Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi bò

Chăm sóc bò cái trước và sau khi sinh

Chăm sóc bò cái trước và sau khi sinh
Tác giả: NCN
Ngày đăng: 19/02/2016

1. Bò cái mang thai bao lâu?

Từ ngày phối giống, bò cái mang thai 280-285 ngày (chín tháng).

2. Trước khi đẻ bò cái có hiện tượng gì rõ nét?


Trước khi đẻ 4-2 ngày thì bò ăn uống bất thường, chân cào đất, không thích nằm mà cứ đi, đứng không yên.

Thỉnh thoảng bò rặn đái, cong đuôi lên, đầu ngoái nhìn ra phiá sau. Bộ phận sinh dục sưng lên, có nước nhờn chảy ra, bầu vú căng lên nở to.

Hai ngày trước khi đẻ thì mông sụt xuống và khi sắp đẻ thì nước ối chảy ra, giúp bê con ra dễ dàng.

Bò đẻ lứa đầu chuyển bụng kéo dài 10-15 giờ, các lứa sau 3-6 giờ.

Bò đẻ bình thường thì hai chân và đầu ra trước, ra tự nhiên, không cần nắm hai chân “phụ” lôi ra như một số người “đỡ đẻ” là “mụ” bò.

Chỉ khi nào bê (bò con) to, lúc ấy mới nắm lấy hai chân bò lôi thật nhẹ, từ từ, giúp bẹ ra dễ dàng, kéo theo nhịp rặn của bò mẹ.

Nếu thai ra ngược chiều thì nhè nhẹ dùng tay xoay cho đầu và hai chân trước ra trước, không có gì khó khăn cả, chỉ là việc làm bình tỉnh, khéo tay nhẹ nhàng.

Xoay cho thuận chiều xong, cứ để bò cái rặn đẻ, không nên kéo bê ra, ngược với tự nhiên có khi tổn thương cả bê lẫn bò mẹ.

Người đỡ cho bò đẻ thật ra là đứng chờ để giúp bò mẹ khi cần, không phải như một số “mụ” để ăn tiền công cho đáng, cứ lăng xăng làm đủ thứ việc, cố tỏ ra không có mình thì bò cái không thể … mẹ tròn con vuông.

3. Trường hợp thai chết thì phải làm sao để đem ra?


Đây là việc làm khó khăn cần khéo tay tìm cách đem ra, nếu không, sẽ chết cả bò mẹ.

Nên tìm bác sĩ thú y nhờ đến giúp là tốt hơn cả, đừng tin vào các “mụ” khoe đủ thứ mà không làm được bao nhiêu.

4. Nhau bò sau khi đẻ tự nó ra hết hay phải giúp cho nó ra?

Nhau bò sau khi nó đẻ thì khoảng 30-60 phút đã ra hết, trễ lắm là 2-3 giờ sau cũng tự động ra.

Ở miền Bắc thường cột một vật nặng độ nữa ký vào nhau để nó lôi nhau ra từ từ, thì không cần giúp gì cả.

5. Nếu nhau bò không chịu ra (nhau sát) thì phải làm thế nào?

Nếu sau một ngày (12 tiếng) mà nhau không tự động ra hết thì đấy là nhau sát thì phải nhờ bác sĩ thú ý can thiệp, móc nhau ra.

Nhau sát là hiện tượng lá nhau bám chặt vào thành tử cung, nếu bóc không khéo làm vỡ mạch máu, gây băng huyết, khó mà cầm cho được.

Chỉ có bác sĩ thú y mới đủ chức trách để xử lý trường hợp cực kỳ khó khăn này, không nên tự ý móc nhau ra, nguy đến tính mạng của con bò mẹ, bỏ con bê vừa ra đời, rất khó tìm con bò cái khác đang vắt sữa để cho bú tiếp.

6. Sau khi bò cái đẻ xong, nên cho ăn uống ra sao?

Cho bò uống nước ấm có pha một ít muối, và cho ăn cháo gạo nếp lức (nếu gạo nếp trắng thì pha cám y vào), cỏ non còn tươi, khoai lang, bí đỏ (bí rợ, bí ngô), đậu phộng hạt (lạc).

Bò cái cần nhốt riêng trong nhà suốt 7-10 ngày, không nên thả sớm cho nhập bầy với đàn bò đang có.

7. Chăm sóc như thế nào cho đúng cách?

Dùn nước thuốc tím (pha thuốc tím loãng) rửa sạch các chỗ dính máu ở phần đít bò cho kỹ, tránh ruồi, nhặng bâu vào.

