Chăm sóc để hoa mai nở đúng dịp Tết
Những ngày cuối năm, không khí se lạnh cũng là lúc những người trồng hoa mai tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) bắt đầu các công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho mùa vụ lớn nhất trong năm.
Cần bổ sung nhiều dinh dưỡng để hoa mai nở đúng dịp Tết nguyên đán. Ảnh vietlinh
Nhiều năm qua, việc hoa mai nở sớm thời điểm giao mùa khoảng tháng 10 âm lịch là hiện tượng bình thường, tuy nhiên người dân trồng cũng phải xử lý tốt việc cho hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Theo nhiều hộ trồng hoa mai, để có một cây mai vàng đẹp, nở đúng thời điểm Tết đòi hỏi người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút tỉ mỉ suốt cả năm chứ không chỉ trong những ngày cận Tết. Trước khi xử lý cho mai vàng ra hoa, yêu cầu trước tiên là phải chăm sóc cho cây phát triển sung mãn, cành lá xanh tốt. Để thỏa mãn yêu cầu này, người trồng mai cần áp dụng một chế độ bón phân, tưới nước hợp lý và phòng ngừa hữu hiệu một số đối tượng sâu bệnh hại thường thấy trên cây mai.
Với kinh nghiệm trồng hoa mai lâu năm, ông Lê Hồng Nhãn - Chủ vườn mai Thảo Uyên thuộc ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Phải cung cấp nước thường xuyên để cây mai phát triển và giúp chúng hấp thụ phân bón nhanh hơn. Mùa nắng nên tưới nước cho cây mỗi ngày hoặc cách ngày tưới nước một lần, tưới thẳng vào gốc và xịt tia nhỏ lên khắp tán lá. Vào mùa mưa, nếu có những ngày nắng gắt kéo dài xen kẽ thì cần tưới nước để giữ cho đất đủ ẩm”.
Ngoài ra, việc chăm sóc để tạo nụ hoa cho mai vàng cũng cần phải lưu ý. Vào khoảng tháng 2 - 3 âm lịch nên bắt đầu xử lý cắt bỏ tỉa cành tạo tán giúp cây lấy lại sức. Đến những tháng cuối năm, nên hạn chế bón phân nhằm khống chế tăng trưởng của thân lá, đồng thời giảm dần lượng nước tưới để giúp cây mai phân hóa mầm hoa tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiền ngụ ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Vào thời điểm 23/12 âm lịch nhà vườn phải xử lý sao cho những nụ hoa bung vỏ lụa thì hoa mai mới nở đúng vào những ngày Tết. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, có tính quyết định đối với khả năng ra hoa nhiều hay ít của cây mai. Sau khi lặt lá, nếu mai cho nụ hoa nhỏ và có khả năng nở hoa trễ, phải xử lý bằng cách tưới thêm nước vào giữa trưa, sáng sớm nên tưới nước ấm để kích thích và giúp cây mai hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ban đêm nên thắp đèn sáng cho cây tăng cường quang hợp và nở hoa sớm hơn. Ngoài ra, thời điểm giữa trưa mỗi ngày cần tưới phun sương liên tục từ 10 - 15 phút để làm mát môi trường, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tối đa”.
Bên cạnh đó, khi lặt hết lá mai người dân nên ngưng tưới nước một vài ngày, rồi sau đó tiếp tục tưới nước trở lại bình thường để cây ra hoa tốt. Điều hết sức quan trọng là khi cây mai phát triển bình thường thì không được dùng phân bón tưới vào gốc, hoặc phun vào nụ hoa. Bởi lúc này cây mai không còn lá, nên việc bón phân sẽ làm cho cây dễ bị ngộ độc.
Để xử lý cho hoa mai nở đúng Tết, ngoài việc lặt lá, nhà vườn nên quan tâm đến một số yếu tố khác như: điều kiện thời tiết, sự phát triển sung mãn của cây mai và nhất là lưu tâm đến hình dạng mầm hoa. Nếu mầm hoa đủ thời gian sinh trưởng, có hình dạng như quả trứng với 2 - 3 vỏ trấu bao bên ngoài thì nên lặt lá cách Tết 13 - 14 ngày. Còn ngược lại, mầm hoa chưa phát triển đầy đủ sẽ có dạng hình thoi nhọn với 3 - 4 vỏ trấu bao bên ngoài để mầm hoa có thời gian phân hóa.
Nếu thực hiện tốt những yêu cầu trên, người trồng mai sẽ có cơ hội chủ động cho cây mai vàng trổ nhiều hoa đẹp vào đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, việc đưa cây màu xuống luân canh trên chân ruộng được nông dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng bởi mai mang lại hiệu quả kinh tế cũng như những lợi ích
Không gian thoáng đãng gần bờ sông Tiền mênh mông nên ông Hiền đã nảy ra ý tưởng làm vườn du lịch để đón khách tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí
Bọ cánh cứng trưởng thành thường xuất hiện trên vườn cam (cây nhỏ dễ quan sát) vào 6 - 8 giờ tối và hành vi phá hoại là cắn lá non làm thức ăn