Chăn nuôi - trụ cột ngành nông nghiệp
Không phải vô cớ mà nhiều đại gia sẵn sàng bỏ hàng ngàn tỷ đồng để phát triển chăn nuôi, mà chủ yếu các nhà đầu tư dựa vào thị trường và hiệu quả của ngành chăn nuôi trong tương lai gần. Việc đánh giá đúng vai trò của ngành chăn nuôi đã cho thấy nông nghiệp đang dần đi vào quỹ đạo của nền kinh tế hiện đại.
Trong ảnh: Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi trong nước
Trụ cột và tiềm năng
Một thực tế là các nước càng phát triển lại càng đánh giá cao vị trí của ngành chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp. Ước tính giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi chiếm 1,4% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và ngành này liên tục tăng trưởng trong hai mươi năm qua.
Rất nhiều người ngạc nhiên trước “sức tấn công” của bò Úc, gà Mỹ… vào thị trường Việt Nam, nhưng ít ai biết được rằng chăn nuôi là một trong những ngành rất phát triển và được chú tâm đầu tư nhiều ở các nước phát triển, thậm chí giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi chiếm 40% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp tại nhiều quốc gia phát triển. Rõ ràng, so với ngành trồng trọt thì chăn nuôi rất được chú ý tại các nước này.
Nếu như trước kia, ngành chăn nuôi chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa của các cường quốc thì ngày nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa, sản phẩm của ngành chăn nuôi đã được xuất khẩu nhiều và thống kê cho thấy ngành chăn nuôi đã đóng góp tới 17% giá trị xuất khẩu của nông nghiệp thế giới
Tiềm năng của ngành chăn nuôi còn được mở ra trong dăm năm gần đây do xu hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, hạn chế sử dụng phân bón hóa chất và chính ngành chăn nuôi lại cung cấp phân bón cho ngành trồng trọt sạch.
Thị trường hấp dẫn
Ước tính thế giới vẫn còn 1 tỷ người suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng và cần nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Trong bối cảnh đó, các sản phẩm từ chăn nuôi vẫn luôn có một vị trí “ông hoàng” tại các siêu thị và chợ, bởi ngành chăn nuôi cung cấp 33% nhu cầu protein cho loài người. Không ngạc nhiên khi con số tăng trưởng của ngành chăn nuôi như thể là “vô hạn”, bởi ước tính sản lượng thịt trên toàn thế giới sẽ tăng từ 229 triệu tấn (năm 1991/2001) lên 465 triệu tấn (năm 2050).
Tại Việt Nam, dự báo đến năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ thịt tại Việt Nam sẽ vượt mốc 4 triệu tấn (trong đó 65% là thịt heo). Tốc độ phát triển ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng phản ánh xu thế thời đại khi chỉ riêng ngành gia cầm đã thu hút 8 triệu hộ tham gia. Các trang trại chăn nuôi cũng mọc lên khắp đất nước.
Trong năm 2016, ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm thì chăn nuôi vẫn giữ mức tăng trưởng 5%. Sản lượng lợn hơi tăng thêm khoảng 500.000 tấn, gia cầm 200.000 tấn và trên 1,5 tỷ quả trứng, ngành chăn nuôi đóng góp thêm khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành chăn nuôi đạt kết quả tăng trưởng cả năm khoảng hơn 6%, cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây và dự báo sẽ còn tăng trưởng đáng kể trong năm 2017.
Con đường xuất khẩu
Khi nền chăn nuôi phát triển mạnh, cung đủ cầu thậm chí có thể vượt cầu, lượng vốn đầu tư cho ngành tăng nhanh, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là một xu thế tự nhiên.
Cũng trong bối cảnh trồng trọt, thủy sản đều xuất khẩu mạnh thì việc ngành chăn nuôi không muốn “thua chị kém em đặt ra mục tiêu xuất khẩu cũng là điều dễ hiểu.
Với vị trí địa lý rất thuận lợi cho chăn nuôi cả gia súc, gia cầm, thủy cầm, lại có lợi thế nhân lực, tận dụng các sản phẩm từ trồng trọt… có thể nói Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lớn. Song để đạt được mục đích này, Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy nhiều điểm cần khắc phục. Trong đó, các doanh nghiệp cho rằng con giống là vấn đề lớn nhất. Do ngành giống của ta không phát triển, thường dùng con thịt để làm con giống, nên các giống quý bị thoái hóa rất nhiều. Ngoài ra cũng ít trang trại và công ty làm giống. Việc nhập khẩu giống từ các nước đang diễn ra ồ ạt, thậm chí với mức tăng gần 30% mỗi năm đã phản ánh tình trạng yếu kém của ngành giống.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ lạc hậu cũng khiến cho giá thành của sản phẩm chăn nuôi và thương hiệu của các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam chưa tốt. Tại hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tác động đối với Việt Nam” được tổ chức tại TP. Vũng Tàu tháng 6/2016, Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, cho rằng thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi trong nước là giá thành sản phẩm cao hơn 25 - 30% so với các nước cùng tham gia TPP.
Một vấn đề lớn khác mà ngành chăn nuôi sẽ phải đối diện khi phát triển ở quy mô lớn, đó chính là môi trường. Khá nhiều nhà đầu tư đã không thể triển khai dự án của họ do chi phí xử lý ô nhiễm trong ngành chăn nuôi rất tốn kém. Một mặt, doanh nghiệp muốn nhận được các chính sách ưu đãi khi phát triển các dự án chăn nuôi, để tập trung nguồn lực giải quyết ô nhiễm. Mặt khác, các nhà khoa học và cơ quan khoa học cần tích cực nghiên cứu để giảm thiểu ô nhiễm trong không khí, nước, đất đai khi phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại tập trung. Chính bản thân việc xử lý ô nhiễm là tiền đề để cung cấp các sản phẩm sạch có sức cạnh tranh cao và mở ra cơ hội xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Liệu những chú heo có thực sự hạnh phúc? Bạn sẽ biết câu trả lời khi tới tham quan trang trại nuôi heo hữu cơ siêu hiện đại Ekovar Wennekers ở Hà Lan
Ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững…
Năm 2016, Việt Nam có những biến động liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm,Và lúc này, khái niệm chăn nuôi bền vững được nhắc đến nhiều