8. Chăm sóc bê sơ sinh thế nào cho hợp vệ sinh?

Mang găng tay sạch (thanh trùng) móc hết nhớt trong họng bê ra. Dùng giẻ sạch lau mõm, mũi bê thật kỹ.

9. Nếu sinh chậm (kéo dài thời gian bê chui) bê bị ngạt thì làm sao?

Cạy ngay mõm bê ra, kéo lưỡi ra vào nhịp thở đến khi bê thở được bình thường.

Đấy là tình trạng bê bị ngạt, chớ nếu đã chết ngạt (không lâu) thì xoa bóp lồng ngực làm hô hấp nhân tạo, nếu chết ngạt lâu thì đành chịu.

Nếu bò mẹ liếm sạch nhớt trên mình bê thì thôi, bằng không thì dùng giẻ lau sạch mình bê, đặt vào ổ rơm.

Trời lạnh nhiều (mùa Đông), giá rét (ở Bắc bộ) thì cần sưởi ấm cho bò mẹ và bò con.

Bò mẹ mới đẻ rất yếu, chịu lạnh kém. Nên khi sưởi thì sưởi cả mẹ và con tránh đốt con cúi rơm ở gần chỗ có rơm, gần vách vì đề phòng hoả hoạn.

Rốn của bê con nên dùng Teinture d’iode (ten-tuya-dốt) để sát trùng và để nó tự rụng, vì không thể băng lại như ở trẻ sơ sinh.

Sau khi được đẻ ra, bao lâu thì cho bê bú lần đầu?

Một giờ sau khi được đẻ ra, bê bú sữa non lầu đầu tiên. Sữa non rất cần thiết để kích thích tiêu hoá, ức chế một số vi khuẩn, miễn dịch một số bệnh.

10. Chế độ ăn uống của bò “sản phụ”?

Bò cái hậu sản cần cho ăn uống ngay cách chất bổ mà “sản phụ” khoái khẩu để bò mau lấy lại sức.

Bò càng ăn nhiều chất bổ càng hứa hẹn trong những ngày tới cho sữa cao sản, do vậy cần đem lại cho sản phụ bò những thức ăn nó vẫn thích như cỏ non tươi tốt, đậu phộng (lạc), bắp hạt (ngô), dây đậu, tốt nhất là dây đậu rồng, khuấy nước pha sữa bột nhập loại tốt (tránh loại bán trên thị trường giá rẻ (30.000-31.000 đồng/ký)) vì loại này pha 1/3 đậu nành (đỗ tương) xay mịn, cho bò uống rất có hại.

Hiện nay bột đậu nành sống làm cho sữa nhập bị pha vào gây hại cho người cũng như gia cầm, gia súc uống vào, vì đậu nành sống ngăn việc hấp thụ (hút vào và tiêu thụ) các sinh tố nhóm B, làm tê bại.

Bò uống nước cám pha sữa sau khi sinh đẻ để nhanh chóng lấy lại sức nhưng nên mua nguyên thùng sữa đừng mua thứ bán rời từng ký một, như thế mới tránh được tình trạng pha thêm bột đậu nành sống vào, hoặc rang chưa chín kỹ, rất có hại.


Có thể bạn quan tâm

Một số bệnh sinh sản trong chăn nuôi bò sữa Một số bệnh sinh sản trong chăn nuôi bò sữa

Các giống bò sữa hiện nuôi ở nước ta đều có nguồn gốc từ các nước ôn đới nên khả năng chống chịu với bệnh tật không cao, tỷ lệ máu ngoại càng cao thì sức đề kháng càng giảm. Bên cạnh đó việc khai thác sữa và chế độ nuôi dưỡng chăm sóc không phù hợp dễ làm bò mắc một số bệnh. Sau đây là một số bệnh sinh sản thường gặp trong nghề chăn nuôi bò sữa.

19/02/2016
Cách xác định bò động dục và thời điểm phối giống thích hợp cho bò cái Cách xác định bò động dục và thời điểm phối giống thích hợp cho bò cái

Những biểu hiện ban đầu của bò khi đến thời kỳ động dục và phương pháp phối giống hiệu quả.

19/02/2016
Những Thức Ăn Cần Thiết Cho Bò Sữa Những Thức Ăn Cần Thiết Cho Bò Sữa

Thức ăn cho bò sữa gồm 3 nhóm chính. Mỗi nhóm có đặc điểm dinh dưỡng riêng và có ảnh hưởng khác nhau đến năng suất, chất lượng, sức khỏe của bò sữa cũng như lợi tức của người chăn nuôi.

19/02/2016