xử lý rơm bằng phân urê là biện pháp tốt, nhằm tăng lượng đạm, làm mềm rơm rạ giúp tăng tỉ lệ tiêu hoá, nâng cao hiệu qủa kinh tế trong chăn nuôi bò.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng, Giảng viên Bộ môn chăn nuôi thú y Khoa Nông nghiệp Trường Đại học AG đã giới thiệu về quy trình chế biến thức ăn cho bò, trong đó có kỹ thuật dùng rơm ủ với phân Urê, tạo ra nguồn thức ăn chua giúp bò tiêu hoá thức ăn tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng cao góp phần giải quyết nguồn thức ăn trong chăn nuôi bò hiện nay.
Cách chế biến thức ăn với mô hình ủ rơm ủ urê trong bể xi măng có lót nylon, với 4 ký phân Urê pha loãng 100 lít nước, sau khi tủ nylon dằn đáy và cho lớp rơm khô khoảng 20 ký, dùng dung dịch nước tưới đều trên rơm, dậm đều ở các gốc bể, cho tiếp lớp thứ 2, đến lớp cuối cùng và tưới dậm đều, gói nylon thật chặt sau 7 ngày lấy ra cho bò ăn.
Theo anh Trần Văn Cường, hộ nuôi bò ở xã Phú Bình thì phương pháp dùng rơm ủ urê vừa dễ làm, có thể tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch chế biến dự trữ thức ăn cho chăn nuôi bò.
Còn anh Mai Văn Nhái, chủ trang trại nuôi 10 con bò ở ấp Bình Phú 1 xã Phú Bình bày tỏ phấn khởi về phương pháp chế biến thức ăn mới có thể giúp anh giải quyết những khó khăn về thức ăn trong mô hình nuôi bò của mình.
Rơm ủ với phân urê là giải pháp thức ăn phù hợp với mô hình chăn nuôi bò trong nông thôn. Thực hiện cách chế biến thức ăn này dễ thực hiện, bà con nông dân chỉ cần dự trữ nguồn rơm sau mỗi vụ thu hoạch sau đó chế biến thành thức ăn giàu dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi.
Tuy nhiên bà con nông dân cần lưu ý, đây là loại thức ăn chua lạ với khẩu phần thức ăn hàng ngày của bò, do vậy cần tập cho bò làm quen với loại thức ăn mới, sau đó tăng dần khẩu phần thức ăn phù hợp với trọng lượng bò.
Với biện pháp ủ rơm với phân urê, lượng đạm dinh dưỡng sẽ tăng gấp 5 lần so với lượng đạm có trong rơm bình thường, và loại thức ăn này còn có thể kích thích tiêu hoá do men chua tạo nên giúp bò ăn nhiều hơn và tăng trọng ổn định, đồng thời khắc phục tình trạng khan hiếm thức ăn lúc giao mùa.
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng mô hình “Chăn nuôi bò sữa áp dụng VietGAP”. Nhờ đó, chất lượng sữa được cải thiện đáng kể, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng rau của trang trại ngày càng được nâng cao, đặc biệt đầu ra rất ổn định. Nuôi bò, trồng rau VietGAP thu tiền tỷ
6 lợi ích từ thịt bò. Những lợi ích thú vị mà thịt bò mang lại. Thịt gà, cá, bò đều có khoáng chất carnitine và nồng độ sarcosine
Thịt bò là thực phẩm phổ biến trên thế giới, được chế biến, sử dụng theo nhiều cách trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Thức ăn thô xanh luôn có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thay thế đối với gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, thỏ, hươu, nai…