Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP: Góp phần đưa thực phẩm an toàn ra thị trường
Từ năm 2010, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi lợn. Việc áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi không chỉ giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Anh Đào Văn Thân cho lợn ăn bằng máng ăn tự động
Năm 2010, Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP - Lifsap” đã được triển khai ở 4 xã của tỉnh Hưng Yên, bao gồm: Đình Dù (Văn Lâm); Tân Tiến (Văn Giang); Liên Khê (Khoái Châu); Dị Chế (Tiên Lữ) và từ năm 2014 thêm 2 xã Mễ Sở (Văn Giang) và Thụy Lôi (Tiên Lữ). Đến nay, toàn tỉnh có 1.000 hộ tham gia dự án, chăn nuôi khoảng 30.000 con lợn.
Mục tiêu của dự án là tăng trưởng bền vững ngành chăn nuôi và ATTP trong sản phẩm động vật, tăng cường quản lý Nhà nước về các hệ thống an toàn và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng cường sản xuất các sản phẩm động vật chất lượng an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn góp phần cải thiện đời sống cho cộng đồng.
Tham gia dự án, các hộ nông dân sẽ chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học được triển khai theo quy trình khép kín từ cung ứng con giống, quy trình chăn nuôi và sản phẩm không có dư lượng thuốc kháng sinh, hooc - môn tăng trưởng, nhiễm ký sinh trùng khi cung ứng đến người tiêu dùng. Các hộ được hỗ trợ các dụng cụ chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ chi phí sửa chữa, nâng cấp chuồng trại; hỗ trợ chi phí xây hầm biogas với mức 200USD/hầm. Định kỳ hàng năm, dự án tổ chức lấy mẫu cám ở các hộ chăn nuôi và các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi trong vùng GAHP để kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng, chất cấm và hàm lượng chất tồn dư trong sản phẩm…
Để có dấu hiệu nhận diện sản phẩm sạch, Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP - Lifsap” đã thực hiện thí điểm việc bấm thẻ tai cho lợn của các hộ tham gia nhóm GAHP. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 con lợn được bấm thẻ tai để tạo căn cứ xác định sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Sau 5 năm triển khai Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP - Lifsap” tại Hưng Yên, ý thức của người chăn nuôi đã được nâng cao để cung cấp những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng. Người chăn nuôi trong vùng GAHP đã biết chủ động bảo vệ đàn lợn của mình thông qua việc tiêm phòng các loại vắc - xin theo quy định, vệ sinh chuồng trại hàng ngày cũng như phun thuốc sát trùng định kỳ để phòng chống dịch bệnh.
Tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP - Lifsap”, chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP, gia đình ông Phạm Văn Là, ở thôn Dị Chế, xã Dị Chế (Tiên Lữ) được hỗ trợ các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để trực tiếp phục vụ cho việc chăn nuôi. Cùng với đó, ông thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng vắc - xin và phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh khu vực chuồng nuôi bảo đảm luôn sạch sẽ, thoáng đãng. Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình ông luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, cho nguồn thịt sạch, bảo đảm chất lượng, an toàn, là địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái. Ông Là chia sẻ: “Trước đây, vào mỗi đợt giao mùa, dịch bệnh bùng phát, có năm đàn lợn nhà tôi bị “trúng” dịch, nhiều con bị bệnh, bị chết trong chuồng, nhìn mà bất lực. Tham gia vào nhóm chăn nuôi theo quy trình VietGAP, được học và tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, 3 năm nay, lứa lợn nào của gia đình tôi cũng khỏe mạnh, xuất chuồng nhanh. Tôi không còn phải lo lắng mỗi đợt dịch bệnh bùng phát nữa”.
Không riêng gì gia đình ông Là, nhiều hộ chăn nuôi khác trong tỉnh Hưng Yên cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và đều mang lại hiệu quả cao. Ðến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Đào Văn Thân, xã Tân Tiến (Văn Giang), một trong những hộ chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh được bố trí hợp lý, khoa học, thông thoáng, sạch sẽ. Anh Thân cho biết: “Chăn nuôi theo quy trình VietGAP vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm sản phẩm mình làm ra an toàn. Sai sót trong quá trình chăn nuôi được phát hiện kịp thời, truy nguyên theo sổ ghi chép để có biện pháp khắc phục. Các hộ chăn nuôi trong nhóm GAHP phải bảo đảm sản phẩm an toàn theo 29 tiêu chí GAHP đề ra như: Không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán lợn mới được tiêm thuốc kháng sinh, chưa đủ thời gian cách ly ra thị trường… ”.
Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Lợi ích khi áp dụng quy trình VietGap vào chăn nuôi là giúp các hộ chăn nuôi nắm được quy trình kỹ thuật chăn nuôi khoa học tiên tiến, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn, cho năng suất, hiệu quả cao. Với những hiệu quả dự án mang lại, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập và cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi, cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Việc áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ môi trường, mang đến sản phẩm sạch
Quy trình thực hành chăn nuôi lợn theo VietGAHP. Mô hình chăn nuôi lợn VietGAP