Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Châu Âu: Gắn kết thủy sản và kinh tế du lịch

Châu Âu: Gắn kết thủy sản và kinh tế du lịch
Tác giả: Tuấn Anh (tổng hợp)
Ngày đăng: 07/08/2017

Ngành du lịch đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho cư dân ven biển trên toàn châu Âu. Đó chính là lý do ngành này trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế tiềm năng nhất về tốc độ tăng trưởng trong tương lai tại đây.

Chèo thuyền kayak tham quan trại nuôi vẹm tại Ebro Delta, Tây Ban Nha   Ảnh: Fornet

Chiến lược “FLAG”

FLAG là một tổ chức đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động phát triển thủy sản và du lịch tại châu Âu. FLAG gồm các thành viên là tư nhân hoặc nhà nước hoạt động trong ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản và đều có tâm huyết trong công cuộc thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng ven biển. Nhiều quốc gia không ngại đầu tư để phát triển tổ chức này như Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ireland đã tuyên bố gây quỹ 12 tỷ bảng Anh cho hoạt động của 7 FLAG tại quốc gia này vào năm ngoái. Các FLAG trên toàn châu Âu hoạt động ở những vùng địa lý khác nhau và thực hiện những chiến lược riêng để phát triển thủy sản - du lịch.

Để thu hút khách du lịch, khu vực do FLAG quản lý phải đáp ứng được các điều kiện căn bản nhưng rất cần thiết để phát triển ngành du lịch đó là chỗ ăn, ở cho khách du lịch và đảm bảo giao thông thuận tiện. Ngoài ra, FLAG còn tìm cách phát triển nhiều dịch vụ khác mới lạ, độc đáo và được coi là điểm nhấn. Hầu hết các FLAG tại châu Âu đều đang trong quá trình thực hiện chiến lược khoanh vùng điểm nhấn tại khu vực họ quản lý.

Những điểm nhấn du lịch của từng vùng có thể là tài nguyên thiên nhiên, một loại thực vật hoặc động vật độc đáo; hoạt động giải trí, đặc biệt liên quan tới nước và thủy sản như câu cá, bơi, lặn biển, chèo thuyền; di sản như cảng cá, tàu thuyền hoặc các làng chài cổ hay một loại hình du lịch rất phổ biến hiện nay tại nhiều hòn đảo ở châu Âu như Pesca (mô hình du lịch do ngư dân chuyên nghiệp làm chủ). Những chiến lược FLAG thực hiện để thu hút khách du lịch phụ thuộc phần lớn vào danh tiếng của khu du lịch. Nếu khu du lịch đó chưa có tên tuổi, FLAG sẽ hỗ trợ đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, quảng cáo.  

Mô hình hiệu quả

Hiện, đảo Sardinia tại Italia là một trong những khu vực dẫn đầu châu Âu trong phát triển du lịch gắn kết thủy sản thông qua mô hình PescaTour. Một hộ ngư dân cung cấp dịch vụ PercaTour tại Sardinia cho khách sẽ kiếm được 70 - 90 euro/người lớn và 50 euro/trẻ em dưới 10 tuổi. Ngư dân cho thuê tàu thuyền kèm hướng dẫn viên giúp du khách câu cá trên biển và tự thưởng thức thành quả bằng các bữa tiệc BBQ ngay trên thuyền.

Các trại nuôi thủy sản cũng được khuyến khích phát triển du lịch. Điển hình là trang trại nuôi cá ngừ của Công ty Balfefo ở châu thổ Ebro, đông bắc Tây Ban Nha. Năm 2012, Công ty này bắt đầu mở rộng sang hoạt động du lịch tận dụng ngay các sản phẩm của trại là cá ngừ để mở ra dịch vụ TunaTour. Qua TunaTour, du khách thỏa sức bơi cùng cá ngừ hoặc lặn biển quan sát đời sống của cá ngừ và thưởng thức cá ngừ tươi sống ngay tại trang trại với chi phí 47 euro/người lớn và 21 euro/trẻ em.

Mô hình du lịch này cũng được áp dụng tại trại nuôi nhuyễn thể Xavier Cabrera tại Ebro, Tây Ban Nha. Với quy mô 100 hệ thống nuôi trên biển, năng suất 3.000 tấn vẹm xanh cùng 1.000 tấn hàu mỗi năm, Xavier Cabrera cũng đã chào đón khách du lịch tới thăm quan mô hình qua dịch vụ ShellfishTour. Đây là chuyến dạo biển và khám phá hoạt động nuôi nhuyễn thể trên biển với chi phí 40 euro/khách du lịch, tặng kèm một kg vẹm, 4 con hàu và 1 chai rượu cùng hướng dẫn viên du lịch với nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Pháp và Nga.

Hài hòa lợi ích

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của FLAG trong vai trò phát triển tiềm năng du lịch của từng vùng và tác động tích cực tới kinh tế địa phương. Tuy nhiên, ngành du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho toàn vùng mà còn đặc biệt mang lại lợi ích cho ngành thủy sản, đây mới là điều quan trọng nhất nhằm mục đích hài hòa lợi ích giữa ngư dân trong vùng. Khi người ngư dân bị lạc lõng và không thu được lợi nhuận du lịch, họ sẽ có những phản ứng tiêu cực với việc phát triển ngành du lịch của toàn vùng, Stephanie Maes, Giám đốc FLAG tại Bỉ chia sẻ.

Trong các mô hình du lịch thủy sản do FLAG phát triển tại từng địa phương, ngư dân luôn là một mắt xích quan trọng không thể tách rời. Bằng những kỹ năng và trang thiết bị cụ thể, họ có thể cung cấp một số loại hình dịch vụ nhất định để phục vụ khác du lịch như trực tiếp làm hướng dẫn viên bờ biển, trèo thuyền ngắm thiên nhiên hoang dã, thưởng thức các món thủy sản do ngư dân địa phương khai thác. Một số FLAG khuyến khích ngư dân sử dụng tàu bè phục vụ khách du lịch PescaTour vào mùa hè bởi đây là tháng cao điểm du lịch. Khi đến mùa đông, lượng thủy hải sản phong phú hơn do có thời gian giãn khai thác vào mùa hè, nên ngư dân sẽ đạt sản lượng tốt hơn. Với chiến lược này, các FLAG không chỉ giúp ngư dân tăng thu nhập mà còn giúp ngành khai thác thủy sản đảm bảo bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu cá tra cần “giành lại” tăng trưởng từ Mỹ và EU Xuất khẩu cá tra cần “giành lại” tăng trưởng từ Mỹ và EU

Hai quý đầu năm 2017, tổng giá trị XK cá tra đạt 836,4 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị XK giảm liên tiếp tại hai thị trường lớn là Mỹ, EU

07/08/2017
Ecuador: Xuất khẩu tôm đạt kỷ lục nửa đầu năm 2017 Ecuador: Xuất khẩu tôm đạt kỷ lục nửa đầu năm 2017

Theo thông tin từ Cục Nuôi trồng Thủy sản Ecuador, Xuất khẩu tôm Ecuador đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2017.

07/08/2017
Triển vọng với nuôi cá biển Triển vọng với nuôi cá biển

Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá biển. Đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng

07/08/2017