Chăm Sóc Ngô Giai Đoạn Sắp Thu Hoạch
Ngô là cây dễ trồng, nhưng các khâu kỹ thuật chăm sóc thế nào để đạt năng suất cao, chất lượng hạt tốt, nhất là thời kỳ chuẩn bị thu hoạch thì không phải ai cũng biết và làm đúng.
Chúng tôi đã sưu tầm được một số kinh nghiệm hay của nông dân các nơi và ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề này:
1. Không nên cắt phần thân phía trên khi bắp ngô chưa chín già
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Ngô: lá ở thân có vai trò quang hợp và tích lũy chất khô; lá ngọn làm nhiệm vụ bảo vệ cờ đồng thời cũng là lá công năng góp phần quang hợp và tích lũy chất khô; lá bi là những lá bảo vệ bắp ngô nhưng những lá ngoài vẫn có khả năng quang hợp tạo thành chất hữu cơ nuôi hạt. Sau khi được thụ phấn, thụ tinh hạt ngô chuyển sang thời kỳ biến đổi và tích lũy các chất dự trữ nuôi hạt nên đây là thời kỳ rất quan trọng quyết định năng suất và phẩm cấp ngô.
Thời kỳ này thường trải qua 3 giai đoạn: chín sữa, chín sáp và chín hoàn toàn. Lượng chất khô tích lũy được trong thời kỳ chín sữa chiếm khoảng 30-35% khối lượng hạt, thời kỳ chín sáp 60-65%, thời kỳ chín hoàn toàn tốc độ tích lũy chất khô giảm dần và lá chuyển sang vàng từ dưới lên. Như vậy thời kỳ chín của hạt thì lá ngô có vai trò rất quan trọng trong quang hợp tạo chất khô để nuôi hạt, nhất là các lá ngọn.
Một số nơi bà con tận dụng thu hoạch những lá già, lá khô nhằm mục đích tạo độ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh đồng thời tận dụng làm thức ăn cho trâu bò rất tốt. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều bà con đã lạm dụng cắt bỏ cả những lá ngô còn xanh để chăn nuôi trâu bò hoặc làm thức ăn nuôi cá; một số nơi còn cắt phần thân phía trên bắp khi cây ngô còn xanh trong khi hạt chỉ đang ở thời kỳ chín sáp, với mục đích là để ngô chín nhanh hơn. Thực ra làm như vậy sẽ giảm năng suất và chất lượng hạt rất lớn, hạt ngô nhăn nheo, màu sắc xấu và chất lượng kém.
Vì vậy, biện pháp chăm sóc tốt nhất để ngô cho năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời vừa có thể tận dụng lá để làm thức ăn cho trâu bò thì bà con nên thu từng lá bắt đầu ngả vàng từ dưới lên, ít nhất cũng phải đảm bảo được từ 6 đến 8 lá trên cùng cho tới khi thu hoạch bắp.
Đối với những ruộng ngô gieo muộn, nếu để chín hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến thời vụ của cây trồng sau trong khi ngô chín mà cần giải phóng đất thì nên chặt cả thân lẫn bắp đem về để ít ngày giúp cho hạt chắc thêm rồi hãy tách bắp ra. Với những vùng đất bãi, nếu cây trồng sau là đậu, đỗ, vừng… thì nên gieo gối vụ, khi đó căn cứ vào mức độ phát triển của cây trồng gối mà tỉa lá ngô hợp lý nhằm đảm bảo có đủ ánh sáng cho cả hai loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
2. Khử cờ đúng lúc làm tăng năng suất và chất lượng ngô rau bao tử: Trong thời gian trổ cờ, nếu cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường và điều kiện thời tiết thuận lợi (nhiệt độ vừa phải, không hanh khô, không mưa dầm, gió nhẹ) thì bà con có thể cắt bỏ 2/3 số cờ (cứ 3 cây cắt bỏ 2 cây) khi cờ chưa tung phấn và không được cắt bớt lá có thể làm tăng năng suất thêm từ 5-8% vì dinh dưỡng không phải nuôi cờ và hạn chế được rệp cờ gây hại. Nếu cắt cờ muộn, sau khi ngô đã tung phấn thì không còn ý nghĩa.
Với cây ngô bao tử (ngô rau) cần được khử cờ ngay khi cờ chưa tung phấn có thể làm tăng số lượng bắp non trên 1 thân cây ngô (thường là có thể thu được 2 bắp non thay vì 1 bắp), đồng thời chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn so với không khử cờ. Nguyên nhân là do cây không phải nuôi cờ và bắp non sẽ mịn giò hơn do không được thụ phấn, thụ tinh.
Có thể bạn quan tâm
Trong thời gian qua, tình trạng ngô lai khi thu hoạch lại chỉ thu được ngô không hạt, hoặc đóng hạt ít, bị khuyết hạt, ngô "trọc đầu" v.v... xảy ra ở nhiều nơi từ Nam chí Bắc.
Các giống thí nghiệm cho năng suất cao nhất ở mật độ 8 vạn cây/ha với khoảng cách 50x25cm, chỉ riêng giống LVN10 là ở 7 vạn cây/ha và khoảng cách 50x28cm hoặc 40x35cm
Tháng 10 hằng năm là vụ thu hoạch ngô lớn của nhiều tỉnh phía Bắc. Để giảm tổn thất và duy trì chất lượng sản phẩm thì công đoạn bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. Bà con có thể tham khảo một số cách bảo quản
Giống ngô ngọt là giống lai đơn F1, phần lớn được sản xuất tại Thái Lan, nên rất phù hợp với thời tiết khí hậu nước ta. Mặt khác, nông dân Việt Nam đã quen với việc trồng ngô, nên trồng ngô ngọt yêu cầu kỹ thuật cũng không có gì cách biệt lắm. Hiện nay trên thị trường đang bán các giống ngô ngọt Sugar 75, Star Brix, Seminis, Hoa Trân.
Tiến sĩ Nguyễn Thùy Châu - Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa nghiên cứu thành công giải pháp chống nấm mốc trên ngô một cách hữu hiệu: sử dụng chế phẩm Bacillus Pumillus.