Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Cây lúa thiếu Kali

Cây lúa thiếu Kali
Tác giả: Ths. Phan Anh Thế
Ngày đăng: 09/03/2018

Hiện nay trên các giống lúa Khang dân 18, Thiên ưu 8, Thái xuyên 111… tại Nghệ An và Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng vàng lá gốc, lá chuyển nâu, nâu vàng

Nông dân Yên Thành lo lắng đi phun thuốc trừ bệnh

Người nông dân đang rất lo lắng, vì khó xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Nhiều nơi gọi là do sinh lý, nhiều nơi gọi là bệnh xám nâu...

Điển hình như xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An toàn bộ diện tích giống Thiên ưu 8 đều bị triệu chứng này. Ông Đặng Trọng Cử, Chủ nhiệm HTX Nam Long cho biết: “Chỉ trong vòng 3 ngày, hơn 200ha Thiên ưu 8 đều bị chuyển thành màu nâu vàng, chúng tôi đã hướng dẫn bổ sung Kali, không cần phun thuốc, vì chưa có bệnh nào đáng kể”.

Cũng hiện tượng này, xuất hiện trên giống Thái Xuyên 111 ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, trên giống Khang dân 18 và Thiên ưu 8 tại các xã của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh…

Tuy nhiên đây không phải là triệu chứng do nấm, vi khuẩn hay virus gây ra. Mà đây là triệu chứng chủ yếu do cây lúa bị thiếu hụt Kali. Nếu quá thiếu hụt này kéo dài, cây lúa sẽ bị rối loạn sinh lý và giảm sức đề kháng, là điều kiện để tác nhân gây bệnh tấn công.

Khi cây lúa thiếu kali, cây còi cọc, đẻ nhánh kém, héo úa lá gốc và xanh đậm lá phía trên. Các lá thấp có biểu hiện vàng, bắt đầu tử đỉnh lá, mép lá hoặc dọc theo gân lá tiếp đến lá chuyển sang màu nâu, nâu vàng cục bộ, hoặc màu nâu toàn bộ lá.

Triệu chứng thiếu hụt kali luôn diễn ra trên các lá già nhất trước, thiếu hụt kéo dài thì triệu chứng biểu hiện dần lên các lá phía trên. Trên đồng ruộng chúng ta sẽ quan sát thấy biểu hiện dạng cục bộ, theo hàng lối hoặc theo từng ô, do việc bón kali không đều, nên chỗ đủ, chỗ thiếu.

Tốc độ lá chuyển từ màu xanh sang màu nâu nhanh, khi thăm đồng ta thường có cảm giác như nó đang lây lan nhanh và nghĩ là bệnh gì đó. Vì triệu chứng này rất dễ nhầm với triệu chứng một số bệnh như đốm sọc vi khuẩn (Xanthomonas oryzicola) giai đoạn đầu hoặc bệnh bỏng lá lúa (Microdochium oryzae). Thường thì nông dân thấy lúa vàng thì bón thêm đạm hoặc phun phân bón lá, song việc bón đạm cũng không thể làm khôi phục lại màu xanh cho cây lúa.

Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt kali, tuy nhiên nguyên nhân chính dẫn đến thiếu kali trên lúa xuân ở Nghệ An và Hà Tĩnh là do từ đầu vụ đến nay, nhiệt độ thấp kéo dài, các chất hữu cơ phân giải chậm, chất dinh dưỡng cung cấp từ chất hữu cơ trong đất và phân hữu cơ bón vào ít, gây ra thiếu hụt dinh dưỡng, chủ yếu và lân và kali.

Trong đó thiếu kali làm tăng tỷ lệ mắc rối loạn sinh lý, giảm khản năng đề kháng với các chất độc hại được sinh ra trong điều kiện yếm khí, ví dụ ngộ độc sắt, bệnh đốm nâu (Helminthosporium oryzae), bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani), bệnh thối thân thối bẹ (Sarocladium oryzae), bệnh bạc lá (Xanthomonas oryzae)… ở những chân ruộng bón nhiều đạm và thiếu Kali.

Triệu chứng vàng lá lúa do thiếu hụt kali

Kali tồn tại tự do trong rơm rạ, nhưng nông dân gần như tận dụng 100% cho chăn nuôi, việc bón phân hữu cơ ngày càng ít đi, nên hàng năm đất thiếu hụt lượng kali tương đối lớn. Ngoài ra trong vụ xuân này nhiệt độ thấp, mưa kéo dài, nên việc bón thúc khó khăn.

Về tập quán bón lót, nông dân Nguyễn Thị Thảo, xóm Văn Trai 6, xã Long Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Ở đây bón lót giống nhau, mỗi sào (500m2) bón 1 bao (25kg) NPK 8-10-3, đến nay chỉ bón thêm đạm mà cây lúa không phát triển được, hơn 7 sào Thiên ưu 8 bị vàng lá, tôi phun 2 lần vẫn không đỡ, năm nay thời tiết khắc nghiệt quá”.

Nếu tính theo lượng phân bón trên thì mới chỉ hơn 1 kg KCl, trong khi khuyến cáo của giống Thiên ưu 8 là 8 - 9 kg/sào, như vậy còn thiếu 7 - 8 kg KCl/sào. Nếu bình thường bón thúc đòng khoảng 3 kg KCl, thì giai đoạn vừa qua thiếu 3 - 4kg kali/sào.

Để khắc phục vấn đề này, trước mắt bà con cần bổ sung thêm kali từ 60 - 80 kg KCl/ha. Trong trường hợp rễ lúa kém phát triển, cần bổ sung thêm 5-7 kg Super Lân hoặc phun có hàm lượng lân và kali cao trong trường hợp chưa bị các bệnh như kể trên.

Nếu cây lúa đã bị nhiễm một trong các bệnh nêu trên thì không xử lý phân bón lá mà phải tiến hành phòng trừ bệnh trước. Có thể sử dụng một trong các thuốc trừ nấm bệnh phổ rộng như Anvil 5SC, Nevo 330EC, Amistar Top 325SC, Ridomil Gold 68WG, Tilt Super 300EC... để phòng trừ.


Có thể bạn quan tâm

Thâm canh lúa không âu lo Thâm canh lúa không âu lo

Mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa BT09 là một mảng màu sáng trong bức tranh sản xuất lúa ẩn chứa nhiều vệt xám tại “lòng chảo" Điện Biên.

09/03/2018
Trung Quốc đã lai tạo thành công loại gạo tím giàu chất chống oxy hóa Trung Quốc đã lai tạo thành công loại gạo tím giàu chất chống oxy hóa

Các nhà khoa học Trung Quốc đã lai tạo thành công loại gạo tím biến đổi gen giàu chất chống oxy hóa phục vụ việc chữa trị bệnh ung thư và một bệnh khác.

09/03/2018
Điều khiển lúa xuân tránh sâu bệnh hại Điều khiển lúa xuân tránh sâu bệnh hại

Một số bệnh nguy hiểm có thể tránh hoàn toàn nếu nông dân biết khéo léo điều khiển cây lúa tránh được các đợt phát tán ồ ạt của ký sinh gây bệnh.

09/03/2018