Chăm sóc gia súc, gia cầm thời điểm giao mùa
Hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột nắng, nóng, mưa ẩm xen kẽ làm cho gia súc gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần áp dụng tốt một số biện pháp sau:
Chuồng trại
– Cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ môi trường giảm hoặc xuống thấp cần giữ ấm cho đàn vật nuôi nhất là gia súc, gia cầm còn non, mới đẻ (cần có bóng điện, chụp sưởi…).
– Định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng bằng các loại hóa chất như vôi bột, iodine,Vikol,.. Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tăng cường thu gom chất thải, quét dọn chuồng nuôi, hàng ngày rửa sạch máng ăn máng uống.
Chăm sóc nuôi dưỡng
– Cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, dễ tiêu, phù hợp với lứa tuổi của đàn vật nuôi. Bổ sung điện giải Bcomlex, vitamin, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật. Đối với lợn con tập ăn và gà con ở giai đoạn úm tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Với trâu bò, dê cừu cần cân đối lượng thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, chủ động nguồn thức ăn thô xanh bằng biện pháp dự trữ rơm khô, ủ chua thức ăn xanh nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn cho con vật trong thời điểm khan hiếm cỏ.
– Những ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm, thực hiện tốt quy trình úm cho vật nuôi giai đoạn nhỏ. Với bê nghé non cho đi chăn thả muộn, cho về sớm.
Phòng bệnh cho vật nuôi
– Tiêm phòng đầy đủ các loại văc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh.
– Có thể sử dụng các loại thảo mộc có thành phần kháng sinh như tỏi, gừng, nghệ… trộn vào thức ăn hoặc nước uống của vật nuôi để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như hen suyễn, tiêu chảy, THT…
– Hàng ngày kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm những con có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, thích nằm…) cần tách riêng để theo dõi, điều trị, nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng, lây lan nhanh cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
– Khi mua giống vật nuôi mới về, cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất 10-15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới nhập vào khu chăn nuôi cũ.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết nắng nóng, thức ăn gia súc khan hiếm, nông dân Nghi Lộc dùng cây lạc khô, ngô nghiền làm thức ăn cho gia súc.
Sau tết nguyên đán người chăn nuôi đang tập trung tái đàn. Để đảm bảo tái đàn có hiệu quả bà con chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
Tại các tỉnh Bắc bộ, bệnh đạo ôn hại tăng, nhất là trên các giống nhiễm, những diện tích lúa xanh tốt bón thừa đạm trong điều kiện thời tiết thuận lợi.