Chanh rừng trên đỉnh Mẫu Sơn
Bà con dân tộc Dao ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bước vào vụ thu hoạch chanh rừng, cho thu nhập đáng kể.
Thu hoạch chanh rừng.
Với độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, núi Mẫu Sơn là địa điểm lý tưởng cho sự sinh trưởng của các loại cây đặc sản, trong đó có chanh rừng. Loài quả này nhỏ hơn chanh thông thường, khi chín vỏ màu vàng, ăn cả vỏ thì ngọt, bùi và thơm, nếu bỏ vỏ ăn lõi thì hơi chua.
Chanh rừng ngâm muối hoặc mật ong có tác dụng chống viêm họng, ho. Cũng do vị thơm nên mỗi gia đình người Dao ở Cao Lộc đều có một lọ chanh rừng ngâm ớt để làm nước chấm. Do có giá trị kinh tế cao, người dân Mẫu Sơn đã ươm trồng chanh rừng, thay vì để mọc tự nhiên như trước kia.
Gia đình ông Dương Dì Mình ở thôn Khuổi Tao, xã Công Sơn cho biết: Gia đình tôi có gần 1.000 cây chanh rừng được trồng từ năm 1997, sau khoảng 5-7 năm thì đơm hoa và đậu quả. Những bông hoa chanh rừng màu trắng, nhỏ xíu nở từ gốc đến ngọn và nở gối vụ thu hoạch.
Thời gian chanh rừng chín rộ vào tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. Cây trưởng thành có thể cho thu hoạch khoảng 50-100 kg quả mỗi vụ. Người trồng thường thu hái quả khi còn xanh vỏ đem về bán hoặc ngâm với măng ớt chỉ thiên vì quả xanh sử dụng tốt hơn và được ưa thích hơn những quả đã chín vàng.
Tuy nhiên, việc thu hái chanh rừng không đơn giản vì chiều cao trung bình của cây trưởng thành là 3-5 m. Thân cây thẳng, lá nhỏ, có nhiều gai, cành nhánh nhỏ nên phải lấy thang kê vào gốc cây rồi dùng 2 đoạn tre dài, cứng, chắc chắn đặt lên thang và thân cây rồi trèo lên đó đứng hái. Trong tay luôn sẵn chiếc móc sắt để kéo những cành phía xa lại gần.
"Nhà tôi thu chanh rừng mang xuống chợ Bản Ngà, chợ Lộc Bình, chợ thành phố Lạng Sơn, cửa khẩu Chi Ma bán, thi thoảng có thương lái đến tận nhà mua. Năm nay chanh rừng sai quả nếu không hái nhanh quả chín vàng rụng hết”.
Chanh rừng có giá cao hơn chanh thường.
Chia sẻ về cách trồng chanh rừng, ông Dương Dì Mình cho biết, chỉ cần lấy hạt chanh về ươm rồi trồng xuống đất, cũng không cần chăm sóc nhiều, cây tự lớn là chính. Mỗi năm người trồng phải phát quang quanh gốc.
Bà Triệu Mùi Say ở thôn Thác Đây, xã Công Sơn có 300 cây chanh rừng, mỗi năm thu hoạch được 700 kg quả, đem lại trên dưới 50 triệu đồng.
Bà Say cho biết: “Giá chanh rừng đầu vụ cao nhất là 70.000 đồng/kg, trung bình là khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Chanh khi ngâm được bán với giá 70.000-80.000 đồng/lọ 1 lít. Nhờ cây chanh rừng mà gia đình tôi có tiền đầu tư vào phát triển kinh tế, lo cho con cái ăn học...”.
Ông Triệu Trần Lừu, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Hiện toàn xã mới chỉ có gần 5ha chanh rừng. Chính quyền khuyến khích người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng, hàng năm đều phân bổ hạt giống xuống các thôn để người dân ươm trồng...
Có thể bạn quan tâm
Chăm sóc vườn rau đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cô bảo “Mình có đất đai, phải chịu khó lao động để tạo nguồn thu, ổn định cuộc sống gia đình”.
Ấu là loại cây trồng thích hợp ở những vùng đất trũng thấp nên được bà con nông dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, lựa chọn trồng trong mùa nước nổi
Trên diện tích 1.800m2 đất chuyển đổi, chị kết hợp trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó chị đã đưa gia đình thoát nghèo, làm giàu chính