Châu chấu lưng vàng xuất hiện gây hại ở Nghệ An
Từ đầu tháng 4/2017 đến nay, nền nhiệt cao, xen kẽ mưa rào, mưa giông, nên châu chấu lưng vàng đã xuất hiện, gây hại trên 48ha cây trồng tại huyện Con Cuông.
Nông dân Con Cuông tích cực phun trừ châu chấu lưng vàng trên lúa
Người dân và cơ quan chức năng địa phương đang tích cực vào cuộc phun trừ.
Theo thông tin từ Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Con Cuông (Nghệ An), châu chấu lưng vàng bắt đầu xuất hiện vào thời điểm cuối tháng 4/2017. Ổ châu chấu tập trung phổ biến trên các chồi mét non, bờ ruộng lúa với mật độ trung bình từ 0,1- 0,2 ổ/m2, 200 - 300 con/ổ, nơi cao 500 - 700 con/ổ, phổ biến châu chấu non (tuổi 1).
Tính đến ngày 24/4, toàn huyện có 4ha cây trồng xuất hiện châu chấu lưng vàng tại Bản Boong xã Lạng Khê (trong đó có 3ha mét, 1haa lúa thời trỗ đến ngậm sữa ven bờ mét).
Ngay sau khi các ổ châu chấu bắt đầu xuất hiện, Trạm Trồng trọt - BVTV đã có văn bản thông báo về “Tình hình châu chấu lưng vàng hại mét và các loại cây trồng”. Ngày 24/4, UBND huyện Con Cuông phát công văn hỏa tốc “Về việc phòng chống châu chấu hại cây trồng vụ xuân năm 2017”.
Sáng 26/4, cán bộ kỹ thuật Phòng BVTV cây trồng, thuộc Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An, cùng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Con Cuông trực tiếp làm việc với UBND xã Lạng Khê, tổ chức phun trừ 10ha nhiễm châu chấu. Toàn bộ kinh phí mua thuốc do Chi cục hỗ trợ.
Châu chấu xuất hiện trên chồi mét
Đến ngày 4/5, diện tích nhiễm châu chấu đã tăng lên 48ha, tập trung tại các xã Lạng Khê 23ha (Bản Boong), Châu Khê 25ha (Bản Bủng, 2/9, Châu Sơn).
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã cấp thuốc đủ để huyện Con Cuông phun trừ trên diện tích 50ha cây trồng.
Dự báo, thời tiết tiếp tục nóng - ẩm thuận lợi cho ổ trứng châu chấu tiếp tục nở rộ, khả năng mật độ có thể cao hơn hiện tại (do ổ trứng nở đồng loạt). Khoảng 10/5 trở đi, châu chấu bắt đầu gây hại, nhất là trên các diện tích mét nhiễm châu chấu năm 2016 nhưng tổ chức phun trừ thấp tại các xã Lạng Khê, Mậu Đức, Đôn Phục. Nếu người dân không chủ động tổ chức phun trừ sớm, khi châu chấu mới nở, co cụm, di chuyển chậm thì một số cây trồng vụ xuân ngắn ngày như lúa thời kỳ ngậm sữa – chín sáp, mía thời kỳ đẻ nhánh, ngô trỗ cờ, tung phấn, phun râu- ngậm sữa của các thôn, bản có diện tích giáp ven bờ mét, có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện các xã trên địa bàn huyện Con Cuông đã thường xuyên thông báo trên thông tin đại chúng để chủ rừng, bà con nhân dân biết được tác hại của châu chấu hại cây trồng; chủ động, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân phun trừ châu chấu khi chúng di chuyển xuống cây trồng ngắn ngày để gây hại. Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Con Cuông đã phân công cán bộ trực tiếp cơ sở, phối hợp cùng BQL thôn, bản, các chủ rừng để kiểm tra, phát hiện cùng cơ quan chuyên môn kịp thời xử lý. Đặc biệt chú ý các diện tích cây ngắn ngày ven bờ mét, diện tích mét được nông dân khai thác, hiện tại chồi non mới mọc, bờ cỏ voi.
Châu chấu trên cỏ voi
Ngoài số thuốc được hỗ trợ, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con mua một số loại thuốc đặc hiệu như Karate 2.5EC, Sutin 5EC, Victory 585 EC... pha đúng tỷ lệ, phun trừ kịp thời để đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể bạn quan tâm
Hoạt động trên nằm trong dự án “Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ”.
Cây ca cao lần đầu tiên được du nhập vào mảnh đất hình chữ S từ khoảng giữa thế kỷ XX, nhưng bấy giờ ca cao chưa được coi là loại cây hàng hóa
Các loại trái cây hè phổ biến như chôm chôm, mít, dâu, măng cụt, bơ, sầu riêng,... có loại thì trễ vụ, loại thì mất mùa.