Hồ Thùng, xã Đông Hải, tỉnh Trà Vinh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là cây thuốc cá. Ngược thời gian khoảng 10 năm về trước thì cây thuốc là cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những năm gần đây lợi nhuận thu từ cây thuốc cá không còn thu hút người dân, bởi giá rễ cây thuốc cá nhiều năm qua bị giảm mạnh và việc tiêu thụ cũng ngày càng khó khăn.
Trước thực trạng đó, nhiều nông dân ở ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải đã và đang tìm kiếm các giống cây trồng có giá trị kinh tế và đầu ra ổn định để thay đổi cơ cấu trồng. Nắm bắt được nhu cầu đó, Khoa Trồng trọt Trường Đại học Trà Vinh đã thực hiện mô hình trồng giống ớt xanh Hàn Quốc theo hình thức đầu tư cây giống, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Và mô hình trồng giống ớt xanh Hàn Quốc xen canh cây thuốc cá được người dân ấp Hồ Thùng tiếp nhận và áp dụng vào gieo trồng.
Để có được nguồn nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp, Tổ hợp tác trồng màu ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải vận động 22 thành viên thực hiện mô hình trồng giống ớt xanh Hàn Quốc. Ngay trong vụ thử nghiệm đầu tiên với giống ớt xanh Hàn Quốc vào canh tác theo hình thức xen canh với cây thuốc cá vào giữa tháng 10 âm lịch của năm 2011, các thành viên Tổ hợp tác trồng màu ấp Hồ Thùng đã trồng thử nghiệm 240.000 cây giống ớt xanh Hàn Quốc trên diện tích hơn 8 ha. Bước sang năm 2012, các hộ trồng giống ớt xanh Hàn Quốc ấp Hồ Thùng xã Đông Hải bước vào vụ thu hoạch. Sản phẩm ớt trái được doanh nghiệp đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 7.000 đồng đến 8.500 đồng/kg. Đến thời điểm giữa tháng 6/2012, Tổ hợp tác trồng màu ấp Hồ Thùng đã thu được hơn 30 tấn ớt trái thương phẩm.
Tuy là vụ đầu tiên trồng thử nghiệm giống ớt xanh Hàn Quốc trên vùng đất cát Hồ Thùng, nhưng hộ anh Huỳnh Thanh Hải đã mạnh dạn đầu tư và trồng 28.500 cây trên diện tích 9.000 m2 trồng xen canh với cây thuốc cá. Hiện tại gia đình anh đã thu hoạch được hơn 9 tấn trái. Khấu trừ các khoản chi phí tiền mua cây giống 350 đồng/cây, phân bón…, tổng chi phí khoảng 2,5 triệu đồng/1.000 m2 thì gia đình anh Hải đã có lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.
Anh Huỳnh Thanh Hải phấn khởi cho biết: Qua trồng thử nghiệm cho thấy giống ớt xanh Hàn Quốc này tỏ ra rất thích nghi với vùng đất cát ở ấp Hồ Thùng, cây phát triển nhanh và cho trái rất sai, bình quân 90 trái/kg. Sau khi trồng cây giống được 90 ngày là cho thu hoạch, cứ 3 ngày thì thu trái một lần, trung bình mỗi đợt thu được khoảng hơn 300 kg. Hiện nay rẫy ớt của anh đang phát triển rất tốt, có thể thu hoạch kéo dài trong vài tháng nữa.
Anh Huỳnh Thanh Hải còn chia sẻ: Mô hình trồng ớt xen canh cây thuốc cá có cái lợi là tận dụng được diện tích canh tác để tăng nguồn thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Nhưng, việc trồng xen canh này cũng có nhược điểm là khó cho việc thu hoạch trái và phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của cây ớt xanh Hàn Quốc đã được các thành viên trong Tổ hợp tác ghi nhận. Anh Hải cho biết, trong vụ sản xuất tới gia đình anh sẽ trồng chuyên canh cây giống ớt xanh Hàn Quốc, với diện tích mở rộng thêm khoảng 2 ha. Để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch, theo anh Hải nên trồng với tỷ lệ khoảng 2.500 cây/1.000 m2, thay vì 3.000 cây/1.000 m2 như hiện nay. Và nên xuống giống vào khoảng tháng 8 âm lịch là thích hợp nhất.
Hộ anh Đặng Văn Tấn cũng trồng thử nghiệm 9.000 m2 giống ớt xanh Hàn Quốc. Đến thời điểm này gia đình anh đã thu hoạch được hơn 6 tấn trái, mang về nguồn thu hơn 40 triệu đồng, lợi nhuận đã trên 15 triệu đồng; trong khi thời gian thu hoạch sẽ còn kéo dài. Hay như hộ anh Trường Hoàng Nghĩa cũng có trên 9.000 m2 giống ớt xanh Hàn Quốc, sản lượng thu được cũng khoảng hơn 6 tấn trái. Nhìn chung, tất cả các thành viên tham gia trồng giống ớt xanh Hàn Quốc đều có lợi nhuận.
Theo ghi nhận của nhiều hộ trồng giống ớt xanh Hàn Quốc, ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, thì giống ớt này dễ trồng. Tuy nhiên, vấn đề đang được nhiều hộ trồng ớt xanh Hàn Quốc ở Hồ Thùng quan tâm, lo lắng là tình trạng ruồi đục trái làm cho trái bị thối và rụng rất nhiều, làm giảm sản lượng và thu nhập của người trồng ớt. Anh Huỳnh Thanh Hải và anh Đặng Văn Tấn, đề xuất: Để hạn chế tình trạng ruồi đục trái người trồng cần phải áp dụng biện pháp sinh học, kết hợp vệ sinh diện tích trồng ớt. Ngành chuyên môn cũng cần có hướng dẫn cụ thể cho người trồng cách phòng trừ tình trạng ruồi đục trái trên cây ớt nhằm hạn chế thiệt hại cho người trồng.
Cây ớt xanh Hàn Quốc bước đầu đã cho thấy khả năng thích nghi với vùng đất cát ven biển cũng như hiệu quả kinh tế và đầu ra ổn định của sản phẩm. Với kết quả trồng thử nghiệm giống ớt xanh Hàn Quốc tại Tổ Hợp tác trồng màu ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải có thể thấy cây ớt xanh Hàn Quốc đang là đối tượng cây trồng được nhiều nông dân hướng đến, nhằm mục tiêu thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng nguồn thu nhập cho nông hộ.